(LĐ online) - Sáng 29/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại đầu cầu Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị tại đầu cầu Hà Nội |
Tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng, tham dự hội nghị có đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng.
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và kết thúc hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chuyển trạng thái phòng chống dịch trong tình hình mới.
Tóm lược thành tựu đạt được trong công tác chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đó là: Sáng tạo công thức chống dịch: “5K + vắc xin, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân + các biên pháp khác” với các trụ cột: xét nghiệm, cách ly, điều trị; kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công; sau đó chuyển hướng thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và cuối cùng là tập trung thực hiện "đa muc tiêu" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; điều chinh giải pháp phòng, chống dịch thành “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.
Các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng tham dự hội nghị trực tuyến |
Bên cạnh đó là chiến lược vắc xin đúng đắn, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức tiêm chủng vắc xin cho toàn dân miễn phí với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đồng thời, mạnh dạn mở cửa hội nhập quốc tế và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng xúc động chia sẻ: “Đối với tôi còn sống là còn nhớ đến đại dịch Covid-19, quá kinh khủng. Trong tình hình dịch Covid-19 rất khó khăn, chúng ta đã đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng, chúng ta đã làm được điều tưởng như không làm được để mang lại bình yên cho Nhân dân. Vì vậy, tại hội nghị này, chúng ta đúc rút ra bài học kinh nghiệm xương máu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong lúc nguồn lực có hạn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ bạn bè quốc tế, sự đoàn kết ủng hộ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta đã chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng tham dự hội nghị trực tuyến |
Đại dịch Covid-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12/2019 tai Vũ Hán, Trung Quốc; sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020.
Ngày 5/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, WHO xác nhận Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế.
Tại Viêt Nam, trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh ngày 23/01/2020. Đến nay, trải qua 2 giai đọan chống dịch và 4 đợt bùng phát dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc và trên 43 ngàn trường hợp tử vong; hơn 99% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020-2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 98.000 trường hợp mắc, 20 trường hợp tử vong.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất chuyển phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và ngày 19/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QÐ-BYT điều chỉnh phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023.
Có 9 bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19: Sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan, các địa phương, đặc biệt là giữa ngành y tế, công an, quân đội và các ngành liên quan; chủ động từ sớm, từ xa, từ ngay cơ sở; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, sát thực tiễn; nâng cao năng lực hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở; minh bạch trong việc cung cấp thông tin, truyền thông sâu rộng; thực hiện đồng bộ vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế, an ninh, an toàn trật tự xã hội; chủ động, tích cực tăng cường hợp tác, ngoại giao y tế với các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Trên cơ sở các ý kiến tham luận đóng góp tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; trong đó, yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế tinh hình dịch bệnh, thực hiện việc công bố dịch và công bố hết dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; xem xét kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp, phù hợp với việc đáp ứng tình hình dịch bệnh; xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023-2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin