(LĐ online) - Thực hiện Công điện số 725/CĐ-TTg ngày 4/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại công an, quân sự ven sông, suối, khu vực sườn đồi, sườn dốc và các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt khi mưa lớn (trong đó: tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư lân cận các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện tiềm ẩn nguy cơ sụt lún, sạt lở, ngập lụt, ngập úng,...). Xây dựng phương án chủ động phòng chống sạt lở, sụt lún, ngập lụt, lũ quét và kiên quyết tổ chức di dời khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng; đồng thời, chủ động thực hiện phương án bố trí, hỗ trợ, ổn định nơi tránh trú, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.
Riêng UBND huyện Lâm Hà tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh 2/8 và Thông báo Kết luận ngày 4/8; đồng thời, cử lực lượng chức năng ứng trực (24/24 giờ) để tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình sạt trượt, sụt lún đất tại khu vực lân cận hồ Đông Thanh (nếu có phát sinh thêm) để chủ động, kịp thời di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét giải quyết, xử lý theo quy định.
Nhiều vị trí sụt lún đất nghiêm trọng tại khu vực lân cận hồ Đông Thanh. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá an toàn đối với tất cả các hồ, đập chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh; trong đó, nghiên cứu giải pháp xử lý, khắc phục các vị trí có nguy cơ sạt lở, mất an toàn và kịp thời cảnh báo, yêu cầu các địa phương thực hiện công tác di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm có khả năng xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở đất, ngập lụt, ngập úng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân khi có sự cố xảy ra;..
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống thiên tai, sạt trượt đất và đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động trong xây dựng công trình, dự án trong mùa mưa bão.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn đối với toàn bộ các công trình đang xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc, khu vực có độ chênh taluy âm/dương lớn; kiên quyết đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ; các địa phương, chủ đầu tư thực hiện các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn...
Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và chủ đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm gây ra thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân trong việc ứng phó thiên tai, phòng ngừa sự cố sạt trượt công trình, sạt lở đất, sụt lún, lũ quét, ngập lụt, ngập úng, đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện,... thuộc địa bàn quản lý hoặc lĩnh vực quản lý.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin