Các trường học trên địa bàn huyện Cát Tiên đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến việc ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để bước vào năm học 2023 - 2024, với mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Các trường học trên địa bàn huyện Cát Tiên đã chuẩn bị tốt từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho năm học mới 2023 - 2024 |
Ông Nguyễn Chí Nhân - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Tiên cho biết, hiện nay, huyện Cát Tiên có 32 đơn vị trường học và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, giảm 1 trường học so với năm học trước do sáp nhập Trường THCS Phù Mỹ vào Trường THCS Đồng Nai. Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, ngành Giáo dục Cát Tiên hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2022 - 2023; việc triển khai kế hoạch dạy học và triển khai các nhiệm vụ năm học được thực hiện đảm bảo đúng kế hoạch và đạt một số kết quả nhất định; các đơn vị trường học trên địa bàn huyện tổ chức dạy và học đảm bảo khung thời gian năm học; nền nếp, kỷ cương được duy trì, giữ vững; chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được duy trì; công tác tuyển sinh, duy trì sĩ số học sinh, công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học được các đơn vị trường học triển khai thực hiện tốt.
Trong đó, tiếp tục tham mưu thực hiện duy trì công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đối với 4 trường (kiểm tra công nhận lại); duy trì tổng số trường trực thuộc đạt chuẩn quốc gia 28/30 trường trực thuộc, tỷ lệ 93,33%. Tổ chức thành công các kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp huyện, tham gia các kỳ thi, cuộc thi cấp tỉnh và đạt kết quả khá tốt; công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả; phong trào thi đua yêu nước, thi đua dạy tốt, học tốt tiếp tục được phát huy; công tác kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Chí Nhân, để chuẩn bị bước vào năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Tiên tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Tập trung xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, đề án, chương trình để cụ thể hóa các chủ trương và định hướng phát triển giáo dục - đào tạo theo từng năm và cho cả giai đoạn, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, trọng tâm là triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Kế hoạch số 75/KH-UBND của UBND huyện về lộ trình, nhu cầu nâng trình độ chuẩn được đào tạo của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 4, 5.
Đồng thời, huyện Cát Tiên tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; trong đó, tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường dự bị đại học.
Mặt khác, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, ngành Giáo dục huyện Cát Tiên sẽ tập trung triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới; nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025” và Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”. Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Đồng thời, từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục - đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin