Chúng ta không chỉ nhắc về quá khứ, về lịch sử như một sự thức dậy cơ học của trí nhớ. Thế hệ hôm nay hồi cố về những ngày mùa Thu của 78 năm về trước, nhớ và suy ngẫm về dòng chảy cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam trong giờ phút quyết định giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Từ đó, soi rọi những bài học mang ý nghĩa sâu sắc, bồi đắp trí lực và khát vọng cho sự nghiệp cách mạng hôm nay...
• RŨ BÙN ĐỨNG DẬY SÁNG LÒA
"Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...". Tháng Tám lịch sử 78 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi mệnh lệnh tổng khởi nghĩa. Lệnh của Người xướng lên từ vọng âm quá khứ và ánh sáng thời đại, hiệu triệu, cố kết sức mạnh quật khởi của toàn thể quốc dân, khơi dòng lưu huyết của dân tộc bốn ngàn năm văn hiến. Từ tia lửa đã bùng lên ngọn lửa. Những ngọn lửa kết lại thành rừng lửa ngút ngàn lòng yêu nước đã dẫn dắt đoàn người cần lao, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhất tề đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành lấy chính quyền, giành độc lập, tự do và hạnh phúc. Dân tộc ta từng quặn mình trong đớn đau của thân phận nô lệ. Nhân dân ta đã phải vượt qua bao thác ghềnh biến thiên của lịch sử để khẳng định giá trị bất tuyệt của những người chiến thắng. Chứng kiến giờ phút thiêng liêng cả dân tộc đứng lên, nhà thơ Nguyễn Ðình Thi đã viết:
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa...
Không có hình ảnh nào khái quát hình tượng thẩm mỹ cao quý về đất nước và Nhân dân đẹp hơn những dòng thơ viết từ máu và nước mắt. Một đất nước dân không đông, đất không rộng, trải hàng nghìn năm phong kiến và đô hộ phương Bắc, gần 100 năm cai trị hà khắc của thực dân đã làm kiệt quệ trong đói nghèo, lạc hậu. Thế nhưng, "mệnh lệnh của trái tim" đã tạo nên sức mạnh vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam mới 15 năm tuổi với chỉ hơn 5.000 đảng viên đã động viên và tổ chức sức mạnh phi thường của hơn 20 triệu Nhân dân nhất tề đứng lên. Như phản ứng dây chuyền, từ Bắc vào Nam, chiều dài 1.650 km của đất nước hình chữ S, chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần lễ cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên toàn bờ cõi. Bộ máy cai trị gần một thế kỷ do ngoại bang thiết lập trên đất nước ta đã bị đập tan, Nhân dân ta đã giành độc lập, tự do. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân, đồng bào. "Tuyên ngôn Độc lập" đã khẳng định trước toàn thế giới về một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Việt Nam vĩnh viễn thuộc về người Việt Nam!...
• ÐAU ĐÁU MỘT CHỮ "DÂN"
Cách mạng Tháng Tám thành công thể hiện sâu sắc quan điểm lịch sử: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Công lao làm nên kỳ tích vĩ đại thuộc về Nhân dân, thuộc về khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Ðảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Cách mạng của chúng ta là một cuộc cách mạng triệt để, sâu sắc. Nhưng cách mạng chỉ thành công trọn vẹn khi Nhân dân nắm vận mệnh đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ cuộc đời. Khi chính quyền còn trong trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra tư tưởng: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập, tự do cũng chẳng có nghĩa lý gì". Người đã cùng chính phủ non trẻ khởi lập nền móng cho một nhà nước pháp quyền "của dân, vì dân, do dân". Người phát động toàn dân tiến hành ba cuộc vận động lớn: diệt "giặc đói", "giặc dốt" và "giặc ngoại xâm". Người lãnh đạo xuyên suốt tư tưởng: "đem sức ta mà làm nên sự nghiệp ta" và "công việc đổi mới, xây dựng là công việc của dân". Tất cả những tư tưởng, những việc làm của vị lãnh tụ kính yêu, của Ðảng không có mục đích nào khác là mang lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, đúng như lời Người nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Tư tưởng "trọng dân" là một tư tưởng xuyên suốt của lịch sử. Từ thời Chiến Quốc cách đây trên hai ngàn năm, triết gia Mạnh Tử đã đưa ra luận lý: "Dân duy bang bản, bản cố bang ninh" (Dân chính là gốc rễ của đất nước, gốc rễ có vững chắc thì nước mới yên ổn). Thế kỷ 15, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi từng bàn: "Phúc chu thủy tín dân do thủy" (Lật thuyền mới biết dân như nước). Ðại văn hào V.Hugo cũng nói: "Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ thấy chân lý". Các bậc tiền nhân đã thấu rõ Nhân dân có vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của lịch sử. Chính vì lẽ đó, giai cấp cầm quyền sáng suốt phải biết trọng dân, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, coi đó là kế sách ngàn đời cho đất nước trường tồn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu suốt chân lý lịch sử. Người đã đúc kết giá trị ấy và phát triển lên một tầm cao mới. Ở Bác, chủ nghĩa Mác - Lênin được tiếp thu nhuần nhuyễn với truyền thống dân tộc và tinh hoa nhân loại. Cả yếu tố dân tộc và nhân loại đều hướng tới sức mạnh của Nhân dân, hướng tới mục tiêu giải phóng cho chính Nhân dân và do chính Nhân dân là người thực hiện công cuộc giải phóng ấy. Nhân dân sẽ tạo thành sức mạnh to lớn nếu được tổ chức, nếu được xây dựng thành một khối đoàn kết, đồng lòng, đồng tâm. Có sức mạnh và niềm tin của Nhân dân sẽ có tất cả. Mất niềm tin của Nhân dân, mất đi sự đồng lòng, nhất trí thì sẽ dẫn đến tiêu vong những thành quả cách mạng bao thế hệ đã từng đổ máu xương giành giữ, dựng xây...
• VIẾT TIẾP TRANG SỬ MỚI
Nhìn lại lịch sử, gợi nhớ quá khứ là lúc mà chúng ta nghĩ tới việc "viết tiếp những trang sử mới" trên nền tảng những bài học mà thế hệ cha ông gom góp từ trí tuệ, công sức, máu xương, mồ hôi, nước mắt qua ngàn năm gửi lại cho hậu thế. Một trong những bài học vô cùng sâu sắc và xuyên suốt mọi thời đại là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của toàn dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã vận dụng thành công trong cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử và suốt chiều dài tiến trình cách mạng Việt Nam.
Cho đến hôm nay, trong mỗi trái tim và khối óc người dân Việt Nam đều vang vọng Tuyên ngôn Ðộc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: Mỗi người dân Việt Nam đều có "những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Gần tám thập niên qua, cả dân tộc Việt Nam đã sát cánh bên nhau để đấu tranh, bảo vệ và xây đắp cho những "quyền" thiêng liêng ấy. Máu xương bao thế hệ đã đổ xuống trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc lâu dài, bền bỉ. Nhân dân đã đóng góp trí tuệ, công sức để dựng nên dáng vóc đất nước hôm nay. Ðất nước vẫn còn đó ngổn ngang muôn nỗi khó khăn. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, một giai đoạn mà nước ta đang phải lựa chọn những giải pháp hữu hiệu nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc và Nhân dân Việt Nam trong những mối quan hệ quốc tế cực kỳ phức tạp. Chúng ta vừa phải chủ động tạo lập nguồn sức mạnh nội sinh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; vừa tích cực ứng phó với thiên tai liên tục, hậu quả dịch bệnh cùng những khó khăn mới phát sinh...
* * *
Thời cơ đan xen thách thức. Từ vọng âm bốn ngàn năm văn hiến, từ Tháng Tám mùa Thu 78 năm trước, bánh xe lịch sử vẫn đang xoay tiếp những vòng đi tới. Tiền nhân đã trao cho chúng ta những trang sử vàng chói lọi, trao niềm tin và khát vọng lớn lao. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau là viết tiếp những trang sử mới...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin