(LĐ online) - Sáng 28/9, tại Đà Lạt, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UNICEF Việt Nam, Trường Đại học Đà Lạt phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Công tác xã hội (CTXH).
PGS.TS Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt giới thiệu về việc đào tạo ngành CTXH của trường |
Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT); bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em UNICEF Việt Nam; PGS.TS Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cùng đông đảo các chuyên gia đầu ngành, các GS, PGS, TS đến từ 30 trường đại học trong cả nước và hơn 300 sinh viên các khóa đang theo học chuyên ngành CTXH của Trường Đại học Đà Lạt.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Việc đào tạo ngành CTXH là nhu cầu cấp thiết, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Quyết định 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã nêu rõ đến năm 2030 “tối thiểu 60% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo duc và cơ sở khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ CTXH”. Để thực hiên được các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ đề ra, các cơ sở giáo dục đại học cần chú trọng đến việc xây dựng học phần đào tạo chuyên sâu tùy theo thế mạnh, sứ mệnh và tâm nhìn của cơ sở đào tạo.
Đông đảo các chuyên gia đầu ngành, GS, PGS, TS của các trường đại học trong cả nước và sinh viên khoa CTXH của Trường Đại học Đà Lạt về tham dự hội thảo |
Khảo sát của UNICEF Việt Nam cho thấy: Hiện nay, Việt Nam với dân số 100 triệu người, có 12% người cao tuổi; hơn 7% là người khuyết tật; 8% dân số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với đó là gần 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hơn 230 ngàn người nghiện các chất ma túy; hàng trăm ngàn đối tượng bị xâm hại, bạo lực, bạo hành và hàng triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, các vấn đề khác trong cuộc sống.
Theo đánh giá, Việt Nam có khoảng 28% dân số cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tác xã hội. Như vậy, có thể thấy tương lai, vị trí việc làm CTXH để đáp ứng nhu cầu của xã hội là khá cao. Đây được xem như một cơ hội của sinh viên ngành CTXH khi ra trường.
Hội thảo quốc tế về phát triển Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành CTXH |
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, hiện nay nhu cầu tuyển dụng sinh viên ngành CTXH vẫn hạn chế. Đầu tiên, có thể kể đến việc đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên ngành khác đang làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ để có thể phần nào đáp ứng nhu cầu về dịch vụ CTXH. Tiếp đến là Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về công tác xã hội trong các lĩnh vực, đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí việc làm, yêu cầu trình độ và cơ chế tuyển dụng. Đặc biệt, nhận thức của một số cấp lãnh đạo về tầm quan trọng của nhân viên CTXH còn hạn chế.
Theo GS Annamaria Campanini - Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các trường đào tạo CTXH (IASSW), hiện nay tiến trình phát triển đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có chất lượng tại các cơ sở đào tạo tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức. Có thể kể đến, đó là sự “bùng nổ” về đào tạo CTXH từ năm 2010, nhiều cơ sở giáo dục đã sử dụng giảng viên từ nhiều chuyên ngành khác để giảng dạy CTXH. Thêm vào đó, việc các giảng viên dạy học các phần chuyên sâu CTXH nhưng lại thiếu nhiều giờ thực hành dẫn đến thiếu kỹ năng và kiến thức thực tiễn. Nhiều giảng viên được đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài nhưng hạn chế về trải nghiệm thực tế nên kiến thức truyền đạt còn nặng về hàn lâm, lý thuyết.
Trước năm 2004, cả nước mới chỉ có 2 cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành CTXH là Trường Đại học Công đoàn và Đại học Đà Lạt. Sau gần 20 năm sau, đã có tới 34 cơ sở giáo dục đại học, 22 trường cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành CTXH. Trong đó, có 34 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, 09 cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ và 02 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên nganh CTXH.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin