Năm tháng đi qua, bao mùa hoa trái đi qua. Nhiều người trong chúng ta ra đi từ làng và trong tâm khảm không nguôi một nỗi nhớ khắc khoải về quê hương bản quán. Mỗi một con người với một miền ký ức riêng tư luôn run rẩy kiếm tìm những khoảnh khắc xưa cũ. Những xưa cũ ấy bắt nguồn từ làng, nơi ta sinh ra và đã được chôn núm rốn từ lúc chào đời trong một khu vườn có hoa cà, hoa cải.
Ngày hội làng bên mái đình cổ kính |
Như một quy luật, kỷ niệm thường lay thức nhiều hơn khi tuổi đời cao thêm. Trong không gian hoài niệm mênh mang không đầu không cuối ấy, chủ thể của nỗi nhớ sẽ cho cảm xúc dẫn dắt theo những lối hoài hương về tháng ngày đã xa. Trên hành trình ngược thời gian đó, con đường “trở về” đôi khi chỉ còn hiện hữu trong tâm thức vì cảnh vật đã dịch chuyển, đổi thay theo dòng thời gian không ngừng biến cải. Vật đổi sao dời là lẽ hiển nhiên nhưng không có điều gì có thể can thiệp được cảm xúc trong sâu thẳm tâm hồn của những người sống bằng hoài niệm. Ở một vùng liên tưởng trong miền miên viễn nhớ, ta gặp lại cổng làng rêu phong, mái đình hay ngôi chùa cổ kính, những lũy tre xanh, những ao vuông, giếng tròn, những hàng rào mạn hảo, những lối đi lát đá đung đưa theo ngõ trúc quanh co. Ta cũng nôn nao nhớ những bóng dáng thôn dân yêu dấu nay kẻ còn người mất, tiếng sáo diều mát rượi cánh đồng và văng vẳng đâu đây những câu hò, điệu lý mà âm giai lan tỏa sóng nước sông quê trước mỗi bình minh hay rộn rã làng thôn những đêm trăng tà. Hình ảnh ấy luôn có cơ hội hiện về trong mỗi khoảnh khắc lần giở ký ức bởi nó đã từng chôn sâu nén chặt trong tâm hồn của mỗi một cá nhân ra đi từ làng và ngay cả những người trọn đời gắn bó, sống chết với làng…
Viết đến đây, tôi chợt nghĩ, nỗi nhớ về làng xưa, hoài niệm quê kiểng từ bao đời nay là một vùng mỹ cảm của nghệ thuật cổ kim và cả trong cảm xúc thường tình của những người bình dân. Mỹ cảm ấy thật sâu nhưng đôi khi cũng mâu thuẫn ngay từ trong ý nghĩ và cảm xúc. Ngay như trong bài cổ thi nổi tiếng từ 1279 năm trước là Hồi hương ngẫu thư 1 (Viết nhân buổi mới về quê 1) của thi nhân Hạ Tri Chương vào thời nhà Đường. Từ giã kinh thành sau gần cả đời lập thân lập chí, đại thi nhân họ Hạ viết: “Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi/ Hương âm vô cải, mấn mao tồi/ Nhi đồng tương kiến, bất tương thức/ Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?” (Tuổi trẻ ra đi, già mới về/ Giọng nhà quê vẫn không đổi, râu tóc đã rụng hết/ Trẻ con trông thấy, không nhận ra/ Cười hỏi, khách từ phương nào tới?) Ông thi nhân ấy năm thập niên ra đi nay trở lại quê nhà ở miền Chiết Giang (Trung Quốc), trẻ quê không nhận ra ông là lẽ bình thường, bởi vì ông là người của thời đã xa và chính con người của ông cũng đã khác rất nhiều sau bao năm tháng. Quê nhà đổi thay là thuận theo lẽ tự nhiên nhưng trong cảm thức thơ của đại thi nhân họ Hạ lại gửi gắm một tâm trạng buồn. Mạch cảm xúc trong bài Hồi hương ngẫu thư 2 của Hạ Tri Chương thể hiện rõ điều ấy: “Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa/ Cận lai nhân sự bán tiêu ma/ Duy hữu môn tiền Kính hồ thủy/ Xuân phong bất cải cựu thời ba” (Xa cách quê nhà đã nhiều năm tháng/ Gần đây xóm làng con người nửa đã thay đổi mất/ Duy chỉ có Kính hồ trước cửa/ Gió xuân về vẫn không thay đổi con sóng xưa). Mình đã già, đã cải lão hồi hương thì biết bao trẻ mới ra đời nhìn mình lạ lẫm và quê nhà cũng phải khác đi theo năm tháng chứ, hờn dỗi làm chi chuyện “thế gian biến cải” hỡi Hạ thi nhân!…
* * *
Như cách nói về nỗi nhớ không gian ký ức của một nhà thơ “Ngày xưa tôi sống trong làng/ bây giờ làng sống trong tôi”, mỗi con người xuất thân từ nhà quê như chúng ta luôn lưu dấu trong mình hình ảnh của làng xưa, quê cũ là lẽ rất bình thường. Tuy nhiên, ta phải nhận thức rằng làng đang khác cũng như ta đang khác. Đó là điều không thể cưỡng lại được, là một quy luật tất yếu của tiến trình phát triển, của nhịp thời gian vốn không ngừng nghỉ. Ngày xưa, có ai nghĩ về làng quê của mình lại không đồng cảm với hình ảnh khái quát đầy thân thương, gần gũi trong những câu thơ của thần đồng Trần Đăng Khoa: “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” (Về thăm cô Bưởi, Góc sân và khoảng trời, 1974). Nhưng cái mái gianh ấy là mái gianh của niềm hồi cố một thời quê xưa nghèo đói, nhà cũ đơn sơ. Bây giờ mưa nắng lại ngấm qua mái bê tông, mái ngói, mái tôn của những nhà kiểu phố hay biệt thự kiểu Tây thì dòng mỹ cảm “mái gianh” liệu còn phù hợp?
Chúng ta cùng cảm nhận giống nhau là làng quê bây giờ không giống với ngày xưa nữa. Đường nhựa, đường bê tông thênh thang cho lối xe hơi, máy cày, máy gặt chí ít là xe gắn máy đã thay thế những lối trúc quanh co hay con đường đất bùn lầy nhão nhoẹt hợp với những nông phu chân đất vác cày dẫn trâu ra đồng. Cái cổng làng xưa là biểu tượng của làng Việt cổ nay e chừng chật hẹp đã được thay bằng cổng chào của thôn văn hóa tương ứng với những con đường thảm nhựa mới mở. Những ngôi làng nghèo xưa toàn nhà cột tre mái rạ thấp lè tè nay hầu hết là nhà cao, cửa rộng không khác gì phố thị với ánh đèn xanh đỏ tím vàng, màn hình cùng loa đài chói chát nhạc Hàn, phim Mỹ. Những túp lều chợ nghèo với những rổ khế chua, làn chanh, bó rau, mớ tép dính bùn cũng đã được thế dần bằng những trung tâm thương mại nông thôn, những dãy ki-ốt, những cửa hàng tiện lợi với đủ loại hàng, nhãn hàng không khác gì siêu thị trên phố. Những chị, những cô đến với chợ quê ngày nay ít nơi còn thúng mủng đội đầu, quang gánh trên vai mà họ mặc váy đầm, đeo kính thời trang bước ra từ xe hơi, chí ít là xe máy để mua thực phẩm sạch và nhấm nháp ly cà phê phố chợ trước khi về lo bữa cơm gia đình. Làng bây giờ đã khác, bên cạnh những lam lũ thường nhật của cảnh nông phu nơi nọ nơi kia vẫn còn thì văn nghệ rộn rã xóm thôn, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, thể dục nhịp điệu lúc nào cũng tụ tập đông người hò reo rồi còn biết bao hội nhóm và câu lạc bộ đêm ngày hội họp…
Kể ra, con người chúng ta đôi khi cũng có những suy nghĩ không hợp lẽ lắm. Vẫn biết là khi trở lại sẽ không còn người xưa cảnh cũ, thế nhưng chúng ta lại luôn có những ý nghĩ lạ lùng với thực cảnh chính mình đang trải. Mỗi người trong chúng ta có một phần cảm thức giống Hạ Tri Chương đại nhân trong tuyệt thi Hồi hương ngẫu thư. Cũng như tôi đã từng gặp những nhà quản lý, nhà nghiên cứu mang com-ple đeo cà-vạt, ngồi xe hơi sang, ở nhà biệt thự (kiểu Tây) mà cứ phán là đồng bào dân tộc thiểu số phải giữ “bản sắc” bằng những cách mà chính “các nhà” ấy đã bỏ qua từ lâu. Trừ những sự nhộm nhoạm lai căng vô lối trong quy hoạch, kiến trúc thì việc làng quê và người quê ngày càng văn minh, hiện đại cũng là điều hết sức đáng mừng. Làm mới thêm những gì và giữ lại được những giá trị truyền thống gì là điều mà tất cả chúng ta cùng quan tâm nhưng trong bài viết nhỏ này chúng tôi không lạm ngôn. Hồn chúng ta luôn neo đậu bến quê, nhưng nay cầu mới đã xây lên, bến cũ, đò xưa vắng bóng, mỹ cảm của chúng ta cũng phải tiếp nhận một cách hợp lý những giá trị mới để còn đồng hành và dẫn dắt cảm xúc cho lứa con lứa cháu…
* * *
Cảnh vật và con người nông thôn nhiều phần đổi thay là lẽ thường tình. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng. Kết cấu hạ tầng làng quê khởi sắc và người quê cũng dần dần thay đổi phương thức mưu sinh. Cũng may, nhờ có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”, cuộc sống khá giả hơn làm người ta trở lại chăm lo cho tín ngưỡng và văn hóa. Nhiều di tích từng bị “hạ giải” hay lãng quên qua nhiều thời kỳ nay được bảo tồn; nhiều lễ tiết, lễ hội cũng được phục dựng. Những câu dân ca, những điệu dân vũ cổ truyền và trò chơi dân gian truyền thống có cơ hội hồi sinh, phát huy giá trị trong niềm tự hào “đặc sản” của mỗi một vùng quê, mỗi một làng quê. Nơi nào giữ được văn hóa cổ truyền, giữ được nếp làng, giữ được gia phong thì nơi đó cuộc sống không những ấm no mà còn bình yên và hạnh phúc…
Đời sống kinh tế có chiều hướng đi lên, phong trào xây dựng nông thôn mới với những tác động lớn lao đã làm cho gương mặt mỗi làng quê thêm nhiều nét tươi mới. Đó là cảm hứng chủ đạo để mọi người nghĩ về nông thôn theo hướng tích cực và thay đổi mỹ cảm của chính mình. Chúng ta hoài niệm và kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha đắp bồi, sáng tạo nhưng cũng cảm nhận và thích ứng dần những giá trị gia tăng đang hiện diện từng ngày trong mỗi làng quê.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin