Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội

PHẠM LÊ 17:20, 29/08/2023

(LĐ online) - Thực hiện Văn bản số 37/CV-HĐQT ngày 20/7/2023 của Ngân hàng Chính sách xã hội về việc tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tiếp tục quan tâm hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 01/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 3546/KH-UBND ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh triển khai Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.

Chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò và tính nhân văn sâu sắc của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

UBND các huyện, thành phố chủ động cân đối từ nguồn tăng thu năm 2022 bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (huyện Đức Trọng, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc bố trí tối thiểu 2 tỷ đồng; các huyện còn lại bố trí tối thiểu 1 tỷ đồng); đồng thời, hằng năm ưu tiên cân đối từ ngân sách huyện, thành phố bổ sung nguồn vốn uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách theo quy định.

Các địa phương tiếp tục hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm giao dịch, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; tổ chức điều tra, rà soát, xác định, bổ sung và xác nhận đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội kịp thời làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

UBND tỉnh đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tuyên truyền, vận động để huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội bằng hình thức phù hợp; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tính đến hết tháng 8/2023, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt trên 504,7 tỷ đồng, chiếm 9,0%/tổng nguồn vốn, trong đó: nguồn vốn ngân sách tỉnh 292,1 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách huyện 203.4 tỷ đồng, nguồn vốn Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam gần 9.2 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân sách địa phương và Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chuyển ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thành 250,1% kế hoạch tăng trưởng.