Chiều 30/9, tại Hà Nội, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 300 đại biểu.
Các đại biểu thông qua Chương trình, Quy chế làm việc của Đại hội |
Chiều 30/9, tại Hà Nội, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 đã tiến hành Phiên làm việc thứ Nhất.
Dự Đại hội có 300 đại biểu chính thức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của gần 85.000 đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc 10 công đoàn ngành và 62 công đoàn viên chức các tỉnh, thành phố.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá V phát biểu |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, Đại hội là diễn đàn chính trị quan trọng đối với Công đoàn Viên chức Việt Nam.
Đại hội sẽ bàn các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam trong nhiệm kỳ tới; đồng thời bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 trong thời gian tới.
Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, đóng góp trí tuệ để Đại hội thành công; đồng thời lựa chọn kỹ nhân sự dựa trên sở trường của cá nhân, đáp ứng yêu cầu Đại hội đặt ra. Từ thành công của Đại hội, các đại biểu trở về đơn vị có trách nhiệm quán triệt nội dung, tinh thần của Đại hội đến toàn thể đoàn viên.
Đại hội đã thông qua các nội dung quan trọng: Chương trình, Quy chế làm việc của Đại hội; trình bày Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội; trình bày tóm tắt những kết quả chính đạt được nhiệm kỳ 2018-2023; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với nhiệm kỳ 2023-2028; định hướng thảo luận góp ý Báo cáo chính trị; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2018-2023; Trình bày Đề án nhân sự Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028.
Đoàn đại biểu Công đoàn TTXVN biểu quyết thông qua danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội |
Báo cáo Chính trị tại Đại hội cho thấy, Nhiệm kỳ 2018-2023, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam đã đoàn kết, thống nhất, tập trung trí tuệ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam có nhiều đổi mới, đạt kết quả toàn diện, để lại nhiều dấu ấn.
Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2018-2023 luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng thời xác định công tác chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động là mục tiêu hoạt động trọng tâm của công đoàn các cấp, trong nhiều năm qua.
Công đoàn Viên chức Việt Nam luôn quan tâm chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực trong công tác tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến công chức, viên chức, lao động, tổ chức công đoàn và chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Hằng năm, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động đại diện, bảo vệ, chăm lo lợi ích và thực hiện có hiệu quả chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, người lao động.
Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến góp ý, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, lao động như Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật thi đua khen thưởng, Luật Việc làm (sửa đổi)...
Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phối hợp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hội nghị người lao động, đối thoại, thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể.
Các cấp công đoàn đã tích cực chủ động phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị đảm bảo dân chủ tại nơi làm việc theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Kết quả hàng năm, gần 100% công đoàn cơ sở cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp công lập phối hợp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; trên 95% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động; gần 85% công đoàn cơ sở doanh nghiệp phối hợp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc để giải quyết kịp thời các kiến nghị của người lao động.
Đến nay, có 46/57 (80,7%) công đoàn cơ sở doanh nghiệp đã ký Thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: hỗ trợ tiền ăn ca, xăng xe, nhà ở, chuyên cần, gửi trẻ, tặng quà, thưởng các ngày lễ, tết, thưởng tháng lương thứ 13, biểu dương, khen thưởng và tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động...
Cũng trong Phiên làm việc thứ Nhất, Đại hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ với các nội dung: Báo cáo tổng kết hoạt động Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 và mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Công đoàn viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023; Đề án nhân sự Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028; Báo cáo tổng kết hoạt động Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 và mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028; Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung)...
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin