Lãnh đạo huyện Đức Trọng kiểm tra công tác giao khoán bảo vệ rừng

N.MINH 18:05, 14/09/2023

(LĐ online) -  Ngày 14/9, Thường trực Huyện ủy Đức Trọng do đồng chí Bùi Sơn Điền - Bí thư Huyện ủy, làm ttrưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế công tác quản lý nhận giao khoán rừng trên địa bàn.

Lãnh đạo huyện Đức Trọng kiểm tra công tác giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn
Lãnh đạo huyện Đức Trọng kiểm tra công tác giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn

Theo báo cáo, huyện Đức Trọng có tổng diện tích tự nhiên là 90.313,70 ha; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 30.547 ha, chiếm 33,8% gồm: rừng sản xuất là 18.028 ha, rừng phòng hộ 12.413 ha và rừng đặc dụng 106 ha (theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Trên địa bàn huyện hiện có 3 đơn vị chủ rừng Nhà nước với tổng diện tích được giao quản lý là 34.062,6 ha (gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh: 17.353,0 ha, Tà Năng: 16.603,6 ha và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây nguyên: 106 ha), 24 doanh nghiệp và 2 cá nhân thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích là 5.487.43 ha (trong đó, diện tích cho doanh nghiệp thuê 5.404,54 ha, diện tích cho cá nhân thuê 82,89 ha) và giao đất cho 1 cộng đồng dân cư với diện tích 66,02 ha.

Tổng số hợp đồng giao khoán rừng và đất lâm nghiệp theo các nghị định của Chính phủ trên địa bàn huyện là 200 hợp đồng với tổng diện tích giao khoán là 2.471,53 ha, gồm: Đất rừng sản xuất 2.110,25 ha; đất rừng phòng hộ 375,9 ha; đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng 1,18 ha.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, thời gian qua, việc triển khai thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều hộ gia đình nhận khoán đã quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng tốt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một số người dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.

Lãnh đạo huyện Đức Trọng kiểm tra công tác giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn
Lãnh đạo huyện Đức Trọng kiểm tra công tác giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng còn tồn tại nhiều hạn chế, như: Việc quản lý nhà nước đối với các hộ dân vẫn còn chưa chặt chẽ; hiệu quả của công tác nhận và quản lý bảo vệ rừng vẫn còn thấp, không thực hiện đúng phương án và hợp đồng nhận khoán, để xảy ra lấn chiếm, phá rừng nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời; không tổ chức trồng rừng, việc đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp có cả diện tích trong phần giao khoán…

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, công tác giao khoán rừng đảm bảo quy định, Thường trực Huyện ủy Đức Trọng đề nghị UBND huyện và lực lượng chức năng tăng cường rà soát đánh giá công tác giao nhận khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện; nắm cụ thể các hộ nhận khoán rừng, phạm vi, ranh giới, vị trí đã giao khoán để tăng cường quản lý, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thu hồi các trường hợp nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng nhưng không hiệu quả, để rừng bị phá, lấn chiếm.

Đồng thời, giao Đảng ủy các xã, thị trấn Liên Nghĩa chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn; quan tâm đến các khu vực giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý đất công, trật tự xây dựng, nhất là các khu vực dọc các tuyến đường mới mở, các khu vực quy hoạch triển khai các công trình, dự án…