Chuyển đổi số đã không còn xa lạ, bắt đầu đi vào đời sống thực chất tại Lâm Đồng, từ cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp đều nỗ lực tái cấu trúc quy trình, áp dụng các công nghệ số và dữ liệu số vào hoạt động. Tỉnh Lâm Đồng với quyết tâm giữ vị trí nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số đánh giá chuyển đổi số, đưa Lâm Đồng có kinh tế - xã hội phát triển khá vào năm 2030.
Trung tâm Điều hành thông minh - IOC huyện Đơn Dương |
Để hiểu rõ hơn về kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, phóng viên (PV) Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng.
• PV: Thưa Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí có thể cho biết chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện như thế nào?
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng |
• Đồng chí Phạm S: “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025” đã được tỉnh tổ chức thành phong trào thi đua sâu rộng và hiệu quả. Với quan điểm nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số, Lâm Đồng đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều nền tảng số khác nhau, để từng bước chuyển các hoạt động của cơ quan chính quyền, người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển 3 trụ cột chính là “Chính quyền số - Xã hội số và Kinh tế số”.
Năm 2023, tỉnh Lâm Đồng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Đó là, Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố; khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chiến lược chuyển đổi số trên những lĩnh vực như: báo chí, thông tin cơ sở, nông nghiệp, đô thị...
Hiện, tỷ lệ 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đã thực hiện chuyển giao tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. 100% xã, phường, thị trấn đã phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G (độ bao phủ đạt 100% khu dân cư). Tỉnh đã triển khai thí điểm 6 điểm phát sóng 5G.
Đến nay, hầu hết UBND cấp huyện, UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành Trung tâm Điều hành thông minh - IOC. Đặc biệt, mới đây Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2023. |
Lâm Đồng cũng đã hình thành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh. Theo đó, hoàn thành kết nối 15/23 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin với Trục kết nối nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trên địa bàn Lâm Đồng hiện đã triển khai thí điểm ứng dụng Công dân số. Hiện tại, đã có 19.580 lượt tải (trong đó, Android có 12.393 lượt, IOS có 7.187 lượt) và 422 tài khoản đăng ký trên ứng dụng.
Các nền tảng số đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như: địa chỉ số; bản đồ số (cơ sở dữ liệu đất đai); tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước; dạy học trực tuyến; hóa đơn điện tử ; truy xuất nguồn gốc nông sản; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử; trạm y tế xã,... Đó còn là nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội như: họp trực tuyến; sàn thương mại điện tử; Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC); Trung tâm Giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC).
Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đang tiếp tục hướng dẫn các đơn vị triển khai, kiện toàn Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Đã thành lập 142/142 tổ ở cấp xã; 11/12 huyện đã kiện toàn với khoảng 11.000 thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng.
Ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch góp phần tạo đột phá thực hiện chuyển đổi kép xanh và công nghệ số đối với 2 lĩnh vực kinh tế lợi thế của tỉnh Lâm Đồng. Toàn tỉnh có 12 sàn giao dịch thương mại điện tử đã được Bộ Công thương xác nhận. Đây là một kênh thông tin để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới mọi khách hàng trong và ngoài nước và thị trường tiềm năng.
Có thể nói, chuyển đổi số ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo hiện tại và tương lai. Chuyển đổi số còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trung tâm Điều hành thông minh huyện Đạ Tẻh |
• PV: Xin Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vừa nêu trên, Lâm Đồng gặp những khó khăn, thách thức gì trong quá trình chuyển đổi số?
• Đồng chí Phạm S: Quá trình triển khai chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như: Một số ngành, lĩnh vực chưa chủ động tham gia chuyển đổi số; việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế; quản lý thông tin trên không gian mạng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Những khó khăn đó đặt ra thách thức lớn cho tỉnh cần phải thay đổi về tư duy, nhận thức của mọi tầng lớp xã hội; phải thu hút được nguồn lực; đào tạo nhân lực; xây dựng thể chế, khung pháp lý, hành lang chính sách về công nghệ thông tin và huy động sức mạnh của toàn dân trong việc thực hiện chuyển đổi số. Đối với các cơ quan nhà nước, sự thay đổi là nhận thức và sự vào cuộc thực sự của người đứng đầu, là chuyện dám làm hay không dám làm. Đối với mỗi người dân, đòi hỏi thay đổi kỹ năng và thói quen. Thách thức lớn nhất cho xã hội trước mắt là kỹ năng số của người dân, sau đó là thói quen và văn hóa sống trong môi trường số. Còn đối với mỗi doanh nghiệp, sự thay đổi đòi hỏi phải triển khai các giải pháp công nghệ số, có những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ. Do đó, thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp là tìm kiếm nền tảng chuyển đổi số toàn diện.
Thanh niên huyện Đơn Dương ứng dụng chuyển đổi số, hỗ trợ người dân kích hoạt mã định danh điện tử |
• PV: Nhìn thấy rõ những lợi thế, thách thức đó, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục có những hoạch định cụ thể như thế nào để chuyển đổi số đi vào thực chất, thưa đồng chí?
• Đồng chí Phạm S: Quan điểm xuyên suốt của tỉnh ngay từ đầu trong triển khai chuyển đổi số là “lấy người dân làm trung tâm”. Đó chính là Xã hội số, từ đó thúc đẩy 2 trụ cột còn lại (Chính quyền số và Kinh tế số) phát triển bền vững.
Việc hình thành nền tảng công dân số là một trong những giải pháp để thúc đẩy quá trình tham gia của người dân vào quá trình hình thành xã hội số. Nhất là trong việc tương tác, sử dụng các giải pháp chuyển đổi số được cơ quan nhà nước cung cấp. Nền tảng công dân số giúp đơn giản hóa quá trình sử dụng dịch vụ của người dân và cơ quan nhà nước có định hướng, đầu mối để nâng cấp, phát triển các dịch vụ số của mình một cách phù hợp, dễ dàng nhất.
Chuyển đổi số là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống. Chuyển đổi số để quản lý và phục vụ Nhân dân tốt hơn. Doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển, đưa dịch vụ tốt hơn đến người dân. Người dân cũng cần được khuyến khích tham gia chuyển đổi số vì chính bản thân mình.
Tỉnh cũng sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên các nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số, hàng đầu là đối với lĩnh vực y tế, giáo dục để phục vụ từng người dân. Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương và xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc phối hợp trong kết nối, tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia do bộ, ngành triển khai, đưa về kho dữ liệu và chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị dùng chung để phân tích, dự báo, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công; nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ công tác tham mưu, tư vấn, quản lý vận hành hệ thống chính quyền số, hệ thống điều hành thông minh...
“Then chốt” trước tiên, lãnh đạo các đơn vị phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị, ngành. Người đứng đầu phải quyết tâm hành động, nắm được nội dung chuyển đổi số cần triển khai, phải ứng dụng và sử dụng được hệ thống, sau đó tổ chức phân công cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị sử dụng. Trong quá trình chuyển đổi số, chính quyền giữ vai trò chủ đạo, còn người dân là chủ thể vừa sử dụng, vừa tương tác, góp ý để phát triển, hoàn thiện các sản phẩm phù hợp, hiệu quả. Còn Sở Thông tin và Truyền thông đóng vai trò “thuyền trưởng” chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, liên quan thực hiện rà soát, đánh giá an toàn thông tin mạng và triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, góp phần nâng cao kỹ năng số, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.
• PV: Xin cảm ơn đồng chí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin