Chuyển động Đề án 06 (bài 1)

DIỄM THƯƠNG 06:34, 30/10/2023

LTS: Lộ trình Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ đã và đang được triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ tại tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, vì chưa có tiền lệ nên còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra để tiến tới xây dựng nền Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...

 

Bài 1: Đề án đã đi vào cuộc sống 

 

Sau một năm triển khai thực hiện, Đề án 06 đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực đối với cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Kết quả thành công bước đầu của Đề án đem lại ý nghĩa quan trọng, nhiều điểm mang tính đột phá, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia. Các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã đã tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong Đề án 06 mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí
Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong Đề án 06 mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí

• NHỮNG HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Ngày 6/1/2022, Bộ Công an phối hợp Văn phòng Chính phủ xây dựng tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia ký, ban hành Quyết định số 06 phê duyệt Đề án 06. Mục tiêu tổng thể của đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ năm nhóm tiện tích.

Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng cũng đã được thành lập và kiện toàn với các chiến lược thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thuộc Đề án. Trong giai đoạn 2022-2025, Ban Chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ chung: Quán triệt tinh thần quyết tâm, quyết liệt, kiên trì trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh đề ra, tạo sự lan tỏa trong hệ thống chính trị, đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ số hóa các loại hồ sơ, dữ liệu đang quản lý gắn với các biện pháp kiểm tra, xác thực tính chính xác của hồ sơ và làm sạch dữ liệu chuyên ngành trên cơ sở đối sánh thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư nhằm đảm bảo thông tin đưa lên hệ thống là đầy đủ, chính xác, phục vụ việc tái sử dụng hồ sơ, dữ liệu trong quá trình tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính, các giao dịch của công dân. Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí, nhân lực, nhất là về công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đề án. Tăng cường tuyên truyền sâu sộng đến các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tiện ích của Đề án 06 để Nhân dân hưởng ứng thực hiện.

“VỀ ĐÍCH” SỚM CÁC CHỈ TIÊU

Tính đến 12/5/2023, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 1.135.234 công dân đủ điều kiện, hoàn thành 100% chỉ tiêu do Chính phủ và Bộ Công an giao. Vượt thời gian đã đăng ký với Bộ Công an 2 ngày và vượt 48 ngày so với thời gian Bộ yêu cầu, là tỉnh thứ 29/63 tỉnh, thành hoàn thành về đích sớm trước thời hạn. Trong đó, có 3 địa phương Cát Tiên, Đam Rông, Bảo Lâm hoàn thành chỉ tiêu thu nhận hồ sơ trên địa bàn theo kế hoạch của Công an tỉnh.

Sau đó, đến 15/8/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đề ra đối với “chiến dịch” thu nhận và kích hoạt mã định danh điện tử cho toàn dân. Với quyết tâm cao cùng những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Công an giao, Lâm Đồng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí, góp phần giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước, thay đổi tư duy trong phối hợp đồng hành của các bộ, ngành trong phối hợp giải quyết phục vụ Nhân dân. Đặc biệt, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào thực hiện các dịch vụ công đã, đang là bước đột phá mạnh mẽ khi hàng loạt các dịch vụ trước đây phải đi lại trực tiếp thực hiện như làm hộ chiếu điện tử, bằng lái xe, kê khai thuế, đăng ký điện… nay được cung cấp theo phương thức điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại; không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy.

Ở nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Toàn tỉnh đã triển khai cung cấp 1.179 dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ có phát sinh hồ sơ 589/1.179 dịch vụ đạt 49,96%. 

Một trong những lĩnh vực mà Đề án 06 mang lại hiệu quả rõ nét nhất là lĩnh vực y tế, với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế xã hội, toàn tỉnh đã có 168/168 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT có thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD đạt tỷ lệ 100%, tổng số lượt tra cứu bằng CCCD khi đi khám, chữa bệnh BHYT là 1.312.301 lượt với 1.007.538 lượt tra cứu thành công. Triển khai liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử tại 100% cơ sở khám, chữa bệnh. 

Sau một năm triển khai thực hiện, Đề án 06 đã thực sự “chuyển động” mang lại những hiệu quả thiết thực đối với cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đặc biệt, nhóm phục vụ phát triển công dân số, tập trung thực hiện quyết liệt nhiệm vụ hoàn thiện dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; cập nhật, đầy đủ, kịp thời thông tin công dân khi có thay đổi. Toàn tỉnh đã thu nhận 1.375.971 hồ sơ cấp CCCD và 1.159.995 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử, hiện cơ bản hoàn thành công tác cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện tại địa phương. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử là một trong các phương thức giúp người dân sử dụng thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023. Điều này thể hiện ý nghĩa lớn, và quan trọng nhất là từng bước thay đổi thói quen của người dân, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. 

Cũng phải kể đến thành tựu trong xác thực, chuẩn hóa dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với các Cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Ở công tác số hóa dữ liệu hộ tịch phục vụ chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, đã số hóa 976.127 /1.689.065 dữ liệu hộ tịch, đạt tỷ lệ 57,79%. Đã cập nhật, xác thực giữa CSDLQG về bảo hiểm và CSDLQG về dân cư được 1.120.619 người, đạt tỷ lệ 93,54% số người đang tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội tỉnh quản lý nhằm phục vụ người dân đi khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD cũng như thực hiện các thủ tục hành chính khác. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chuẩn hóa đạt 100% thông tin thuê bao di động cần chuẩn hóa, xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng dữ liệu mở dùng chung của tỉnh tại địa chỉ https://data.lamdong.gov.vn, cung cấp 24 chủ đề, 131 tập dữ liệu với khoảng hơn 1.000 trường thông tin và kho dữ liệu dùng chung của tỉnh tại địa chỉ https://khodulieu.lamdong.gov.vn, cung cấp 15 lĩnh vực với 59 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin.

 
Đề án 06 đã đi vào đời sống của người dân trong các chiến dịch cấp căn cước công dân, kích hoạt mã định danh điện tử
Đề án 06 đã đi vào đời sống của người dân trong các chiến dịch cấp căn cước công dân, kích hoạt mã định danh điện tử

“MỞ ĐƯỜNG” CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ

Năm 2023 là năm dữ liệu, tạo lập và đem lại những giá trị lớn về dữ liệu. Những kết quả trên đã bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường hiệu quả giải quyết dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm thực hiện định danh và xác thực điện tử phục vụ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo đảm căn cứ, cơ sở pháp lý để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin do các cơ quan, đơn vị được giao quản lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội , phát triển và xây dựng hệ sinh thái phục vụ mục tiêu chuyển đổi số.

Nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, tiện ích, thiết bị điện tử, phần cứng chuyên dụng để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; thu phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng quy định pháp luật, đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đại tá Bùi Đức Thịnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Với vai trò thường trực trong triển khai Đề án 06, ngành Công an tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 xuyên suốt với quyết tâm chính trị cao nhất, quyết tâm hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đề ra; tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nội dung của Đề án 06, nhất là đối với những nội dung mới chưa có tiền lệ; nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh cũng khẳng định: Đề án 06 là một nhiệm vụ rất quan trọng vì vậy cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, đẩy mạnh triển khai một số cơ chế thí điểm, thử nghiệm quan trọng để mở rộng trong thời gian tới. Tinh thần là phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06.

(CÒN NỮA)