Ngành Y tế chủ động ứng phó tình trạng khẩn cấp

AN NHIÊN 06:24, 15/09/2023

Sở Y tế Lâm Đồng đã đánh giá việc thực thi pháp luật về tình trạng khẩn cấp từ năm 2000 đến năm 2023 của ngành, đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ngành Y tế tập trung phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Di Linh
Ngành Y tế tập trung phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Di Linh

XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

Từ năm 2000 đến năm 2023, Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là việc triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành thực hiện tốt các luật liên quan. 

Hàng năm ngành Y tế đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, có các phương án phòng, chống tại chỗ như: Phương án di chuyển, sơ tán của từng bộ phận trong đơn vị để bảo vệ cán bộ, công nhân viên và bệnh nhân. Phương án di chuyển, bảo vệ tài sản, đặc biệt những thiết bị vật tư có giá trị lớn, cồng kềnh khó di dời của từng bộ phận thuộc đơn vị. Phương án đảm bảo hoạt động khi có tình huống bão lụt. 

Phương án đảm bảo hậu cần (với các cơ sở điều trị đảm bảo thuốc điều trị tối thiểu 20 ngày, lương thực, thực phẩm cho bệnh nhân tối thiểu 10 ngày), chuẩn bị phương tiện vận chuyển, cơ số thuốc men, hóa chất dụng cụ y tế cụ thể như:  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị cơ số thuốc phòng dịch và hóa chất khử trùng, khử khuẩn; chuẩn bị cơ số thuốc týp mỡ tra mắt, thuốc nước nhỏ mắt, cồn. Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố chuẩn bị 1 cơ số thuốc và hóa chất. Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuẩn bị 2 cơ số thuốc và y dụng cụ y tế. Các Trạm Y tế chuẩn bị mỗi trạm 1/2 cơ số thuốc và 1 cơ số dụng cụ y tế. 

Các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh và các trung tâm y tế huyện, thành phố bố trí 1 xe ô tô phục vụ phòng, chống bão lụt (riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh 2 ô tô). Khi có lệnh của trưởng ban thì lái xe và phương tiện phải có mặt tại đơn vị để kịp thời nhận lệnh điều động và thực hiện nhiệm vụ.

LẬP CÁC ĐỘI XUNG KÍCH, LỰC LƯỢNG CƠ ĐỘNG 

Tại các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố thủ trưởng đơn vị ra quyết định thành lập đội xung kích ứng cứu tại chỗ. Số lượng thành viên tùy thuộc vào quy mô và khối lượng công việc của từng đơn vị. Phân công nhiệm vụ cụ thể của đội, hỗ trợ các bộ phận di chuyển bảo vệ tài sản, bệnh nhân và ứng cứu khi có các tình huống đột xuất, theo lệnh của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của đơn vị.

Thành lập các đội cấp cứu điều trị cơ động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện II Lâm Đồng mỗi đơn vị thành lập 2 đội; Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố mỗi đơn vị thành lập 1 đội cơ động; mỗi Trạm y tế xã, phường thành lập 1 tổ cấp cứu cơ động. 

Thành lập các đội cơ động xử lý môi trường, phòng, chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập 2 đội cơ động; Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm thành lập 2 đội giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm; mỗi Trung tâm Y tế huyện, thành phố thành lập 1 đội phòng, chống dịch và xử lý môi trường.

Trong mùa mưa bão, lũ lụt, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tất cả các cấp từ Sở Y tế đến các đơn vị tuyến tỉnh, huyện và các Trạm y tế xã, phường, thị trấn đều phải thực hiện chế độ thường trực, trực ban (kể cả ngày lễ và ngày nghỉ) khi có lũ, lụt hoặc thảm họa theo yêu cầu của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Hàng năm, Sở Y tế đã phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức phúc tra, sắp xếp lực lượng dự bị động viên ngành Y tế theo chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Ngành Y tế đã giao chỉ tiêu giường bệnh cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh (bao gồm cả nhân lực, phương tiện đáp ứng theo chỉ tiêu giường bệnh), với 1.104 giường bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện...

ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Theo đánh giá của Sở Y tế, công tác thi hành pháp luật liên quan đến tình trạng khẩn cấp đã được Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng quan tâm chỉ đạo,  ngành Y tế đã chủ động xây dựng các kế hoạch liên quan đến tình trạng khẩn cấp như: Đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; công tác đảm bảo an ninh hàng không; công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, huy động ngành Y tế khi có tình trạng khẩn cấp; công tác đảm bảo an ninh trật tự - phòng, chống tội phạm tại các đơn vị y tế trong ngành; công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự và công tác bảo vệ môi trường trong ngành Y  tế… 

Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh theo tình hình thực tế. Tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh dịch lưu hành tại địa phương: COVID-19, sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng… Triển khai thực hiện tốt các hoạt động lĩnh vực y tế dự phòng - dân số đạt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở, khám bệnh, chữa bệnh. 

Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nguy hiểm, thiên tai để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”. Rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất.

Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế... 

Tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, quản lý các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trong mùa bão lũ. Bảo đảm cung ứng trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch bệnh, điều trị, phòng, chống thiên tai thảm họa và các tình trạng khẩn cấp khác. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế về công tác phòng thủ dân sự, xử lý các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn...