Toàn tỉnh có 617 khu dân cư thuộc 63 xã, phường, thị trấn của 5 huyện (Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Đạ Tẻh, Cát Tiên) đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào trong hương ước, quy ước.
Trong năm 2022, Lâm Đồng xảy ra 2 vụ ngộ độc nghi do rượu thủ công làm 11 người mắc, trong đó có 4 người tử vong |
• NHÌN LẠI VIỆC THỰC THI LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA
Theo Sở Y tế Lâm Đồng nhận định xu hướng sử dụng rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác trong sinh hoạt hàng ngày, trong những dịp lễ, hội, trong quan hệ công việc... đang ngày càng gia tăng. Việc lạm dụng rượu, bia ở một số nơi, một số đối tượng đã làm cho trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trở thành những vấn đề đáng lo ngại.
Ngành Y tế Lâm Đồng đã triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch và tổ chức phát thông điệp tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng để đảm bảo an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội. Tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh tại các bệnh viện; trung tâm y tế huyện, thành phố; trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Tổ chức tuyên truyền, quán triệt phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị. Phát động xây dựng cơ quan, đơn vị phòng, chống tác hại của rượu, bia; ký cam kết giữa cơ quan, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia tại nơi làm việc; không uống rượu, bia ngay trước, trong thời gian làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc; không uống rượu, bia trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông...
Qua kiểm tra 76 cơ sở y tế; 67 cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; 1 cơ sở vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; 66 nơi làm việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định và 1 cơ sở văn hóa, thể thao đều thực hiện tốt quy định địa điểm không uống rượu, bia.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 64 đơn vị được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công với sản lượng sản xuất là 777.351 lít (năm 2022), giảm 80% so với cùng kỳ. Mức tiêu thụ trong năm là 679.616 lít (chiếm 87,4% sản lượng sản xuất, giảm 75,3% so với cùng kỳ).
Có 8 đơn vị được cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp với sản lượng sản xuất là 2.440.074 lít (đạt 126,8% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 23,05% công suất thiết kế). Sản lượng rượu tiêu thụ trong năm là 2.291.815 lít, (chiếm 93,92% sản lượng sản xuất, đạt 111,9% so với cùng kỳ).
Sở Công thương đã ban hành văn bản hướng dẫn quản lý hoạt động sản xuất rượu thủ công nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất rượu thủ công thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn diễn ra và trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng xảy ra 2 vụ ngộ độc nghi do rượu thủ công gây ra trên địa bàn huyện Lạc Dương và Đức Trọng, làm 11 người mắc, trong đó có 4 người tử vong.
• BIỆN PHÁP GIẢM TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA
Các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia như tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông được tăng cường. Kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông 11.508 trường hợp, phát hiện 689 trường hợp vi phạm (năm 2022).
Phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe Nhân dân. Thực hiện tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh đến khám, chữa bệnh và sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế. Có 1.141 người được khám, điều trị mắc bệnh, rối loạn chức năng do rượu, bia tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các gia đình, tổ chức tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng. Thực hiện lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa của thôn, buôn và trong sinh hoạt tôn giáo. Vận động, khuyến khích Nhân dân hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, trong các dịp lễ, hội và không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em. Tích cực tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối sức khỏe, hạnh phúc gia đình thông qua các hình thức: phát thông điệp trên loa phát thanh xã, phường, thị trấn, tuyên truyền thông qua các đợt thăm hộ gia đình của mạng lưới y tế thôn, bản...
Công tác kiểm tra, thanh tra việc kinh doanh sản phẩm rượu, bia trên địa bàn được tiến hành lồng ghép trong công tác kiểm tra chung theo kế hoạch của ngành Công thương hoặc theo chuyên đề của ngành Y tế về an toàn thực phẩm vào các dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm, Tết Trung thu, các lễ, hội do huyện, thành phố tổ chức hoặc kiểm tra đột xuất, lồng ghép với việc kiểm tra mặt hàng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.
Kết quả thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh năm 2022 có 35 đơn vị, cơ sở được kiểm tra, phát hiện 10 đơn vị vi phạm (không đảm bảo điều kiện trong sản xuất) và đã xử phạt 20 triệu đồng. Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm với 699 cơ sở đều thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, để thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia đối với người dân gặp nhiều khó khăn, mặc dù người dân hầu hết nhận thức được tác hại của sử dụng rượu, bia. Hiện nay, rượu, bia đang được bày bán tràn lan, mọi nơi và bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận, mua được kể cả ở trẻ em. Tất cả được bán ở quầy tạp hóa, hàng rong, quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi, bán lưu động trên phố, quán nước vỉa hè… nên rất khó khăn trong việc quản lý của cơ quan chức năng.
Đa số cơ sở sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ lẻ, manh mún; điều kiện nơi sản xuất nhỏ; quy trình sản xuất, chế biến rượu phần lớn dựa vào kinh nghiệm truyền thống, các cơ sở sản xuất rượu chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt với số tiền phạt cao so với quy mô sản xuất thực tế tại hộ gia đình nên khó xử lý.
Để thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia trong thời gian tới cần có sự vào cuộc tham gia đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tỉnh cần phân bổ nguồn kinh phí riêng để triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại; kiểm soát việc ghi nhãn rượu, bia; các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các mặt hàng đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả hàng kém chất lượng, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra các vi phạm về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đường bộ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin