(LĐ online) - Sáng 18/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã có buổi làm việc với các sở liên quan và UBND TP Đà Lạt về việc triển khai xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt trở thành Thành phố di sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Báo cáo tiến độ về việc thực hiện các bước xây dựng hồ sơ đề xuất công nhận trung tâm TP Đà Lạt trở thành Thành phố di sản, ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, đến hiện tại, thành phố đã thực hiện xong 4 bước về chủ trương lập hồ sơ; xác định vùng lõi và các công trình đề xuất di sản; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất các nội dung đề xuất Thành phố di sản; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban biên soạn đề xuất TP Đà Lạt trở thành Thành phố di sản.
Theo đó, thành phố đề xuất 10 công trình chính trong vùng lõi (diện tích khoảng 153ha) và 36 địa điểm phụ đề xuất di sản. Trong đó, các công trình chính gồm: Hồ Xuân Hương, Đồi Cù, Cầu Ông Đạo, Nhà thờ Con gà, Thủy Tạ, Dalat Palace Hotel, Viễn thông Lâm Đồng, Khách sạn Du Parc, Khách sạn Công đoàn, Quảng trường Lâm Viên và Công viên Yersin.
Thời gian tới, UBND TP Đà Lạt sẽ tập trung thực hiện các bước ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập hồ sơ; đề ra các danh mục công việc, lộ trình và chi phí thực hiện; trên cơ sở chi phí cho từng đề mục, tiến hành vận động tài trợ; biên soạn hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa hồ sơ đề xuất công nhận vào danh sách dự kiến; tiến hành số hóa di sản; làm phim 3D về Thành phố di sản Đà Lạt…
Quang cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã tham gia trao đổi, thảo luận và đề xuất, góp ý vào dự thảo các bước thực hiện hồ sơ. Các góp ý chủ yếu liên quan đến tên hồ sơ; phạm vi, ranh giới các công trình được đề xuất di sản; lộ trình xây dựng TP Đà Lạt trở thành Thành phố di sản; kinh phí thực hiện; công tác tuyên truyền về các địa điểm, công trình văn hóa được đề xuất…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã thống nhất lấy tên hồ sơ là Đà Lạt - Thành phố Di sản Thế giới, với 10 công trình chính trong vùng lõi (diện tích 153ha) và 36 địa điểm phụ đề xuất di sản. Tập trung vào các công trình, địa điểm có giá trị về kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nhân tạo và không gian văn hóa của Đà Lạt.
Đồng chí cũng đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Tài chính tập trung xây dựng dự thảo phân công nhiệm vụ cụ thể cho 12 thành viên thuộc Ban Chỉ đạo đề xuất TP Đà Lạt trở thành Thành phố di sản; đẩy mạnh công tác truyền thông dưới nhiều hình thức; nghiên cứu tư liệu, các bài viết, câu chuyện về các di sản văn hóa của Đà Lạt; xem xét phân bổ nguồn lực tài chính, kinh phí ngân sách, nguồn xã hội hóa và phân vào quy hoạch năm 2024; trong đó, lồng ghép, hoàn thành theo hướng đa cơ quan.
Để TP Đà Lạt được công nhận trở thành Thành phố di sản đúng với kế hoạch đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị TP Đà Lạt tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ vào tháng 11/2023 và xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, có thời gian, kinh phí thực hiện; chuẩn bị tổ chức hội thảo cấp tỉnh vào cuối tháng 10/2023 lấy ý kiến của các ban, ngành và chuyên gia để hoàn chỉnh hồ sơ; phối hợp với các cá nhân và cơ quan chức năng hoàn thành các nội dung chuẩn bị cho hội thảo cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế để thống nhất nội dung, thời điểm trình hồ sơ, tên gọi, ranh giới của di sản.
Đồng chí Phạm S cũng thống nhất các bước thực hiện hồ sơ đề xuất công nhận trung tâm TP Đà Lạt trở thành Thành phố di sản. Tuy nhiên, thành phố cần xây dựng nội dung, kế hoạch triển khai cụ thể và dự kiến thời gian hoàn thành; đảm bảo thời gian hoàn thành công nhận TP Đà Lạt trở thành Thành phố di sản vào tháng 9/2025.
Thành phố di sản có thể hiểu là đô thị mang giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, thiên nhiên độc đáo... thể hiện lịch sử hình thành và phát triển. Vì vậy, trở thành Thành phố di sản không chỉ có ý nghĩa về việc bảo tồn và duy trì các di sản văn hóa và lịch sử mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua tham vấn các chuyên gia, Đà Lạt đáp ứng 2 tiêu chí về di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Một là biểu hiện sự giao lưu các giá trị của con người, trong một thời gian dài hoặc trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những bước phát triển trong kiến trúc, nghệ thuật tượng đài hoặc quy hoạch thành phố và thiết kế cảnh quan; hai là một mẫu hình nổi bật của một loại công trình xây dựng hoặc quần thể kiến trúc hay cảnh quan minh họa cho một (các) giai đoạn lịch sử loài người Nếu được công nhận trở thành Thành phố di sản thế giới, Đà Lạt sẽ trở thành một trong chín Di sản Thế Giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin