Di Linh: Thực hiện nếp sống văn minh góp phần xây dựng huyện nông thôn mới

NGỌC NGÀ 06:07, 07/09/2023

Việc giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của bà con các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn và thực hiện nếp sống văn minh ở cơ sở được huyện Di Linh chú trọng triển khai. Đó là cơ sở để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm “nền tảng tinh thần” và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Việc tổ chức lễ hội ở huyện Di Linh đảm bảo xóa bỏ các hủ tục và giữ lại những nét đẹp văn hóa đặc trưng
Việc tổ chức lễ hội ở huyện Di Linh đảm bảo xóa bỏ các hủ tục và giữ lại những nét đẹp văn hóa đặc trưng

Di Linh là địa bàn có số lượng đồng bào DTTS lớn nhất tỉnh với trên 66.000 người (chiếm 41,5% dân số). Bên cạnh những nét văn hóa đặc sắc, trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn những phong tục không còn phù hợp với đời sống hiện nay, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội... Cụ thể như: trong việc cưới còn tục thách cưới, tổ chức lễ cưới rình rang, ăn uống linh đình, kéo dài, lãng phí. Trong việc tang còn tình trạng để người chết trong nhà nhiều ngày, tổ chức ăn uống kéo dài, tốn kém, việc chôn cất người chết còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng tới bảo vệ môi trường chung. Trong tổ chức lễ hội, tại một số nơi còn tồn tại một số hủ tục gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí còn tồn tại hiện tượng cờ bạc trá hình… 

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trong tổ chức lễ hội là điều cần thiết. Xác định rõ điều này, nhiều năm qua, Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Di Linh đã xây dựng kế hoạch cụ thể về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội dựa trên những quy chuẩn và hành động cụ thể.

Ban Chỉ đạo đã có sự nghiên cứu và tham mưu ý kiến tư vấn từ đội ngũ những người có am hiểu sâu về văn hóa và có tiếng nói trong cộng đồng tham mưu, tư vấn. Trên cơ sở đó, địa phương đã đưa ra những mục tiêu và cách thức tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội cụ thể. “Đó là cơ sở quan trọng để đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền và chính người dân soi chiếu vào đó để thực hiện”, ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh nhận định.

Hàng năm, huyện Di Linh đều tiến hành tập huấn chi tiết cho Ban Vận động xây dựng đời sống văn hóa các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố với sự tham gia của đông đảo người cao tuổi có tiếng nói và uy tín trong cộng đồng. Những người cao tuổi trong thôn thuộc các tôn giáo khác nhau đều cam kết vận động, tuyên truyền bà con, dòng họ, các tín đồ tôn giáo nghiêm túc thực hiện .

Bên cạnh đó, huyện Di Linh còn tiến hành xây dựng mô hình kiểu mẫu về việc cưới, việc tang và lễ hội văn minh, làm cơ sở nhân rộng ở từng xã, thị trấn. Trong đó, tập trung vào các thôn nông thôn mới kiểu mẫu và các Khu dân cư kiểu mẫu, Khu dân cư tiêu biểu. Đến nay, có 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức phát động thực hiện nội dung này và ra mắt được 32 mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hiện nay, thị trấn Di Linh và xã Hòa Ninh đang là hai địa phương thực hiện rất tốt nội dung này.

Ghi nhận tại các địa phương trên cho thấy, bà con chỉ tổ chức lễ cưới sau khi đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nạn thách cưới hầu như không còn. Việc tổ chức tiệc cưới không quá phô trương gây lãng phí nên giảm dần áp lực cho các gia đình, nhất là các cặp vợ chồng trẻ sau khi cưới. 

Có không ít thôn, tổ dân phố quy định rõ việc các gia đình phải chấp hành tổ chức việc tang văn minh, đúng quy định nếu không sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ phía thôn, tổ dân phố. Nhờ vậy, việc chấp hành của bà con dần được nâng cao. Theo đó, việc tổ chức lễ tang đã được bà con thực hiện trong 48 giờ, không rải tiền vàng mã trên đường, chôn cất đúng nơi quy định, không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài, gây mất thời gian, tốn kém và ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương…

Việc tổ chức lễ hội cũng đảm bảo xóa bỏ các hủ tục và giữ lại những nét đẹp văn hóa đặc trưng.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được các xã, thị trấn triển khai đến từng hộ dân và đã dần có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra…

Huyện Di Linh xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Công tác tuyên truyền được thực hiện trên tinh thần “mưa dầm thấm lâu” để tạo tính bền vững tránh chạy theo hình thức, áp đặt.

Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức cưới, tang, lễ hội ở các địa phương để kịp thời chấn chỉnh hành vi vi phạm hay những hiện tượng tiêu cực phát sinh.

Địa phương gắn kết đồng bộ giữa thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… để việc cưới, việc tang, lễ hội... được thực hiện văn minh, từng bước nâng cao chất lượng đời sống bà con và góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng huyện nông mới của huyện Di Linh.