Qua giữa nhiệm kỳ phát triển sự nghiệp y tế

AN NHIÊN 05:44, 08/09/2023

Trong nửa nhiệm kỳ đầu thực hiện công tác phát triển sự nghiệp y tế giai đoạn 2021-2025, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng ngành Y tế Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đã đạt được một số thành tựu cơ bản.

Khám sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng ở huyện Đam Rông
Khám sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng ở huyện Đam Rông

Về công tác dự phòng được ghi nhận: Tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát trong toàn tỉnh và đạt tiến độ, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19. Công tác phòng, chống dịch bệnh được chủ động triển khai thường xuyên, hiệu quả. Các bệnh dịch lưu hành tại địa phương như: Sốt rét, tay chân miệng, dịch hạch đã được khống chế và đẩy lùi. Quản lý tốt các bệnh truyền nhiễm như lao, phong, HIV. Tiếp tục thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn và du khách đến Lâm Đồng. Các hoạt động quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư được triển khai rộng khắp tại 142/142 xã, phường, thị trấn. Không phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A (H5N1), (H7N9) và bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm; không phát hiện ca bệnh lạ, tình hình dịch bệnh lưu hành tại địa phương ổn định, khống chế tử vong do bệnh dịch. Các hoạt động thuộc lĩnh vực Y tế dự phòng - Dân số được triển khai đồng bộ và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch do Bộ Y tế và UBND tỉnh giao.

 Tương tự, công tác khám, chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị được triển khai thực hiện. Triển khai tốt công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Thực hiện tốt các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao y đức, phục vụ tốt người bệnh tại các cơ sở khám và điều trị trong toàn ngành. Công tác thu dung, điều trị bệnh nhân cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Các cơ sở điều trị thực hiện tốt công tác trực cấp cứu, khám, chữa bệnh cho Nhân dân, đặc biệt trong các dịp lễ, tết và các sự kiện diễn ra tại tỉnh...

Còn hoạt động Dược, theo ngành Y tế tỉnh đã cơ bản đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh đến tận vùng sâu, vùng xa và trong các tình huống thiên tai, thảm họa, không để tình trạng thiếu thuốc điều trị cho người dân. Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý phục vụ cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện tốt các nội dung về chuyển đổi số theo chỉ đạo của các cấp, thuận lợi trong chỉ đạo điều hành, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tiết kiệm được chi phí, thời gian...

Cơ sở vật chất và trang thiết bị của các đơn vị được quan tâm đầu tư đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong tỉnh. Hệ thống y tế cơ sở từng bước được củng cố và kiện toàn để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cải thiện sức khỏe Nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Các bệnh viện của ngành hiện nay đã giải quyết được các bệnh lý phức tạp, chuyên sâu góp phần hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và từng bước phát triển các dịch vụ y tế chuyên sâu.

 Qua nửa đầu nhiệm kỳ, ngành Y tế tỉnh cơ bản thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu mà các cấp giao như: Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ làm việc đạt 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi (thể thấp còi); tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi; tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống...

Cùng đó, nhân lực ngành Y tế tỉnh tăng về số lượng và chất lượng, tính đến 31/12/2022 toàn ngành có 4.387 người, tăng 58 người so với cùng kỳ năm 2021. Chất lượng nhân lực ngành Y tế tỉnh có những chuyển biến tích cực, số cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày càng tăng. Thông qua tuyển dụng và đào tạo cán bộ trong những năm qua, cơ cấu trình độ cán bộ đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng cán bộ đại học và sau đại học, giảm tỷ trọng cán bộ trung và sơ cấp.

Tuy nhiên, ngành Y tế Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn về thực hiện chỉ tiêu về nhân lực bác sĩ và dược sĩ. Hiện, toàn tỉnh có 1.109 bác sĩ (số bác sĩ/vạn dân đạt 8,24) và 179 dược sĩ đại học (số dược sĩ đại học/vạn dân đạt 1,33). Trong những năm gần đây, tình hình nghỉ việc, xin ra khỏi ngành của nhân viên y tế tỉnh Lâm Đồng đang có xu hướng gia tăng. Từ năm 2020-2022 có 287 nhân viên y tế nghỉ việc, cộng thêm số nhân viên y tế nghỉ việc theo chế độ hàng năm của giai đoạn này là 603 người. Số lượng bác sĩ tại các trạm y tế giảm do chế độ chính sách chưa thỏa đáng, không giữ chân cũng như thu hút được lực lượng cán bộ y tế về làm việc tại trạm, nhất là các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn.

Trong khi tỷ lệ hài lòng của người bệnh đang có xu hướng tăng 90,7% (năm 2018) lên 90,7 (năm 2022) thì tỷ lệ hài lòng của nhân viên y tế đối với công việc đạt thấp và có xu hướng giảm từ 88,9% (năm 2021) xuống 86,7% (năm 2022). Các vấn đề nhân viên y tế không hài lòng tập trung vào các yếu tố: tiền lương, phụ cấp và phúc lợi, áp lực công việc (thời gian trực, khối lượng công việc được giao...), an ninh trật tự cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà thiếu tôn trọng nhân viên y tế... 

Về cơ cấu chất lượng chuyên môn: tuyến huyện còn thiếu bác sĩ chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng; Răng - Hàm - Mặt; Mắt; Da liễu, Tâm thần... Chưa có chính sách thu hút được bác sĩ, cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao.

Theo Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận, trong nửa nhiệm kỳ tới, ngành Y tế Lâm Đồng tập trung các giải pháp thực hiện 4 chỉ tiêu mà Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh giao: Để đạt chỉ tiêu 9 bác sĩ trên 10.000 dân năm 2025, toàn tỉnh cần bổ sung thêm 141 bác sĩ. Để đạt chỉ tiêu 25 giường bệnh/vạn dân, toàn tỉnh cần tăng tối thiểu 765 giường bệnh; trong đó các bệnh viện công lập là 615 giường bệnh và khu vực tư nhân, xã hội hóa là 150 giường bệnh; nâng tổng số giường bệnh toàn tỉnh lên 3.500 giường bệnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế Lâm Đồng cũng đã có giải pháp để thực hiện đạt chỉ tiêu xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2030 theo quyết định của Bộ Y tế và đạt chỉ tiêu tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2025 khoảng 1,0%.