Phụ nữ Lâm Đồng - Bình đẳng để phát triển

Diệp Quỳnh 15:59, 15/09/2023

(LĐ online) - Lâm Đồng nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên với dân số trên 1,3 triệu người, trong đó nữ chiếm tỷ lệ 49,6%. Đây được xem là một trong những lực lượng lao động đã và đang đóng góp tích cực, toàn diện vào công cuộc xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu mạnh.

Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số huyện Di Linh tham gia công tác xã hội
Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số huyện Di Linh tham gia truyền thông cộng đồng

Xác định đúng đắn tầm quan trọng của yếu tố giới, những năm qua công tác bình đẳng giới ở Lâm Đồng đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức, đồng đều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị thông qua việc quan tâm bố trí sử dụng cán bộ nữ tham gia quan lý lãnh đạo được xem là một trong những nội dung then chốt. Hiện nay, tại Lâm Đồng, công tác tuyển dụng, quy hoạch dự nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ từng bước được quan tâm, tỷ lệ nữ tham gia công tác quản lý, tham gia các cơ quan dân cử có chuyển biến tăng. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước được trẻ hóa đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Đây cũng là cơ hội để phụ nữ nói lên tiếng nói đại diện cho giới mình, phát huy được năng lực, vai trò, trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ.

Ngoài hệ thống những văn bản chỉ đạo làm cơ sở tiền đề vững chắc cho việc triển khai thực hiện bình đẳng giới, các chương trình hành động cũng đã được cụ thể hóa thông qua những kế hoạch  gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, từng ban, ngành đoàn thể. Chính sự quan tâm một cách đồng bộ của các cấp, các ngành đã góp phần quan trọng tạo nên sự bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hóa và đời sống xã hội.  Đội ngũ cán bộ nữ có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và tinh thần trách nhiệm; công tác cán bộ nữ được quan tâm, công tác quy hoạch, bổ nhiệm nữ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của sở, ngành, địa phương; tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được quan tâm, trong đó bổ sung các chính sách an sinh xã hội, tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

Tỷ lệ nữ tham gia quản lý kinh tế ngày càng tăng, chính sách đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức và lao động được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.Vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định trên các lĩnh vực, bản thân người phụ nữ cũng tích cực phấn đấu, tự vươn lên để xóa bỏ định kiến phân biệt đối xử về giới.  Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được đẩy mạnh; công tác phối hợp liên ngành được chú trọng góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới đã đề ra. Công tác thông tin phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tăng cường cả về chất lượng, số lượng lẫn hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức của mọi thành phần xã hội về công tác bình đẳng giới, từ đó quan tâm và chăm lo hơn cho hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đến nay, 142/142 xã, phường, thị trấn ở Lâm Đồng đều đã có đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Nhờ đó, Luật Bình đẳng giới đã nhanh chóng lan tỏa đến cộng đồng dân cư làm thay đổi hành vi của cả cộng đồng.

Hướng đến mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ luôn được các cấp các ngành dành nhiều sự quan tâm.

Sản xuất tại một doanh nghiệp do phụ nữ thành lập và điều hành

Bước vào thời kỳ hội nhập của nền kinh tế, việc giúp chị em thay đổi tư duy làm kinh tế cũng nhanh chóng được triển khai bằng nhiều hình thức sáng tạo. Phối hợp cùng các ngành chuyên môn, Hội phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh đã tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật các chương trình khuyến công, khuyến nông, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, xây dựng các mô hình điểm, hội thảo đầu bờ, tổ chức các lớp khởi sự doanh nghiệp, hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số từng bước tiếp cận với hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi hình thức làm kinh tế, mạnh dạn thay đổi phương thức làm ăn phá thế thuần nông, chuyển sang mô hình kinh tế tổng hợp và có sức bền trước biến động khắc nghiệt của thị trường.

Việc giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường; việc thực hiện nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh môi trường được phát huy; có sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, tạo dựng tình yêu thương, trách nhiệm với những người thân; tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam và phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình; vận động chị em thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm của các cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. 

Cô và trò Trường Khiếm thính Lâm Đồng hát Quốc ca

Thông qua hàng loạt những chương trình hành động với những giải pháp tổng hợp, tỷ lệ phụ nữ  thoát nghèo, vươn lên cuộc sống no ấm, khá giả cũng tăng lên từng ngày đã đạt được những con số đáng mừng.

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thông qua những kế hoạch hành động mang tính thực tiễn, việc triển khai công tác bình đẳng giới ở Lâm Đồng trên lĩnh vực lao động việc làm và xã hội đã được hội phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh đón nhận. Bước đầu chương trình đã trở thành điểm tựa, tạo thêm sức bật cho các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh phát huy trí tuệ, từng bước vươn lên làm chủ bản thân, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc.