Làm gì để nâng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công của tỉnh? (Bài 1)

VIẾT TRỌNG  05:43, 11/08/2023

Xếp hạng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) của Lâm Ðồng trong năm 2022 vừa qua đã giảm đến 31 bậc trong bảng xếp hạng cả nước so với năm 2021 trước đó. Tỉnh sẽ phải làm gì để cải thiện chỉ số này?

 

Bài 1: Lâm Đồng nằm trong nhóm các tỉnh, thành có chỉ số PAPI thấp

 

Có 197 người dân đang sinh sống tại Lâm Đồng trong tổng số trên 16 nghìn người dân trong nước đã tham gia trả lời các câu hỏi điều tra để đoàn khảo sát đưa ra Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh của tỉnh trong năm 2022.

Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận Một cửa UBND Phường 1, TP Đà Lạt
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận Một cửa UBND Phường 1, TP Đà Lạt

LÂM ĐỒNG XẾP THỨ 49/63 TỈNH, THÀNH TRONG NƯỚC 

Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (tiếng Anh: The Viet Nam Provincial Governance and Public Administration Performance Index (viết tắt Chỉ số PAPI)) được xem là bộ công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Hay nói cách khác, thông qua cuộc khảo sát được tiến hành hằng năm Chỉ số PAPI này đánh giá cơ bản mức độ hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở.

Bắt đầu từ năm 2009, PAPI được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) thí điểm tại một số địa phương trong nước. 

Năm 2010, chương trình được mở rộng từng bước, đến năm 2011 triển khai đại trà trong toàn quốc. Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 29 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công, được khảo sát trong toàn bộ 63 tỉnh và thành phố trong cả nước.

Trong 14 năm qua, đã có 178.243 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công, trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI. Riêng năm 2022 có 16.117 người dân và cũng là cử tri đã tham gia khảo sát PAPI, trong đó, tỉnh Lâm Đồng có 197 người. 

Báo cáo PAPI năm 2022 được công bố trong thời gian qua cho thấy khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất có xu hướng thu hẹp. Theo đánh giá của người dân, hiệu quả quản trị và hành chính ở nhiều tỉnh, thành phố không tăng so với năm 2021.

So với kết quả PAPI năm 2021, có 33 tỉnh và thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; 18 tỉnh, thành có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” và 30 tỉnh, thành có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 “Quản trị điện tử”.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, có 29 tỉnh, thành giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 “Quản trị môi trường”; 18 tỉnh, thành giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và 18 tỉnh, thành giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 “Cung ứng dịch vụ công”.

Trong năm 2022, theo công bố, Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số PAPI cả nước, đạt 47,87 điểm; tiếp theo là Bình Dương với 47,44 điểm; xếp thứ 3 là Thanh Hóa với 46,01 điểm; đứng thứ 4 là Ninh Thuận với 46 điểm; xếp thứ 5 trong bảng này là Thừa Thiên Huế với 43,25 điểm.

Lâm Đồng trong khảo sát PAPI 2022, chỉ đạt 40,71 điểm, xếp vị thứ 49/63 tỉnh, thành trong nước (giảm 2,82 điểm và giảm 31 bậc so với năm 2021). Trong khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng xếp thứ 2 (đứng đầu là tỉnh Đắk Lắk với 41,12 điểm).

• GIẢM ĐIỂM

Thông qua khảo sát 197 người hiện đang sinh sống trên địa bàn Lâm Đồng, Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh cho thấy hầu hết các tiêu chí trong năm qua đều giảm điểm và Lâm Đồng hiện nằm trong nhóm có mức điểm trung bình thấp của cả nước.

Cụ thể, trong Chỉ số nội dung 1 về sự Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Lâm Đồng chỉ đạt 5,06/10 điểm, giảm 0,32 điểm so với năm 2021, trong khi đó trung bình cả nước đạt 4,96 điểm. Trong Chỉ số nội dung 2 về Công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, tỉnh đạt 4,93/10 điểm (giảm 0,32 điểm so với năm 2021), trung bình cả nước đạt 5,25 điểm. Trong Chỉ số nội dung 3 về Trách nhiệm giải trình với người dân, tỉnh đạt 4,18/10 điểm (giảm 0,27 điểm so với năm 2021), trung bình cả nước đạt 4,28 điểm. 

Với Chỉ số nội dung 4 về Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Lâm Đồng đạt 6,52/10 điểm (giảm 0,11 điểm so với năm 2021), trung bình cả nước đạt 6,69 điểm. Trong Chỉ số nội dung 5 về Thủ tục hành chính công, tỉnh đạt 7,21/10 điểm (giảm 0,12 điểm so với năm 2021), trung bình cả nước đạt 7,22 điểm. Trong Chỉ số nội dung 6 về cung ứng dịch vụ công, tỉnh đạt 6,66/10 điểm (giảm 0,99 điểm so với năm 2021), trung bình cả nước đạt 7,50 điểm. Trong Chỉ số nội dung 7 về Quản trị môi trường, tỉnh đạt 3,05/10 điểm (giảm 0,25 điểm so với năm 2021), trung bình cả nước đạt 3,44 điểm. Với Chỉ số nội dung 8 về Quản trị điện tử tỉnh đạt 3,09/10 điểm (giảm 0,45 điểm so với năm 2021), trung bình cả nước đạt 3 điểm.

Bên cạnh những tồn tại hạn chế được chỉ rõ trong các nội dung đã được tỉnh liệt kê cẩn thận, một số nội dung trong các tiêu chí cũng được người dân đánh giá cao hơn mức trung bình của cả nước như các cuộc gặp với cán bộ UBND xã, HĐND xã để giải quyết khúc mắc có kết quả tốt; nhìn chung người dân trong tỉnh khá hài lòng với dịch vụ hành chính cấp xã, phường; chất lượng bệnh viện tuyến huyện, thành phố cũng được người dân đánh giá tốt như người bệnh không phải nằm chung giường, phòng bệnh có quạt máy, nhà vệ sinh sạch sẽ, cán bộ y tế trực thường xuyên, thái độ phục vụ bệnh nhân tốt, chi phí khám, chữa bệnh hợp lý, không phải chờ đợi quá lâu, khỏi bệnh khi xuất viện, bác sĩ không chỉ định điểm mua thuốc, bệnh nhân hài lòng với dịch vụ y tế bệnh viện.

Trong lĩnh vực giáo dục, chất lượng trường tiểu học tại địa bàn xã, phường cũng được đánh giá tốt; lớp học được xây dựng kiên cố; có nhà vệ sinh sạch sẽ; học sinh có nước uống sạch ở trường; sỹ số học sinh dưới 36 em; học sinh không phải học 3 ca; giáo viên không ưu ái học sinh học thêm; phụ huynh thường xuyên nhận được phản hồi; nhà trường công khai thu chi với phụ huynh học sinh; chất lượng không khí nơi cư trú tốt; tỷ lệ người dùng có kết nối Internet tại nhà khá cao và cổng Thông tin điện tử của tỉnh dễ sử dụng cho tra cứu thông tin.