Hiệu quả từ chương trình tiếp doanh nghiệp hằng tháng

LÊ HOA 06:03, 07/08/2023

Tính đến hết tháng 7/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 6 chương trình tiếp và làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh định kỳ hằng tháng, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó (từ tháng 2/2023), chương trình làm việc đã tiếp nhận và xử lý vướng mắc cho 39 doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký làm việc với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh
Đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký làm việc với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh

NHIỀU KIẾN NGHỊ ĐÃ ĐƯỢC XỬ LÝ DỨT ĐIỂM

Công ty TNHH Nấm Đà Lạt cần duy trì và mở rộng diện tích trồng nấm hữu cơ để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, vì diện tích đất đang canh tác là liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt sắp hết thời gian; Công ty TNHH Thương mại Tá Lợi, kiến nghị liên quan đến chính sách cho thuê đất làm bến xe và tình trạng “bến cóc”; Công ty TNHH Nông sản Bảo Thy, khó khăn trong việc vận chuyển đất làm cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng trong vụ mùa năm 2023;... là những đơn vị trong tổng số 19 doanh nghiệp, hợp tác xã , hộ kinh doanh được giải quyết dứt điểm các kiến nghị, cũng như những khó khăn, vướng mắc sau khi làm việc với chính quyền trong Chương trình tiếp và làm việc với doanh nghiệp hằng tháng.

Những nội dung đã được giải quyết khác liên quan đến chính sách thuế và tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư; cấp chuyển mục đích sử dụng đất; vay vốn tín dụng; cấp đất sản xuất; cung cấp điện; giải tỏa đất dự án bị lấn chiếm; quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 liên quan đến dự án gạch không nung, điện mặt trời; gian lận thương mại (hàng nhái, hàng giả, hàng không xuất xứ, không rõ nguồn gốc); vận chuyển nông sản ở vùng sâu, vùng xa; tranh chấp dân sự liên quan đến chuyển nhượng tài sản...

Tuy nhiên, còn 6 kiến nghị vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể: Công ty TNHH Xây dựng Thành Nam kiến nghị, liên quan đến vấn đề cho thuê đất theo mục đích sử dụng đất, giấy chứng nhận đầu tư; Công ty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc, xin gia hạn thời gian sử dụng đất và các chính sách tín dụng nhằm đảm bảo nguồn tài chính đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ kinh doanh du lịch canh nông; Công ty Cổ phần Sao đỏ Đà Lạt, xin phê duyệt phương án vận hành đấu nối hệ thống xử lý thải của doanh nghiệp vào hệ thống xử lý thải của Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Kiên Trung vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng...

Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng (Trung tâm) là đơn vị đầu mối thường trực tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, đã thống kê: Đến cuối tháng 7, còn 13 kiến nghị khác của doanh nghiệp chưa nhận được văn bản trả lời từ các ngành chức năng và chính quyền địa phương. 

• CẦN TĂNG CƯỜNG SỰ ĐỒNG BỘ TRONG QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Ba Phó Chủ tịch UBND tỉnh gồm các ông: Võ Ngọc Hiệp, Phạm S và Nguyễn Ngọc Phúc đều tham gia chủ trì các chương trình làm việc với doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Từ các nội dung kiến nghị tại các buổi tiếp và làm việc với doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, TP Bảo Lộc, huyện Đức Trọng... thường xuyên phải tham gia trao đổi, giải trình và giải thích về những vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư... Hầu hết, các vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải, những khó khăn, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đều được giải đáp một cách rõ ràng, dựa trên các nguyên tắc, chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, và được thống nhất trả lời lại bằng văn bản đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Nhưng, cũng có những nội dung dù đã được giải đáp, nhà đầu tư vẫn có cảm giác chưa thỏa đáng. Cụ thể, là kiến nghị của các đơn vị kinh doanh điện mặt trời, theo các văn bản của chính quyền và ngành chức năng thì họ được phép đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng, chuồng trại... nhưng lại không bán điện cho Điện lực Lâm Đồng được, vì yêu cầu của Điện lực là các công trình điện mặt trời phải thực hiện trên đất chuyên dụng… Hoặc, vấn đề của Công ty TS Food liên quan đến công tác quản lý thuế, do Công ty mua hàng của nông dân chứ không phải của cơ quan, tổ chức... nên chỉ có bảng kê chứ không có hóa đơn bán hàng...

Trong 13 kiến nghị Trung tâm chưa nhận được văn bản trả lời, hầu hết đều ở các huyện. Đó là, các vấn đề liên quan đến hoạt động nạo vét kết hợp thu hồi cát, sỏi và bùn trong lòng hồ thủy điện ở huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương. Các vấn đề khác, như chuyển mục đích sử dụng đất, tình trạng mất mùa do dịch bệnh, ưu đãi thuế bù đắp khoảng thời gian do COVID... Lý giải về việc chưa thể giải đáp kịp thời, như ông Phùng Ngọc Hạp - Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc trả lời về vấn đề của Hợp tác xã Nông nghiệp Thống Nhất, trong chương trình làm việc với doanh nghiệp tháng 7, rằng: Do tiếp nhận vấn đề của doanh nghiệp gấp, nên cần thêm thời gian để củng cố hồ sơ, vì liên quan đến đất cấp trùng, đất quy hoạch mục đích khác, nguồn gốc đất...

Dù chưa có văn bản trả lời, nhưng trên tinh thần giải quyết rõ ràng mọi việc ngay tại chỗ, có thể thấy, hiệu quả rất tốt từ Chương trình tiếp và làm việc với doanh nghiệp. Rõ nhất là số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký tham gia trong tháng 2 (tháng đầu tiên) là hơn 20 doanh nghiệp, nhưng đến tháng 6, tháng 7, chỉ có 2 doanh nghiệp. Khẳng định, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh còn chưa tiếp cận thông tin về Chương trình tiếp và làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư hằng tháng, Trung tâm cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, hội, hiệp hội, Liên minh hợp tác xã, cơ quan truyền thông,... tích cực quảng bá thông tin về nội dung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để các doanh nghiệp biết và đăng ký tham gia.