Đức Trọng nỗ lực cải thiện chỉ số cải cách hành chính

NHẬT MINH 00:07, 30/08/2023

Năm 2022, Đức Trọng đứng vị trí thứ 7/12 huyện, thành phố trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Nhìn nhận một cách nghiêm túc những hạn chế trong lĩnh vực này, Đức Trọng đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) từ huyện đến cơ sở.

Tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa huyện Đức Trọng
Tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa huyện Đức Trọng

Theo kết quả đánh giá chỉ số CCHC năm 2022 của Sở Nội vụ, huyện Đức Trọng đạt 85,76/100 điểm, xếp thứ 7/12 huyện, thành phố, giảm 4 hạng so với năm 2021. Trong đó, một số chỉ số đạt kết quả tốt, như: Chỉ số cải cách về thể chế đạt 8,5 điểm (đạt điểm tối đa); công tác chỉ đạo điều hành đạt 10 điểm; cải cách thủ tục hành chính đạt 15,7/16,5 (dưới điểm tối đa 0,8 điểm - xếp thứ 2/12), được cộng 1 điểm thưởng; cải cách tài chính công đạt 6,48/8 (dưới điểm tối đa 1,52 điểm - xếp thứ 1/12), được cộng 0,5 điểm thưởng...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế lớn ảnh hưởng đến kết quả đánh giá xếp loại chỉ số CCHC của địa phương, như: Công tác cải cách tổ chức bộ máy đạt 6,69/7,5 (dưới điểm tối đa 0,81 điểm - xếp thứ 9/12); cải cách chế độ công vụ đạt 8,75/10 (dưới điểm tối đa 1,25 điểm - xếp thứ 9/12); mức độ hài lòng qua điều tra xã hội học năm 2022 đạt 20,39/25 điểm (81,6%), xếp thứ 6, tăng 4 bậc so với năm 2021, nhưng mức độ hài lòng của người dân giảm 8,3%.

Theo bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mất điểm chỉ số CCHC, trước tiên là do thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sư quan tâm, quyết liệt trong triển khai thực hiện công tác CCHC, đặc biệt là lĩnh vực, nội dung tiêu chí phụ trách; chưa kịp thời đề xuất UBND huyện các giải pháp xử lý; tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính trước hạn chưa cao, chất lượng phục vụ người dân trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, giáo dục còn nhiều hạn chế là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân đối với công tác CCHC của huyện.

Về nguyên nhân khách quan, là do hồ sơ hành chính trên địa bàn huyện phát sinh nhiều; đội ngũ cán bộ, công chức tại một số phòng, ban chuyên môn thuộc huyện, địa phương còn thiếu, thiếu công chức chuyên môn về lĩnh vực công nghệ thông tin ảnh hưởng đến nhiệm vụ CCHC của huyện; quy trình, TTHC còn nhiều bất cập; trang thiết bị phục vụ cho công tác giải quyết TTHC chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Khẩn trương chấn chỉnh những tồn tại, rút ra bài học kinh nghiệm nâng cao các chỉ số CCHC, UBND huyện Đức Trọng đã tổ chức họp bàn và ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong năm 2022; trong đó, xác định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tham mưu, triển khai các giải pháp đảm bảo quyết liệt, nghiêm túc, thực chất. Đặc biệt, tập trung khắc phục những tiêu chí yếu kém, nhiều tồn tại đã dẫn đến mất điểm hoặc bị trừ điểm năm 2022; đồng thời, phải quan tâm tới các tiêu chí khác và theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị.

UBND huyện Đức Trọng yêu cầu người đứng đầu các phòng, ban, chủ tịch UBND xã, thị trấn phải thường xuyên quan tâm đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Thường xuyên rà soát, theo dõi để thực hiện, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch CCHC năm 2023 của huyện và hoàn thành 100% các nhiệm vụ do UBND tỉnh và ngành cấp trên giao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC, đa dạng các hình thức tuyên truyền. 

UBND huyện cũng giao các phòng Tài nguyên và Môi trường, Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế - Hạ tầng, Tư pháp... căn cứ chức năng nhiệm vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác giải quyết TTHC trên hệ thống một cửa điện tử nhằm khắc phục, hạn chế tối đa tình trạng hồ sơ quá hạn trong thời gian vừa qua. Nâng cao tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận được giải quyết trước và đúng hạn trong năm 2023, góp phần nâng chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức khi tham gia giải quyết TTHC.

 Chỉ đạo công chức chuyên môn thực hiện giải quyết hồ sơ hành chính và cấp kết quả điện tử đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Hồ sơ hành chính phải đính kèm kết quả giải quyết lên quy trình của Dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo hồ sơ hành chính khi được trả kết quả cho các tổ chức, cá nhân đồng bộ cả bản giấy và bản điện tử. Thực hiện thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức đến ngày hẹn trả kết quả mà chưa có kết quả giải quyết...

Song song với đó, quan tâm xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Đưa vào vận hành có hiệu quả Trung tâm IOC của huyện. Đôn đốc CBCCVC sử dụng thường xuyên thư điện tử công vụ được cấp; thực hiện đầy đủ kênh/chuyên trang theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP; kênh/chuyên trang cung cấp đầy đủ các thông tin; nâng cao tỷ lệ văn bản được đăng tải/tổng số văn bản đi 100% cơ quan, đơn vị áp dụng chữ ký số và văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính qua phần mềm trục liên thông văn bản điện tử Ioffce. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị để số hóa giấy tờ, hồ sơ, thực hiện nhập dữ liệu vào hệ thống một cửa điện tử và dịch công trực tuyến, nhất là hồ sơ chứng thực cấp xã...