“Là một người con của núi rừng, tôi rất tự hào về món rượu cần của người Tây Nguyên nói chung và người M’Nông nói riêng; vì vậy, tôi luôn mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa đặc sắc này để cho những thế hệ trẻ mai sau có ý thức, tiếp tục cố gắng lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc mình...”.
Rượu cần là một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên |
Đó là tâm sự của già làng Cil Nếu (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông), người luôn tâm huyết với công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tại địa phương. Ông cho biết, xã Đạ Tông hiện có hơn 92% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Cil, M’Nông. Chính vì vậy, đa số người dân nơi đây đều “nằm lòng” phương pháp nấu rượu cần truyền thống.
“Vào bất cứ gia đình M’Nông nào ở đây, họ cũng sẽ có rượu cần trong nhà. Bởi lẽ, rượu cần là một trong những nét đẹp văn hóa gắn chặt trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, được lưu giữ từ rất lâu đời và sử dụng trong các dịp như: lễ tế thần linh, đãi khách, lễ hội đâm trâu, đua voi, đám hỏi, đám cưới, kể cả đám tang… Nếu thiếu rượu cần trong các hoạt động cộng đồng ở làng thì những việc đó sẽ không thể thông thuận, trôi chảy được. Vì lẽ đó, uống rượu cần dần trở thành một phong tục không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt của chúng tôi”, già làng Cil Nếu kể.
Theo bà Bon Jrang K’Yem, người nấu rượu cần lâu năm tại thôn Liêng Trang 1, để làm nên một ghè rượu cần thơm ngon, bùi vị thì công đoạn chuẩn bị những nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên như gạo, vỏ trấu, ngô, sắn, lá dứa… chính là yếu tố quyết định đến chất lượng của ghè rượu. Đặc biệt, bánh men để ủ rượu phải được chuẩn bị kĩ lưỡng đầu tiên. Bởi lẽ, đây chính là “linh hồn” tạo nên hương vị độc đáo rõ nét của rượu cần.
Người nấu rượu sẽ dành thời gian lên rừng để tìm đủ các loại lá cây rừng, rễ cây rừng khác nhau về làm men rượu. Khi những bánh men rượu hoàn thành sẽ được giã nhuyễn, rải đều và trộn cùng với các nguyên liệu khác đã được nấu chín. Sau đó, lần lượt cho hết các nguyên liệu đã phối trộn với nhau vào ghè để ủ. Trên miệng ghè, người M’Nông sẽ lót các lớp lá dứa, đây là phương pháp làm dậy thêm mùi thơm đặc trưng cho rượu, rồi mới bịt kín miệng ghè lại để quá trình lên men bắt đầu. Các ghè rượu này sẽ được sắp xếp cẩn thận tại những nơi thoáng mát, khô ráo nhất trong nhà, tránh cho ghè rượu bị hỏng, mốc khiến hương vị rượu bị thay đổi. Tuỳ vào kích thước ghè lớn hay ghè nhỏ mà thời gian ủ rượu sẽ khác nhau. Có ghè chỉ sau 15 - 30 ngày đã có thể sử dụng, nhưng có ghè sẽ phải đợi lâu hơn, từ một năm trở lên, hương rượu cần sẽ càng đậm đà, thơm ngọt.
Theo ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, đẩy mạnh. Trong đó, rượu cần là một nét văn hóa đặc trưng của người Cil, M’Nông tại xã Đạ Tông đã và đang được địa phương tích cực giữ gìn và phát triển; vì vậy, trong thời gian tới, xã Đạ Tông sẽ định hướng cho các gia đình sản xuất rượu cần liên kết, để đăng ký thương hiệu rượu cần của Đạ Tông.
“Bên cạnh đó, nhằm tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, huyện Đam Rông đã đầu tư cho xã Đạ Tông khu bảo tồn văn hóa truyền thống rộng trên 1 ha với nguồn vốn là 10,5 tỷ đồng. Đồng thời, xã cũng đã ban hành Nghị quyết số 45 về phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng cảnh quan thôn, xóm, đón đầu phát triển du lịch từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Sau khi Đảng ủy ban hành Nghị quyết, UBND xã đã chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện Nghị quyết. Cụ thể, tư liệu hóa toàn bộ các giá trị văn hóa truyền thống thông qua video, hình ảnh như bài hát dân ca được thể hiện bằng kèn bầu, kèn môi; các điệu múa xoang và cồng chiêng… Cùng với đó, xã Đạ Tông đã chỉ đạo và hằng năm tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao liên quan đến những giá trị văn hóa truyền thống, như: lễ hội cầu mưa, lễ hội cầu mùa, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội bỏ mả…”, ông Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Bằng nhiều việc làm thiết thực, hứa hẹn trong thời gian tới, kho tàng văn hóa bản địa đa dạng tại xã Đạ Tông sẽ trở thành điểm nhấn đặc sắc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần người dân; góp phần thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin