(LĐ online) - Chiều 4/10, tại Đà Lạt, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng |
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của ban chấp hành Trung ương Đảng, công tác đổi mới giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến căn bản trong công tác giáo dục, từng bước xây dựng nền giáo dục mở, thực học, gắn với phong trào thi đua dạy tốt, học tốt và quản lý tốt; đa dạng hóa hình thức giáo dục gắn với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; từng bước đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực để nâng cao chất lượng, chuẩn hóa hệ thống giáo dục và đào tạo.
Toàn tỉnh hiện có trên 21.600 cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó, tỷ lệ đạt trên chuẩn chiếm gần 20%, trên 334.000 học sinh đang theo học tại 682 trường, công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi đạt kết quả khả quan.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì buổi làm việc |
Về giáo dục tiểu học, tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức dạy học linh hoạt, hiệu quả, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Việc đánh giá kết quả giáo dục của học sinh khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học trong học tập và rèn luyện các năng lực, phẩm chất, khả năng hòa nhập phù hợp cho từng đối tượng cụ thể; đảm bảo quyền được chăm sóc và giáo dục của tất cả học sinh.
Bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng |
Đối với giáo dục trung học bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Công tác giáo dục thường xuyên không ngừng được quan tâm, duy trì, phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng dạy học.
Đối với bậc phổ thông, từ năm 2013 đến nay, Lâm Đồng có 644 học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đạt 249 giải thưởng. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 10 năm qua ổn định, là một trong số những tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao. Tỉnh cũng chú trọng nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi thông qua 142 trung tâm học tập cộng đồng.
Tại buổi làm việc, tỉnh Lâm Đồng đã nêu lên một số khó khăn, hạn chế cũng như đặt ra những câu hỏi liên quan đến một số vấn đề về sĩ số lớp học vẫn còn cao làm ảnh hưởng đến việc truyền thụ kiến thức; một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về đổi mới phương pháp quản lý trong dạy và học; tuy cơ sở vật chất đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ; chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu; một số trường vẫn chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; hợp tác quốc tế còn hạn chế và việc huy động các nguồn lực đầu tư giáo dục còn nhiều khó khăn...
Trước những thuận lợi và khó khăn trên, để đáp ứng yêu cầu về giáo dục và đào tạo trong tình hình mới, phù hợp với sự phát triển, tỉnh Lâm Đồng cũng đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giáo viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia góp ý về việc thực hiện sắp xếp trường lớp |
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, tổng quan, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai tốt tinh thần quan trọng của Nghị quyết 29, đem lại hiệu quả, sự đổi mới tích cực và nâng cao chất lượng trên địa bàn. Trong điều kiện hạn hẹp song Lâm Đồng đã nỗ lực đầu tư, đã có những dự án nhằm tăng cường các điều kiện cho đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ trưởng cũng lưu ý địa phương cần tập trung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, hỗ trợ chuyên môn cho các thầy cô, tâm điểm là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; quan tâm tới an toàn trường học, tập trung công tác phân luồng học sinh, công tác xã hội hóa giáo dục .
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin