Nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước

CHÍNH PHONG 09:46, 18/08/2023

(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2023 và các năm tiếp theo.

Lâm Đồng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước
Lâm Đồng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước

Theo UBND tỉnh, năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh tiếp tục có sự thay đổi tích cực, điểm số 86,72/100 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 hạng so với năm 2021. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh năm 2022 đạt 80,08%, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố (giảm 18 hạng).

Trên cơ sở các ý kiến của các chuyên gia đã phân tích, đánh giá, khuyến nghị tại Hội thảo “Đánh giá, phân tích và đề xuất giải pháp nâng cao kết quả các chỉ số PAR-Index, SIPAS và PCI của tỉnh Lâm Đồng năm 2023” ngày 20/6 do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức; UBND tỉnh ban hành kế hoạch trên để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính (CCHC) và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 và những năm tiếp.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về

đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 8/9/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện công tác CCHC giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương hiện kế hoạch phải gắn với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch CCHC năm 2023 trên địa bàn và cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Người đứng đầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công tác CCHC nói chung và nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh nói riêng.

Một số nhiệm vụ cụ thể UBND tỉnh yêu cầu đó là các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải đảm bảo 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đều được thẩm định trước khi ban hành theo quy định; nội dung đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng ban hành văn bản QPPL sai quy định, văn bản hành chính có chứa QPPL.

Hoàn thành 100% nhiệm vụ trong kế hoạch kiểm tra, đánh giá tình hình và chất lượng việc tuân thủ, áp dụng cũng như việc cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ theo kế hoạch để đánh giá chất lượng công chức trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân.

Đối với cải cách tài chính công, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh ủy và UBND tỉnh; xem việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, đảm bảo mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt trên 50%, 9 tháng đạt trên 70% và cả năm 2023 đạt trên 95%.

Đối với tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội: Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP của tỉnh trong năm 2023 và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 7,5% đến 8,5%.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt, phổ biến đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức nắm vững, hiểu sâu sắc, nhận thức đầy đủ các nội dung; bám sát các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Bộ Chỉ số CCHC hàng năm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, nhất là những tiêu chí liên quan đến việc thực hiện của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC và quá trình tiếp nhận, giải quyết để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện; đảm bảo giải quyết TTHC đúng quy định, thời gian, hạn chế tối đa việc người dân phải đi lại nhiều lần. Phấn đấu 100% hồ sơ TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đúng và trước hạn; 100% hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn, các cơ quan, đơn vị phải có văn bản xin lỗi người dân, tổ chức theo đúng quy định;…