CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ SỨC KHỎE TÂM THẦN CỘNG ĐỒNG NĂM 2023:
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần và bệnh tâm thần

BS CKI NGUYỄN NGỌC ĐIỆP 03:51, 06/10/2023

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa “Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội; chứ không phải chỉ là tình trạng không có bệnh hay tàn tật về cơ thể”. Theo khái niệm trên thì có thể hiểu sức khỏe của con người bao gồm sức khỏe về thể chất và sức khỏe về tâm thần.

Theo thống kê sơ bộ ở nước ta cũng như các nước trên thế giới, tỉ lệ người mắc các loại bệnh tâm thần có đến 20% dân số. Tỉ lệ người mắc đã nhiều và có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh tâm thần là những bệnh do rối loạn chức năng của não bộ gây ra, ảnh hưởng đến các chức năng giao tiếp, ứng xử và thích nghi với môi trường xung quanh. Người bệnh tâm thần không có khả năng tự chủ bản thân, có những cảm xúc bất thường, ngôn ngữ và hành vi rất kỳ dị khó hiểu, thường là có hoang tưởng và ảo giác kèm theo.

Nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần thường được phân làm 4 nhóm chính như sau: Nguyên nhân thực thể gây tổn thương trực tiếp tế bào não bộ; nguyên nhân tâm lý; do cấu tạo thể chất bất thường; nguyên nhân nội sinh hoặc tiềm ẩn (nguyên nhân chưa biết).

BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT (TTPL)

Đây là một bệnh loạn thần nặng, hay gặp, chiếm tỉ lệ chung khoảng 1% dân số. Tỉ lệ này tương đối ổn định, ít thay đổi theo vị trí địa lý, chủng tộc hoặc các nền văn hóa. Đặc điểm chung của bệnh là các rối loạn về tư duy, tri giác, cảm xúc của người bệnh cùn mòn và không phù hợp. Bệnh TTPL thường bắt đầu ở lứa tuổi từ 15 - 45 tuổi, cao nhất từ 18 - 26 tuổi, rất hiếm gặp trước 10 tuổi và sau 50 tuổi. Bệnh TTPL trong dân gian thường được gọi với cái tên là bệnh điên, khùng. 

Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh TTPL vẫn chưa được xác định và do sự tác động phối hợp của nhiều yếu tố. Về mặt sinh học: Vai trò chủ yếu là Dopamine và hệ dopaminergic; một số các chất dẫn truyền thần kinh khác có vai trò nhất định trong bệnh lý tâm thần phân liệt là Serotonin, Norepinephrine và các Amino acids (GABA, GLUTAMAT). Bệnh lý thần kinh: Qua nghiên cứu người ta thấy rằng, não của bệnh nhân TTPL có các bất thường về cấu trúc và chức năng ở các mức độ khác nhau như teo não, dãn não thất, bất thường điện não đồ. Về di truyền: Nhiều nghiên cứu hồi cứu trong thời gian dài đã khẳng định yếu tố di truyền có vai trò rất lớn trong bệnh TTPL. Các nghiên cứu đã cho thấy một người sẽ dễ bị TTPL hơn khi có người thân bị bệnh này và khả năng này liên quan với sự gần gũi về mức độ quan hệ (thân nhân độ 1 hoặc độ 2). Người ta thấy rằng, nếu như tỉ lệ mắc bệnh TTPL chung trong dân số là khoảng 1% thì tỉ lệ này ở anh chị em ruột không sinh đôi của bệnh nhân TTPL là 8%, sinh đôi khác trứng của bệnh nhân TTPL là 12%, sinh đôi cùng trứng của bệnh nhân TTPL lên đến 47%; con cái có cha (hoặc mẹ) bị bệnh TTPL là 12%, con cái có cả cha và mẹ đều bị bệnh TTPL lên đến 40%. Về môi trường: Chỉ riêng yếu tố di truyền không thể giải thích được tại sao trong một số cặp sinh đôi cùng trứng có người bị bệnh TTPL, còn người kia lại không bị bệnh? Người ta ghi nhận có sự liên quan giữa bệnh TTPL với việc bà mẹ bị nhiễm siêu vi và đứa trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, cũng như việc tỉ lệ người bị bệnh TTPL cao hơn nếu như họ được sinh ra trong mùa đông và đầu mùa xuân. Các yếu tố stress tâm lý - xã hội cũng là một nhân tố thuận lợi cho việc phát sinh bệnh TTPL: Bệnh TTPL gặp nhiều hơn ở nhóm người có trình độ kinh tế - xã hội thấp cũng như ở các thành phố có mật độ dân số cao, ở những người phải chịu đựng một sự thay đổi đột ngột về nền văn hóa (các di dân).

Dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh TTPL: Thiếu hòa hợp, tự kỷ, giảm sút thế năng tâm thần, các rối loạn tư duy, hoang tưởng kỳ quái, rối loạn tri giác, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi tác phong.

• BỆNH ĐỘNG KINH

Động kinh là những rối loạn kịch phát các chức năng của não về vận động hoặc cảm giác, giác quan, tâm thần, kèm theo mất ý thức vài giây đến vài phút, xuất hiện đột ngột, mất đi một cách tự nhiên, cơn nhắc đi nhắc lại mang tính chất định hình và chu kỳ.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (1993), tỉ lệ động kinh giao động từ 0,5% - 1,5% dân số. Năm 2001, trên thế giới có 50 triệu người mắc chứng động kinh. Ở nước ta, điều tra tỉ lệ mắc động kinh từ 0,3% - 0,6% dân số. Những nguyên nhân dẫn đến động kinh thường khác nhau, từ việc do nhiễm trùng trước khi sinh và chấn thương sọ não, đến những tổn thương về não do những tai biến, đột qụy, nhiễm khuẩn hay ngộ độc. Những yếu tố về gen, di truyền cũng đóng góp một phần quan trọng ở một số dạng động kinh.

Dấu hiệu nhận biết một cơn động kinh điển hình: Cơn xuất hiện đột ngột, người bệnh đang hoạt động bỗng nhiên rơi vào tình trạng mất ý thức ngã vật ra. Ngay lúc đó xuất hiện các hiện tượng sau: Giai đoạn co cứng, tay chân co rúm lại, cứng đờ, đồng tử co lại, mạch, huyết áp tăng. Giai đoạn co giật, giật đều các tay chân và các cơ. Giai đoạn doãi cơ, co giật giảm dần đến mất hẳn, cơ bắp doãi ra, đồng tử giãn ra, có thể đi tiêu, đi tiểu.

• BỆNH TRẦM CẢM

 Là một bệnh lý về tâm thần với biểu hiện rối loạn cảm xúc, xảy ra với một người ở thời điểm nào đó trong cuộc đời. Bệnh đặc trưng với cảm xúc trầm buồn, mất quan tâm hứng thú và mệt mỏi kéo dài. Bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn, một số người có thể bị tái phát và trở thành mạn tính.

Tỷ lệ bệnh có khoảng 10 - 15% người lớn trong dân số chung có ít nhất một cơn trầm cảm trong giai đoạn nào đó của cuộc sống. Tuổi phát bệnh thường gặp nhất là 20 - 50, tuổi trung bình thường gặp là khoảng 40 tuổi. Trầm cảm thường gặp ở nữ gấp 2 lần so với nam. Trầm cảm thường gặp ở những vùng nông thôn hơn là ở thành thị. Tỉ lệ của bệnh trầm cảm cao hơn đáng kể ở người có mối quan hệ xã hội kém hoặc li dị, góa bụa.

Nguyên nhân của bệnh do di truyền: Người thân với người bị bệnh trầm cảm có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn trong dân số chung. Tỉ lệ bệnh trầm cảm ở sinh đôi cùng trứng là 65% - 75%, trong khi ở trẻ sinh đôi khác trứng chỉ 14% - 19%. Bất thường trong chất dẫn truyền thần kinh: Có 3 chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến bệnh lý trầm cảm đó là Norepinephrine, Serotonine và Dopamine. Qua nghiên cứu người ta thấy rằng, trong bệnh trầm cảm, cả ba chất dẫn truyền thần kinh này đều sụt giảm nồng độ đáng kể trong não bộ và dịch não tủy của người bệnh. Nội tiết: Bệnh trầm cảm liên quan đến trục tuyến thượng thận và trục tuyến giáp. Theo đó, bệnh trầm cảm thường xảy ra khi có sự tăng tiết Cortisol và giảm phóng thích Thyroid stimulating hormon (TSH). Các yếu tố tâm lý xã hội: Căng thẳng, stress, thất nghiệp…

Người mắc bệnh trầm cảm gồm 12 dấu hiệu sau: Cảm xúc trầm cảm chiếm khoảng 90% các trường hợp, người bệnh than phiền mình cảm thấy buồn, chán nản, trống rỗng, vô vọng hoặc không còn tha thiết điều gì nữa. Ở trẻ em thường xuất hiện tình trạng cáu kỉnh, bực bội, trốn học, không vâng lời. Các dấu hiệu khác như: Mất hứng thú, ăn mất ngon, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần vận động; mệt mỏi, mất năng lượng; mặc cảm tự ti và ý tưởng bị tội; thiếu quyết đoán và giảm tập trung chú ý; ý tưởng và hành vi tự sát; lo âu. Dấu hiệu cơ thể thường gặp đau đầu, đau lưng, chuột rút, buồn nôn, táo bón, thở nhanh, thở sâu, đau ngực; những triệu chứng này làm bệnh nhân trầm cảm thường tìm đến các cơ sở y tế đa khoa thay vì tâm thần. Dấu hiệu loạn thần: ảo giác và hoang tưởng; các bệnh nhân trầm cảm nếu có biểu hiện loạn thần thường khó đáp ứng với điều trị và cũng dễ tái phát hơn.