Qua 12 năm kể từ khi thành lập Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng đến nay, chương trình tiếp sức đến trường đã tài trợ 1.900 suất học bổng cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và học sinh nghèo góp phần thắp sáng ước mơ cho thế hệ trẻ.
Anh Nguyễn Quang Khải cùng 2 em sinh đôi và cô giáo cũ đến thăm và cảm ơn Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng (tháng 8/2023) |
Giúp đỡ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng là giúp cho một thế hệ mới vươn lên đổi đời thoát khỏi cảnh đời bất hạnh. Cách đây 6 năm, có một gia đình nghèo ở Phường 3 (TP Đà Lạt), cha bị tai nạn lao động chấn thương cột sống; mẹ bỏ nhà, bỏ 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn để một đi không trở lại. Một mình Nguyễn Quang Khải (là anh lớn nhất trong nhà) vừa học Đại học Đà Lạt, vừa chạy bàn ở mấy quán cà phê để kiếm tiền chăm lo cho cha và lo cơm áo cho 2 đứa em trai sinh đôi mới bước vào lớp 6.
Nghe hoàn cảnh của gia đình này, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng đã đến khảo sát và đề nghị Chương trình Truyền hình nhân đạo Khát Vọng Sống (TP Hồ Chí Minh) về Đà Lạt tổ chức vận động tài trợ cho 3 anh em nghèo này vào cuối năm 2017.
Nhận được hơn 260 triệu đồng tài trợ từ chương trình này, Khải dành 60 triệu để thuốc thang cho cha, chăm lo cho bà nội già yếu, chống dột cho ngôi nhà, trả nợ tiền vay mượn khi cha bị tai nạn, còn 200 triệu đồng em mở sổ tiết kiệm để lo cho 2 đứa em ăn học.
Tháng 7 năm nay, 2 đứa em sinh đôi của Khải là Nguyễn Thúc Gia Khôi và Nguyễn Thúc Nam Khoa vừa tốt nghiệp trung học và cả 2 đều đủ điểm để được xét tuyển vào đại học. Còn Khải, sau khi lấy bằng Cử nhân Anh văn từ 2 năm trước đã có việc làm trong Khu du lịch Đôi Dép ở Prenn, Đà Lạt. Tháng 9 tới đây, 2 cậu em sinh đôi sẽ vào đại học.
Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng cho biết: “Gặp lại sau 6 năm kể từ khi chúng tôi trao tài trợ cho gia đình này, có cô Nguyễn Thị Xuân Nga, cô giáo dạy tiểu học năm xưa của 3 cháu cũng có mặt trong ngày các cháu đến thăm và cảm ơn Hội, chúng tôi vô cùng xúc động, vui mừng trước thành tích học tập vươn lên của các cháu”.
Nhớ lại trong đại dịch COVID-19, anh chị em trong Chi hội Văn phòng Đại diện của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng tại TP Hồ Chí Minh đã không ngại hiểm nguy, đến từng khu cách ly để tặng nhu yếu phẩm, lương thực và thuốc men cho hơn 500 gia đình, trong đó có gần 200 sinh viên là con em của Lâm Đồng học tập tại TP Hồ Chí Minh.
Sau đại dịch COVID-19, 17 chương trình nhân đạo, từ thiện của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng được khôi phục. Các hoạt động của Hội đã chuyển từ trợ giúp chén cơm, manh áo, viên thuốc sang việc thực hiện quyền của người khuyết tật, quyền của trẻ mồ côi và quyền của bệnh nhân nghèo. Người khuyết tật phải được bảo vệ theo luật người khuyết tật; trẻ mồ côi không chỉ được cưu mang, nuôi dưỡng mà còn phải được đến trường; bệnh nhân nghèo không chỉ được điều trị mà còn phải được trợ giúp thanh toán chi phí điều trị suốt đời, đặc biệt là chi phí mổ tim để họ được sống; tổ chức phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo miễn phí để bệnh nhân nghèo và người cao tuổi được nhìn và hỗ trợ thiết bị trợ thính để người điếc, người có vấn đề về thính lực được nghe. Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng đã góp phần thực thi các quyền này cho đối tượng bảo trợ là bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi. Suốt 12 năm qua, Hội đã tổ chức nhiều chương trình, nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả để góp phần cùng các địa phương trong tỉnh vào đảm bảo các quyền của các đối tượng nói trên.
Điểm nổi bật trong các hoạt động trợ giúp của Hội là trợ giúp bền vững, giúp các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người yếu thế vượt qua số phận, có nhà ở mới, có vốn khởi nghiệp, có sổ tiết kiệm để chữa bệnh và nuôi con ăn học, có phương tiện mưu sinh. Trong 5 năm qua, có 46 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được Hội và các nhà hảo tâm trợ giúp từ 100 đến 490 triệu đồng để vươn lên sau những năm tháng họ bất lực trong cuộc mưu sinh. Có 51 học sinh nghèo, học sinh mồ côi được Hội cấp học bổng từ 40 đến 60 triệu đồng. Đến nay, có 47 lượt tân sinh viên mồ côi và sinh viên nghèo được Hội tặng laptop và hỗ trợ chi phí năm đầu khi các em bước vào trường đại học. Tặng 536 suất học bổng cho học sinh mồ côi, khuyết tật và học sinh nghèo.
Qua 12 năm kể từ khi thành lập Hội đến nay, Chương trình Tiếp sức đến trường đã tài trợ 1.900 suất học bổng cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và học sinh nghèo. Có 340 trường hợp được hỗ trợ từ các Chương trình Tiếp Sức Hồi Sinh, Vượt Lên Chính Mình, Mở Cửa Tương Lai, Khát Vọng Sống, Thắp Sáng Ước Mơ Xanh, Nhịp Tim Việt Nam, Nâng Cao Chất Lượng Dinh Dưỡng, Phẫu Thuật Đem Lại Nụ Cười, Trợ Vốn Khởi Nghiệp... Nhiều gia đình được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng để chữa bệnh, mua công cụ sản xuất, xây nhà và nuôi con ăn học.
Riêng cá nhân ông Nguyễn Văn Lực đã tặng học bổng dài hạn cho 120 học sinh mồ côi, khuyết tật và học sinh nghèo, 30 học sinh được nhận học bổng trị giá từ 50 đến 70 triệu đồng để học hết bậc phổ thông trung học.
Một trong những chỉ tiêu của Hội nhiệm kỳ 2023-2028 là phấn đấu trao tặng 400 suất học bổng cho học sinh mồ côi, khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Lực chia sẻ: Các trường hợp được tài trợ học bổng đều được Hội xác minh kỹ tại địa phương thuộc đối tượng theo quy định của Hội bảo trợ. Chương trình đã giúp các gia đình này xây nhà ở, giúp vốn tạo sinh kế cho gia đình, mở sổ tiết kiệm làm học bổng cho học sinh để tiếp tục việc học tập đến đại học và chi phí điều trị lâu dài cho bệnh nhân...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin