KỶ NIỆM 130 NĂM ĐÀ LẠT HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN (1893 - 2023):
Thêm một ngày để Đà Lạt nhớ về bác sỹ A.Yersin

VIẾT TRỌNG 07:35, 03/09/2023

Đà Lạt nên có thêm 1 ngày trong năm để nhớ về bác sĩ A. Yersin. Đó có thể là cái ngày mà ông khám phá ra vùng đất - nơi mà sau đó được xây dựng để trở thành Đà Lạt hôm nay.

Tại nơi đặt tượng bác sỹ A. Yersin trên núi Lang Biang
Tại nơi đặt tượng bác sỹ A. Yersin trên núi Lang Biang

1- Hơn 9 giờ sáng đoàn chúng tôi mới tập hợp đủ người tại cổng Khu du lịch Lang Biang - Lạc Dương để bắt đầu hành trình đặt hoa và thắp hương tại tượng bác sĩ Alexandre Yersin trên lưng chừng đỉnh Lang Biang. Chuyến đi chúng tôi vào ngày 21/6 vừa qua, đúng vào ngày này 130 năm trước (21/6/1893-21/6/2023), bác sĩ A. Yersin đã phát hiện ra Cao nguyên Lang Biang - nơi xây dựng TP Đà Lạt hiện nay.

Đi cùng chúng tôi trong đoàn hôm đó có anh Nicolas Leymonerie - Trung tâm Pháp ngữ Antenne tại Đà Lạt; ông Đống Lương Sơn - Chủ tịch Hội Người ái mộ bác sĩ A. Yersin tại Khánh Hòa cùng vợ; đại diện Trường Đại học Yersin Đà Lạt, thêm một chị từng công tác tại Bảo tàng Lâm Đồng và từng có nhiều bài viết về Đà Lạt. Đoàn mang theo 3 vòng hoa, nhưng các vòng hoa này được đặt ở bãi phía dưới chân núi Lang Biang, theo gợi ý của Nicolas Leymonerie, vì để mọi du khách khi đến chân núi này, nhìn thấy vòng hoa với dòng chữ đi cùng trên vòng hoa có thể biết đến bác sĩ A. Yersin và cái ngày đặc biệt này.

Tượng bác sĩ A. Yersin nằm ở gần đỉnh núi, theo một con đường nhỏ rẽ ngang, leo lên một con dốc khá đứng nhiều thông và cây rừng. Bức tượng bán thân nhỏ nhắn, trang nghiêm, nằm trên một tảng đá tự nhiên lớn, phía dưới có bình cắm hoa và bát hương nhỏ. Tượng được Công ty Du lịch Lâm Đồng đặt năm 1999, nhìn về hướng Đông Nam nơi TP Đà Lạt thấp thoáng sau cánh rừng thông. Lần lượt từng người trong đoàn đến thắp hương trước tượng. Từ đây lên đỉnh Rađa, đỉnh cao nhất ở phía Tây của núi Lang Biang, chỉ còn một quãng ngắn.

2- Trên đỉnh Rađa phía Tây của núi Lang Biang đó, nhìn về hướng Nam, có thể phóng mắt để thấy toàn cảnh TP Đà Lạt trải rộng mênh mông. Nhà cửa, đường phố, các công trình kiến trúc lớn, nhà kính lợp mái ni lông trắng trồng hoa bắt nắng lấp lóa, bên tay phải là màu vàng của nước hồ Đan Kia lóng lánh dưới ánh mặt trời. Khi đứng đây, tôi tự hỏi vào cái ngày này cách đây 130 năm, khi bác sĩ A.Yersin phát hiện ra vùng đất này, liệu ông có biết rằng rồi sau này sẽ có một đô thị Đà Lạt xinh đẹp phát triển rất nhanh như hiện nay hay không?

Theo tài liệu, bác sĩ Alexandre Yersin (tên đầy đủ của ông là Alexandre Émile Jean Yersin) có một tuổi thơ thanh bình ở vùng đồng quê trên đất Thụy Sỹ. Ông sinh ngày 20/9/1863 tại hạt Lavaux, tổng Vaud, Thụy Sỹ - một vùng đồi núi xanh mướt có phần giống phong cảnh Đà Lạt. Gia đình ông gốc Pháp, cha ông là một nhà Côn trùng học nổi tiếng thời bấy giờ, dạy Vạn vật học, ngày nhỏ ông đi học tại Morges. Năm 20 tuổi ông theo học về thuốc tại Lausanne, bên cạnh hồ Leman, Thụy Sỹ; sau đó ông tu nghiệp ở Marbourg - Đức rồi qua Pháp xin vào làm việc ở các phòng thí nghiệm lớn tại Paris trong đó có phòng thí nghiệm của bác sĩ Louis Pasteur vốn rất nổi tiếng thời bấy giờ vì tìm ra thuốc trị bệnh chó dại. Năm 24 tuổi, ông nhập quốc tịch Pháp.

Tài giỏi, nổi tiếng với các công trình nghiên cứu y khoa sau đó nhưng ẩn sâu trong chàng bác sĩ A. Yersin trẻ tuổi lúc đó còn là niềm đam mê phiêu lưu, khám phá. Năm 1889, ông nhận làm y sĩ cho hãng tàu Messageries Maritimes để lên đường sang Đông Dương. Đó là chuyến sang Đông Dương đầu tiên của ông. Mỗi lần tàu cập bến Nha Trang, ông thường ngắm nhìn dãy Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây và tự hỏi sau những dãy núi xanh đó là những gì?

Tháng 7/1890, lúc 27 tuổi, bác sĩ A. Yersin từ Nha Trang đã đi ngựa vào Phan Rí. Tại Phan Rí, ông nhờ một người dẫn đường để ngược lên vùng núi cao phía Tây và sau 2 ngày leo dốc lội rừng, ông đến Djiring (Di Linh). Đi đến đâu ông cũng ghi chép cẩn thận về vùng đất đó. Sau chuyến đi đó, ông còn làm thêm 1 chuyến đi khác ngược lên vùng cao nguyên này.

Tháng 1/ 1893, ông nhận nhiệm vụ khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng người dân tộc thiểu số trên cao nguyên và kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Kỳ. Trong chuyến đi thứ ba lên vùng đất Tây Nguyên đó, bác sĩ A. Yersin đã phát hiện ra cao nguyên Lang Biang, đúng vào ngày 21/6/1893.

Trong nhật ký hành trình, ông ghi lại khá vắn tắt sự kiện: “3 giờ 30 - cao nguyên lớn trơ trụi, gò đồi nhấp nhô”. Sau đó ông viết lại cụ thể hơn khoảnh khắc đó: “Ấn tượng của tôi thật sống động khi vừa ra khỏi rừng thông, tôi đối diện với một cao nguyên mênh mông, trơ trụi và hoang vắng, trông giống như mặt biển nhấp nhô bởi những làn sóng khổng lồ màu xanh lá. Dãy núi Lâm Viên đứng sừng sững ở phía chân trời Tây Bắc cao nguyên này, làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ đẹp và nổi bật đầy mỹ lệ”.

Vào lúc 3 giờ (15 giờ) 45 cùng ngày, Yersin vượt qua dòng suối Cam Ly để đi về phía Tây Bắc và đến một cái hồ rất lớn trong rừng thông - hồ Đan Kia lúc 18 giờ 15. Sau một đêm nghỉ lại ở Đan Kia, sáng hôm sau ông rời Lang Biang trở lại Rioung - một ngôi làng thuộc khu vực Đức Trọng ngày nay.

Theo hồi ký ông viết, lúc đặt chân đến vùng này, ở đây chỉ rải rác vài ngôi làng của người Lạch tụ họp dưới chân núi, dân cư thưa thớt.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer vài năm sau đó đã viết một bức thư hỏi ý kiến bác sĩ A. Yersin với yêu cầu tìm một vùng đất có khí hậu ôn hòa, tránh được cái nóng mùa hè xứ nhiệt đới như thiêu đốt, phù hợp cho sức khỏe của người châu Âu. Ông đã không ngần ngại trả lời: đó là Cao nguyên Lang Biang.

Sau khi phái các đoàn thám hiểm vào các năm 1897 và 1898 để kiểm tra lại thực địa, ngày 1/11/1899, Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với thủ phủ là Djiring (Di Linh) và hai trạm hành chính là Tánh Linh và Lâm Viên (đặt tại Đà Lạt hiện nay). Đó là tiền đề pháp lý đầu tiên cho việc hình thành chức năng hành chính của Đà Lạt - một thành phố mang tên của cộng đồng dân tộc thiểu số sống trong vùng núi này với ý nghĩa là suối nước của người Lạch.

3- Người dân Nha Trang có rất nhiều kỷ niệm với bác sĩ A. Yersin nơi ông chọn sống và làm việc trên 50 năm ở đây. Theo ông Đống Lương Sơn, Hội “Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin” tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 500 hội viên, sinh hoạt ở 4 chi hội, với rất nhiều hoạt động nổi bật trong năm. Hội có phòng khám nhân đạo khám bệnh, phát thuốc cho mọi người, mở cửa trong sáng thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, nếu ai gia cảnh khó khăn Hội sẽ hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế và giúp đỡ chi phí chữa bệnh. Hội lâu nay cũng tổ chức dạy nghề cho nhiều trẻ khuyết tật trên địa bàn, giúp các em tìm việc làm; hỗ trợ học bổng, giúp cho nhiều học sinh trong tỉnh gia đình hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường.

“Bên cạnh công tác từ thiện nhân đạo chúng tôi cũng có nhiều hoạt động khác trong năm, có hội tem để quảng bá hình ảnh của bác sĩ đến với các thế hệ, có việc kết nối các Hội Ái mộ bác sĩ A .Yersin các tỉnh, thành trong nước như tại Đà Lạt chẳng hạn và trên thế giới” - ông Đống Lương Sơn cho biết.

Cũng từ một hoạt động của Hội những người ái mộ bác sĩ A. Yersin tại Khánh Hòa mà anh Nicolas Leymonerie đã có suy nghĩ rằng Đà Lạt nên có một ngày để tưởng niệm đến ông. “Khi tham dự lễ tưởng niệm 80 năm ngày mất của Alexandre Yersin vào ngày 1/3 trong năm nay ở Nha Trang, tôi đã rất ấn tượng trước tấm lòng thành kính của người dân Nha Trang đối với Alexandre Yersin. Ông ấy không chỉ cống hiến cuộc đời mình để bảo vệ cuộc sống của người dân Khánh Hòa và Việt Nam mà còn cuộc sống của cả nhân loại. Vì vậy, tôi đã nghĩ rằng những người ái mộ Yersin ở Đà Lạt nên có một ngày kỷ niệm đặc biệt để tôn vinh ông - cha đẻ TP Đà Lạt. Và ngày đó phải là ngày ngày 21 tháng 6 hôm nay, tròn 130 năm sau ngày ông phát hiện ra cao nguyên Lang Biang” - anh nói.

Cũng nói một chút về Trung tâm Pháp ngữ Antenne ở Đà Lạt - nơi anh Nicolas Leymonerie đang làm việc hiện nay. Trung tâm được thành lập từ năm 2016 với mục đích dạy tiếng Pháp cho học sinh Đà Lạt và nâng cao trình độ tiếng Pháp cho người học. Trung tâm lúc đó nằm ở đường Nhà Chung - đối diện với cột Ăng-ten của Bưu điện Lâm Đồng cho nên khi thành lập, Nicolas cho biết, lấy luôn tên là Antenne. Năm 2018, Trung tâm hợp tác với CADASA Resort để hình thành Nhà Cộng đồng Pháp ngữ (Maison de la Francophonie) tại Đà Lạt và hoạt động cho đến nay.

“Chúng tôi hỗ trợ mọi thứ có liên quan với tiếng Pháp, hợp tác với một số tổ chức quốc tế nói tiếng Pháp khi họ có hoạt động văn hóa tại Đà Lạt, có thể là Đại sứ quán Pháp hay Viện Pháp tại Việt Nam, nhưng cũng có thể là các tổ chức của các nước có nói tiếng Pháp như Bỉ, Thụy Sỹ hay Canada. Chúng tôi cũng là một trung tâm thi tiếng Pháp chính thức tại Đà Lạt giúp người Đà Lạt đi du học hay đi làm việc tại các nước dùng tiếng Pháp trên thế giới - Nicolas Leymonerie cho biết.

Cũng nói thêm rằng, hiện Đà Lạt có nhiều trường phổ thông các cấp có dạy tiếng Pháp trong trường với rất nhiều học sinh theo học.

Trong câu chuyện về Đà Lạt kỷ niệm thành phố này tròn 130 tuổi trong năm nay, liên quan đến bác sĩ A. Yersin, Nicolas có cho tôi xem một tấm hình khá thú vị về bác sĩ mà anh tìm thấy trong khi đọc các tài liệu trên trang mạng của Thư viện Quốc gia Pháp. Đó là một bức tranh do một người Việt vẽ bằng mực, vào khoảng 1903 hay 1904, được bác sĩ Yersin gửi đến ông Serpolet - người thiết kế chiếc xe hơi riêng cho ông. Trong bức tranh đó, có thể nhìn thấy rõ bác sĩ Yersin đang lái chiếc xe hơi này với một cậu bé, có thể đang đi trên một con đường ở Nha Trang với các sinh hoạt của người Việt địa phương dọc 2 bên đường ngày đó. Tấm hình này được đăng trên tờ báo Le Rire (Mỉm cười) vốn chỉ ưu tiên cho các hình ảnh và chuyện vui.

Tại Nha Trang lâu nay thường tổ chức hoạt động kỷ niệm bác sĩ A. Yersin vào ngày sinh 20/9 của ông cũng như lễ tưởng niệm vào ngày ông mất (ông mất 1/3/1943 tại Nha Trang). Nhiều đơn vị và TP Đà Lạt cũng có những hoạt động trong 2 ngày đó. Nhưng với Đà Lạt liệu có thể, nên chăng, lấy thêm ngày 21/6 hằng năm, ngày ông phát hiện cao nguyên Lang Biang để làm ngày tưởng nhớ đến ông như một người khai sinh ra Đà Lạt. Tại sao không?