Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược được. Qua đó, không chỉ giúp tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức mà còn góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển bền vững.
Lợi dụng việc này, các thế lực phản động đã xuyên tạc chủ trương của Đảng. Chúng cho rằng sắp xếp lại các huyện, xã trong cả nước là việc làm tốn kém, lãng phí; không hiệu quả, là chủ quan, nóng vội, duy ý chí, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; là “giảm chỗ này nhưng sẽ tăng chỗ khác”, “quanh đi quẩn lại, tách ra, nhập vào”... Cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc sắp xếp đơn vị hành chính tác động nhiều chiều về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng địa phương; tác động rất nhiều mặt, cả về tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn...
Kết quả thực tế cho thấy rất rõ ràng, kết thúc giai đoạn 2019-2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã; qua đó giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã; tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 2.008 tỉ đồng. Kết quả trên cho thấy chủ trương của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong triển khai thực hiện.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII định hướng nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm địa bàn; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 đã nêu rất rõ quan điểm, nhiệm vụ “Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của Nhân dân”. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 595, Nghị quyết số 35 và gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết 117 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo Nghị quyết vừa thông qua, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm những nơi có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định. Đến năm 2030, sáp nhập huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định. Theo số liệu báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023-2025, sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1.300 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp.
Ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thể gây xáo trộn cả trong hoạt động của các đơn vị hành chính và ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp. Do đó, các cấp, ngành phải quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sao cho linh hoạt, hợp lý; bảo đảm bộ máy hành chính vẫn hoạt động trơn tru. Đặc biệt, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ dôi dư nhân lực, cơ sở vật chất... do đó phải xử lý linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị, ngày 10/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 26 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong tỉnh giai đoạn 2023-2030. Theo đó giai đoạn 2023-2025, Lâm Đồng sẽ nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện gồm huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên thành 1 huyện; nhập đơn vị hành chính huyện Lạc Dương vào đơn vị hành chính TP Đà Lạt; điều chỉnh ranh giới địa chính hành chính của 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm (gồm các xã: Lộc An, Lộc Nam, Tân Lạc, Lộc Thành và Lộc Tân) vào TP Bảo Lộc. Với đơn vị hành chính cấp xã, nhập đơn vị hành chính xã Triệu Hải vào đơn vị hành chính xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh, nhập đơn vị hành chính xã Quảng Lập vào đơn vị hành chính xã Pró thuộc huyện Đơn Dương. Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định và các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc cấp huyện thuộc diện khuyến khích nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã theo đề xuất của chính quyền địa phương.
Chúng ta hoàn toàn tin tưởng, với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai cụ thể, khoa học sẽ thực hiện thắng lợi chủ trương lớn này của Đảng. Các cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh Lâm Đồng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc, quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết, kết luận của Đảng về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, giai đoạn 2023-2030; tăng cường tuyên truyền để Nhân dân hiểu, đồng thuận trong triển khai thực hiện; tích cực đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá chủ trương lớn của Đảng góp phần tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân, tạo nền móng xây dựng đất nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin