Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt bàn về công tác bảo vệ động vật hoang dã

NGUYỄN NGHĨA 16:30, 20/09/2023

Ngày 20/9, đông đảo sinh viên Trường Đại học Đà Lạt đã tham dự buổi toạ đàm với chủ đề “Sinh viên với công tác bảo vệ động vật hoang dã”.

Chương trình do Ban Quản lý dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (VFBC) tổ chức.

Ông Lê Văn Hương chia sẻ về “Vai trò và tầm quan trọng của động vật hoang dã với bảo tồn đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái tự nhiên”.
Ông Lê Văn Hương - Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà chia sẻ về vai trò và tầm quan trọng của động vật hoang dã với bảo tồn đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái tự nhiên

Các chuyên gia về bảo tồn môi trường, thiên nhiên, cứu hộ động vật hoang dã, giảng viên luật, sinh học, môi trường đến từ Vườn Quốc gi Bidoup Núi Bà, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Bảo tồn đa dạng sinh học Trung ương, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam); Ban Quản lý dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (VFBC); Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng; giảng viên Trường Đại học Đà Lạt… tham dự và đã chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức thú vị, hữu ích về bảo vệ động vật hoang dã 

Đông đảo sinh viên khoa Luật, Du lịch và môi trường tham gia toạ đàm
Đông đảo sinh viên Khoa Luật, Du lịch và Môi trường tham gia toạ đàm

Trước phần trao đổi, chia sẻ về vai trò của sinh viên với công tác bảo vệ động vật hoang dã, ông Lê Văn Hương – Giám đốc Vườn Quốc Gia Bidoup Núi Bà đã có bài thuyết trình về vai trò và tầm quan trọng của động vật hoang dã với bảo tồn đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái tự nhiên; bà Hoàng Công Hoài Nam – cán bộ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cũng chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, thú vị về công tác bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là công tác cứu hộ động vật hoang dã thời gian qua trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Văn Hương – Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà chia sẻ rằng, động vật hoang dã có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo vệ sự đa dạng sinh học. Sự tuyệt chủng là một tiến trình không đảo ngược được. Các vận tốc tuyệt chủng hiện nay và gần đây đã nhanh hơn 100 lần so với mức nền trong lịch sử và trong tương lai có thể nhanh hơn đến 1.000 lần.

Hiện nay, có khoảng 1.000 loài đang bị đe doạ tuyệt chủng. Sự mất mát của các loài ăn thịt làm gia tăng các loài thú ăn cỏ không kiểm soát. Các loài thú ăn cỏ sinh sản nhanh làm cạn kiệt nguồn thực vật…

Bà Nguyễn Thị Thu Ngân – Chuyên gia Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Lâm Đồng trao đổi với sinh viên về quan điểm có nên tồn tại của các sở thú hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Thu Ngân – Chuyên gia Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF tại Lâm Đồng trao đổi với sinh viên về quan điểm có nên tồn tại của các sở thú hiện nay

Còn theo chia sẻ của bà Hoàng Công Hoài Nam – cán bộ Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng, thì Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, có 130 xã có rừng và động vật hoang dã phân bố đều trên tất cả các xã này nên công tác này lại càng trở nên cấp thiết.

Bà cũng cho biết, có 2 mối đe doạ chính đối với động vật hoang dã là rừng bị thu hẹp; tình trạng săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã. Việc ngăn chặn, xử lý các hành vi ăn thịt động vật hoang dã, hay vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã hiện nay đã được luật định và xử lý rất nghiêm với mức xử phạt về tiền và cả phạt tù rất nặng, nhưng thực tế thì vẫn còn diễn ra khá nhiều trong mọi tầng lớp nhân dân, ở mọi nơi.

Chính vì vậy, chuyên gia này kêu gọi sinh viên hãy nói không với việc tiêu thụ động vật hoang dã, cùng chung tay tham gia hành động bằng những việc đơn giản nhất là vận động người thân, bạn bè nói không với thịt động vật hoang dã; tuyên truyền, vận động gia đình không mua bán động vật hoang dã…

Ở phần trao đổi, các sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi về vấn đề đa dạng sinh học, về ý nghĩa của đa dạng sinh học; đồng thời, đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm những kiến thức về việc chế tài trong xử lý hành vi vận chuyển, hoặc mua bán động vật hoang dã, về việc nuôi nhốt động vật hoang dã, các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà và thậm chí là cả những câu hỏi bàn luận về việc tại sao lại tồn tại của các sở thú với điều kiện sống còn tệ như hiện nay.

BTC hy vọng rằng, thông qua các hoạt động lần này sẽ khơi gợi tình yêu với động vật và sinh viên sẽ góp phần chung tau bảo vệ động vật hoang dã
Ban tổ chức hy vọng rằng, thông qua các hoạt động lần này sẽ khơi gợi tình yêu với động vật và sinh viên sẽ góp phần chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Với mong muốn đóng góp thiết thực vì cộng đồng, các bạn sinh viên cũng đã chia sẻ, trao đổi để tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến pháp lý trong các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã; kiến thức, kinh nghiệm về việc xử lý đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã khi phát hiện trong thực tế; công tác cứu hộ động vật hoang dã như thế nào…

Đặc biệt, rất nhiều bạn sinh viên cũng đặt vấn đề với các chuyên gia và nhà trường là làm thế nào để các em có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học, đặc biệt là việc bảo vệ động vật hoang dã tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Giảng viên Trường Đại học Đà Lạt bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện để sinh viên tổ chức cũng như tham gia vào các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã.
Giảng viên Trường Đại học Đà Lạt bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện để sinh viên tổ chức cũng như tham gia vào các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã

Các chuyên gia và nhà tổ chức hy vọng rằng, thông qua các hoạt động này, sinh viên Đà Lạt sẽ chung tay lan toả thông điệp về tình yêu và bảo vệ động vật hoang dã để giữ vững sự đa dạng của thiên nhiên và thế giới xung quanh.

Được biết, đây là một trong số các chương trình nằm trong chuổi hoạt động về bảo vệ động vật hoang dã nằm trong khuôn khổ của một dự án do Hoa Kỳ tài trợ nhằm hướng tới chấm dứt chuỗi hành vi tiêu thụ động vật hoang dã trong sinh viên và giới trẻ.

Mục tiêu hướng đến là đẩy mạnh truyền thông, tiến tới bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt động vật hoang dã và truyên truyền về tầm quan trọng và ý nghĩa về việc bảo vệ động vật hoang dã nhằm đạt được mục tiêu cộng đồng và đảm bảo rằng con người và tự nhiên có thể chia sẻ hoà bình và phát triển bên nhau.