Phụ nữ Lâm Đồng: Phát triển kinh tế hướng đến mục tiêu giảm bảo lực trên cơ sở giới

DIỆP QUỲNH 18:46, 20/09/2023

(LĐ online) - Nếu như trước đây, phần lớn phụ nữ chỉ đảm nhận việc nội trợ, chăm sóc, nuôi dạy con cái, phụ thuộc về kinh tế thì tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn có đất sống. Hôm nay,  nữ giới đã bước ra khỏi cánh cửa gia đình, tham gia làm kinh tế, tự chủ cuộc sống nên có nhiều điều kiện hơn để độc lập, giảm bạo lực gia đình, nhất là bạo lực với trẻ em gái. Không nằm ngoài tiến bộ của cộng đồng, phụ nữ Lâm Đồng cũng đang hàng ngày xây dựng kinh tế gia đình, vươn lên chủ động trong cuộc sống.

Dạy nghề nông thôn giúp nhiều chị em có việc làm ổn định
Dạy nghề nông thôn giúp nhiều chị em có việc làm ổn định

Hướng đến mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ luôn được quan tâm. Thông  qua hình thức tư vấn giới thiệu việc làm, sự góp sức của mạng lưới cộng tác viên cơ sở, trung bình mỗi năm, ngành lao động đã tư vấn việc làm cho hơn 10 ngàn lượt lao động trong đó đa phần là lao động nữ. Đến nay, toàn tỉnh có gần 175.200 lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, trong đó tỷ lệ nữ lao động chiếm gần 53%. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động phối hợp mở 436 lớp dạy nghề cho hơn 34.987 lao động nữ; phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương đào tạo nghề ngắn hạn và tư vấn giới thiệu việc làm cho 71.925 phụ nữ.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện. Ngoài nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, tăng thu nhập  được  quan tâm thực hiện thông qua việc huy động nguồn vốn vay ủy thác, các chương trình, dự án quốc gia, các chương trình giúp nhau của tổ chức Hội Phụ nữ...

  Phụ nữ Lâm Đồng luôn phát huy nội lực, ý chí vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ, góp phần đưa kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng nguồn vốn do Hội huy động đến nay đạt trên 1.800 tỷ đồng cho gần 40.000 hộ vay phụ nữ nghèo, cận nghèo vay; phong trào tiết kiệm, giúp nhau trong hội viên phụ nữ luôn được quản lý chặt chẽ, đã có 100% chi tổ hội với 1.779 tổ nhóm tiết kiệm, 67.185 chị tham gia đóng góp 48,7 tỷ đồng hỗ trợ vốn kịp thời cho trên 27 ngàn chị khó khăn vay. Đây chính là kênh huy động để hỗ trợ tại chỗ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập giúp 12.471 chị thoát nghèo theo tiêu chí mới; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,67% năm 2015 xuống còn 1,35% năm 2020.

Tổ phụ nữ hợp tác trồng rau hoa xã Nam Hà, Lâm Hà được hỗ trợ vốn

Mô hình trao sinh kế được Hội LHPN tỉnh và các cấp hội triển khai được lan toả mạnh mẽ, giúp nhiều chị em phụ nữ dân tộc mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao phát triển kinh tế gia đình với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, có ý thức tự vươn lên trong cuộc sống.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy thực hiện hóa các ý tưởng kinh doanh góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, 292 ý tưởng tham gia ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh, giới thiệu 28 ý tưởng tham gia các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp do Trung ương Hội tổ chức, đã có 5 ý tưởng được Trung ương Hội cấp vốn trị giá trên 500 triệu đồng. Tuyên truyền về kinh tế tập thể, hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đến nay các cấp Hội Phụ nữ đã thành lập 7 hợp tác xã; 73 tổ hợp tác và 26 tổ liên kết. Từ các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của các cấp Hội, hàng năm đã có hơn 20.000 hộ phụ nữ nghèo được giúp và hơn 4.000 hộ được thoát nghèo mỗi năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 1,35% năm 2020.

Hướng dẫn phụ nữ dân tộc ít người trồng dâu, nuôi tằm tại thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà

 Những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Tiêu biểu như phong trào: “Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tổ phụ nữ tiết kiệm giúp nhau mua bảo hiểm y tế”, các hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu như: Tổ hợp tác “Chăn nuôi gà sạch”, “Sản xuất theo chuỗi giá trị cây atisô,... mô hình “Vườn rau sạch trong hội viên tiểu thương”, tổ tiết kiệm hùn vốn nuôi heo đất… đã khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của hội viên phụ nữ, góp phần vận động chị em khắc phục khó khăn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; liên kết các hình thức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, làm giàu chính đáng.

Bước vào thời kỳ hội nhập của nền kinh tế, việc giúp chị em thay đổi tư duy làm kinh tế cũng nhanh chóng được triển khai bằng nhiều hình thức sáng tạo. Phối hợp cùng các ngành chuyên môn, Hội Phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh đã tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật các chương trình khuyến công, khuyến nông, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, xây dựng các mô hình điểm, hội thảo đầu bờ, tổ chức các lớp khởi sự doanh nghiệp, hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số từng bước tiếp cận với hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi hình thức làm kinh tế, mạnh dạn thay đổi phương thức làm ăn phá thế thuần nông, chuyển sang mô hình kinh tế tổng hợp và có sức bền trước biến động khắc nghiệt của thị trường.

Sản xuất nước ép trái cây tại Hany- doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Sản xuất nước ép trái cây tại Hany - doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Những kiến thức pháp luật để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại rủi ro cũng được các ngành chuyên môn thông tin chi tiết giúp phụ nữ nắm bắt và nâng cao kiến thức khi tham gia vào sân chơi quốc tế.  Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ khi đã được trang bị vững vàng về kiến thức, chọn đúng thế mạnh ngành nghề đã ăn nên làm ra,  mở rộng thị trường, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ và đã tạo được chổ đứng nhất định trong giới doanh nhân. Đến hết năm 2021, trong số 4.370 doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng hiện đang hoạt động thì có khoảng 748 doanh nghiệp siêu nhỏ, 261 doanh nghiệp nhỏ, 20 doanh nghiệp vừa tương đượng 1.029 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Con số này đã khẳng định sức vươn của cộng đồng nữ doanh nhân Lâm Đồng trên chặng đường hội nhập ra biển lớn.