Đơn Dương: Tạo sức lan tỏa trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

DIỄM THƯƠNG 15:21, 15/08/2023

(LĐ online) - Sáng ngày 15/8, tại huyện Đơn Dương, đoàn công tác của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Đơn Dương.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Là 1 trong 4 địa phương được Trung ương chọn xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu, với mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới (NTM) phát triển toàn diện và bền vững, trở thành kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, tạo ra khối lượng sản phẩm nông nghiệp lớn, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, thị trường tiêu thụ ổn định ở trong nước và hướng đến xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đến năm 2025, huyện phấn đấu có 100% số xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh (tăng 2 xã so với năm 2020, gồm các xã: Tu Tra, Đạ Ròn). Có 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (đối với rau, hoa) và chăn nuôi bò sữa (đối với sản xuất thức ăn, quy trình kỹ thuật nuôi) được ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 240 - 250 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/người/năm.

Qua hơn 4 năm (2019 - 2023) triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng huyện Đơn Dương đạt NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025  và 2 năm triển khai Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, chất lượng các tiêu chí huyện NTM được giữ vững và tiếp tục nâng cao. Nền kinh tế của huyện tiếp tục duy trì tốc độ phát triển trên mọi lĩnh vực, đặc biệt giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp được nâng cao, phương thức tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh ngày càng được quan tâm và nhân rộng; văn hóa - xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên và tạo được sự đồng thuận tham gia của toàn xã hội.

Hội nghị cũng đã đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong  quá trình xây dựng NTM như: Thực hiện tự đánh giá kết quả theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 còn gặp khó khăn ở cơ sở trong cách tính và nhận định thực hiện các chỉ tiêu nhỏ trong các tiêu chí. Có những tiêu chí thuộc ngành Giáo dục của tỉnh thực hiện như tiêu chí quy định 100% số Trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có ít nhất 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao (đến 30/6/2023 toàn huyện mới có 2/4 trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 50%, trong đó chưa có trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 2). 

Theo ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương: Chương trình xây dựng nông thôn mới tuy tập trung thực hiện nhưng kết quả đạt được còn hạn chế, nhất là triển khai các mô hình kiểu mẫu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh tuy đã đạt kết quả nhưng mô hình sản xuất điển hình để nhân rộng còn hạn chế, công tác đăng ký mã số vùng trồng và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới còn chậm. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở từng thời điểm đã đạt so với tiêu chí nhưng chưa bền vững, do nhận thức của người dân về chính sách BHYT vẫn còn hạn chế, chưa thấy hết được vị trí, tầm quan trọng khi tham gia BHYT. Công tác phối hợp giữa các phòng, cơ quan cấp huyện với UBND các xã, trấn có lúc chưa đồng bộ, chưa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Công tác tham mưu của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, kịp thời, việc triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền chưa được thực hiện nghiêm túc…

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Luân - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách cho rằng: Để thực hiện thành công xã NTM kiểu mẫu, việc đầu tư cho lĩnh vực môi trường như thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, chăn nuôi, các mô hình sản xuất, chế biến sạch bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm rất cần được huy động nguồn lực của toàn xã hội. Trong đó, chú trọng đầu tư công nghệ thu gom xử lý rác thải; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, chế biến... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy hoạch, có hệ thống hạ tầng đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài; bảo đảm môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, không rác thải.

Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần phải tháo gỡ, đó là: khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn khá lớn, trong khi nhiều xã đã chuyển sang giai đoạn nâng cao chất lượng, xây dựng xã NTM nâng cao và kiểu mẫu, thì một số xã có một số tiêu chí đạt rất thấp. Trong thời gian tới cần phát huy vai trò của người dân, để người dân được bàn bạc, thống nhất lựa chọn lĩnh vực phù hợp, là điểm mạnh của cộng đồng để phấn đấu trở thành kiểu mẫu. Thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu phải thật sự là mô hình điểm của xã về kinh tế, hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự được bảo đảm.