Giáo dục Lâm Đồng và niềm tin kiến tạo nên những giá trị mới

TUẤN LINH 05:41, 08/09/2023

Vượt qua những trở ngại và thách thức, giáo dục của vùng đất Nam Tây Nguyên phần nào đã gầy dựng được một nền móng tương đối vững chắc với bản sắc riêng có. Nhưng để có thể tạo ra những thay đổi thực sự, ghi đậm dấu ấn bằng những thành tựu, làm thay đổi căn bản nền tảng giáo dục, tỉnh Lâm Đồng cần phải thích ứng, vững vàng đối mặt với những khó khăn, kiến tạo nên những giá trị mới, thiết thực, phù hợp với yêu cầu của sự phát triển.

Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bế Văn Đàn, xã B’Lá, huyện Bảo Lâm trong giờ học. Ảnh: C.Phong

Kỳ vọng vào một năm học mới đồng thuận, đổi mới toàn diện các mục tiêu, ngoài 12 nhiệm vụ trọng tâm chung của Giáo dục Việt Nam. Ngành Giáo dục Lâm Đồng cũng xây dựng riêng cho mình những mục tiêu cụ thể với các tiêu chí cao để phấn đấu, đồng thời, tin tưởng vào những kết quả tích cực trên nền tảng là thành quả đã gặt hái được từ những năm học vừa qua.

Không khó để liệt kê những thành tích của giáo dục Lâm Đồng tạo lập được trong những năm vừa qua bằng những con số ấn tượng. Tính đến tháng 8/2023, đã có 497/604 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; 82% thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và tương đương. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 100% với gần 27.000 học sinh; 98,5% người biết chữ trong độ tuổi; 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Nhiều trường học được đầu tư xây mới, cải tạo từ Chương trình xây dựng Nông thôn mới và từ các nguồn xã hội hóa với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, khuôn viên trường được quy hoạch, bố trí phù hợp với các hoạt động của học sinh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Giáo dục Lâm Đồng cũng tạo nên những đột phá, khi liên tiếp lọt vào top cao của toàn quốc trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó tỷ lệ tốt nghiệp đối với học sinh đang học lớp 12 đạt tỷ lệ 99.52%, xếp 12/63 tỉnh, thành; điểm trung bình môn đạt 6.44 điểm, đứng vị trí 18 trong toàn quốc, tăng hai bậc so với năm 2022; số lượng học sinh giỏi quốc gia cũng như ở các cuộc thi khoa học có quy mô khu vực và quốc tế tăng lên đáng kể sau từng năm. Đặc biệt, có nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cát Tiên, Đam Rông... cũng đạt được những giải thưởng cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp.

Xét đến yếu tố thành tích, kết quả thành tích của giáo dục Lâm Đồng không thể đem ra so sánh với các tỉnh, thành phố đồng bằng, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Nhưng đó lại là minh chứng biểu thị cho sự cố gắng và nỗ lực của giáo dục Lâm Đồng sau thời gian dài xây dựng và bồi đắp. Trong 10 năm trở lại đây, giáo dục Lâm Đồng với những kết quả ấn tượng, từ điểm xuất phát của một tỉnh miền núi với cơ sở vật chất thiếu thốn, nền tảng tri thức phổ thông còn ở mức dưới trung bình của cả nước đã lột xác mạnh mẽ, luôn lọt vào top đầu của cả nước, đứng đầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và đánh giá cao trong công tác đào tạo. Đó là lộ trình dài hơi được kiến tạo từ những nền tảng căn bản, nói không với bệnh thành tích, học thật, thi thật đã phần nào khởi tạo nên truyền thống hiếu học của Lâm Đồng trong suốt thời gian vừa qua.

Bước vào năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Lâm Đồng phấn đấu đạt tỷ lệ trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ 82,87%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và tương đương đạt 82%. Không khó để nhận định đây là tỷ lệ không cao, nếu không muốn nói khiêm tốn so với các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nếu bỏ tất cả các kết quả đạt được vào ngăn lưu trữ, sẽ dễ dàng nhận thấy, đích đến cho việc thay đổi toàn diện nền giáo dục Lâm Đồng trong tương lai sẽ còn đối diện với rất nhiều thách thức. Một trong những điều dễ nhận thấy ở Lâm Đồng đó là tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường còn thấp. Điều này được lý giải bởi cơ sở vật chất của các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được nhu cầu đến trường của trẻ độ 5-6 tuổi, không đủ phòng học để đáp ứng các độ tuổi khác, đặc biệt độ tuổi dưới 3 tuổi; bên cạnh đó, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non không đủ để thực hiện việc mở rộng quy mô của các trường, nhất là việc mở rộng độ tuổi nhà trẻ.

Dù đã được đầu tư nhiều bằng những nguồn kinh phí khác nhau, nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ như: phòng học, phòng học bộ môn, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà đa năng, thư viện. Vẫn còn một tỷ lệ lớn phòng học xuống cấp cần thay thế; tỷ lệ trường học 2 buổi/ngày còn thấp, đặc biệt là nhiều trường ở khu vực đô thị thiếu trầm trọng quỹ đất để phát triển mở rộng cơ sở vật chất từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông. 

Thêm một bài toán nan giải nữa, là công tác duy trì sĩ số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Đời sống khó khăn nên các gia đình thiếu quan tâm đến chuyện học của con em, những hủ tục dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm vẫn còn nhiều. Câu chuyện vận động học sinh đến lớp trong những mùa thu hoạch trà, cà phê, hoa màu... luôn là trở ngại chưa tìm được lời giải của cán bộ quản lý và thầy cô giáo ở các trường vùng sâu.

Ngành Giáo dục Lâm Đồng đang từng ngày, từng giờ gây dựng và hướng tới lộ trình không có điểm cuối trong công cuộc đào tạo tri thức và con người của giáo dục trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Đó không phải bảng vàng thành tích ở mỗi năm học, bằng khen hay huân chương tưởng thưởng qua mỗi giai đoạn. Đó là quá trình dài hơi, đi lên bằng nỗ lực, tâm huyết và cả sự trăn trở của toàn thể các tầng lớp Nhân dân Lâm Đồng, nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng, đào tạo tri thức tạo giá trị nhân bản, kiến tạo nên những thế hệ đủ tâm và tài cho mục tiêu đưa Lâm Đồng trở thành địa phương phát triển toàn diện trong tương lai.