Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng trong cộng đồng

AN NHIÊN 06:34, 04/10/2023

Sức khỏe răng miệng có tác động lớn đến sức khỏe mỗi cá nhân, được chăm sóc sức khỏe răng miệng (CSSKRM) là quyền cơ bản của con người. Mọi người dân đều cần được CSSKRM phù hợp và chi phí hợp lý. Để tăng cường hiệu quả CSSKRM cần một số yếu tố: mạng lưới triển khai, nguồn lực, hành lang pháp lý, nhận thức, giáo dục sức khỏe răng miệng và tiếp cận dịch vụ.

Chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng miễn phí do Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng tổ chức tại TP Đà Lạt
Chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng miễn phí do Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng tổ chức tại TP Đà Lạt

Theo Bộ Y tế, các vấn đề sức khỏe răng miệng của người dân có tác động đến nền kinh tế. Tại các nước phát triển, trung bình 5% tổng chi phí y tế có liên quan đến việc điều trị các bệnh răng miệng. Chi phí điều trị trực tiếp do các bệnh răng miệng trên toàn thế giới ước tính khoảng 298 tỷ USD hàng năm, tương ứng với mức trung bình 4,6% chi phí y tế toàn cầu. Chi phí gián tiếp do các bệnh răng miệng trên toàn thế giới lên tới 144 tỷ USD hàng năm, tương ứng với thiệt hại kinh tế nằm trong phạm vi của 10 nguyên nhân gây tử vong thường xuyên nhất trên toàn cầu.

Trước các tác động của sức khỏe răng miệng, nhiều nước trên thế giới đã quan tâm đầu tư cho các chương trình CSSKRM cộng đồng. Các chương trình này tác động đến những đối tượng trong xã hội, bao gồm: trẻ em, người cao tuổi, các đối tượng đặc biệt như bệnh nhân đái tháo đường, phụ nữ có thai, nhóm người dị tật… 

Tại Việt Nam, tình hình bệnh răng miệng trong cộng đồng, theo kết quả điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc lần thứ 3 thực hiện năm 2015 cho thấy người Việt Nam có tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng cao ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ sâu răng sữa ở nhóm tuổi 6 - 8 tuổi là rất cao (86,4%), trung bình mỗi trẻ em có 6,21 răng bị sâu; sâu răng vĩnh viễn ở trẻ em xuất hiện sớm và có chiều hướng tăng theo thời gian. Trẻ em 6-8 tuổi đã có 20,9% sâu răng vĩnh viễn; lứa tuổi then chốt 6 tuổi 85,6% sâu răng sữa; lứa tuổi 12 và tuổi 17 tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn là 44,8% và 35,2%. Tỷ lệ sâu răng người lớn ở tuổi 18 -34 là 72,8%; tuổi từ 35 - 44 là 70,4%; tuổi trên 45 là 66,7%. Tỷ lệ mắc bệnh vùng quanh răng cũng ở mức cao như: chảy máu lợi chiếm 54,5%; túi lợi nông chiếm 7,0%; túi lợi sâu là 3,9%. 

Tỷ lệ trẻ em bị lệch lạc răng cao chiếm trên 90,1%. Tỷ lệ người cao tuổi bị mất răng cao (chiếm 79,4%), trong đó, tỷ lệ mất 1 - 8 răng (còn lại trên 20 răng còn chức năng) thấp chiếm 65,7%, tỷ lệ mắc bệnh quanh răng ở người trên 65 tuổi rất cao (chiếm 77,3%).

Về công tác điều trị, ngành răng hàm mặt Việt Nam đã làm chủ và thực hiện thường quy nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, áp dụng các vật liệu và trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người dân ở các vùng nông thôn, miền núi không được chăm sóc hay khó được tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh và CSSKRM, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của các bác sỹ răng hàm mặt chưa đồng đều, tại một số bệnh viện huyện không có bác sỹ răng hàm mặt. Việc quản lý các bệnh lý miệng và phẫu thuật miệng - hàm mặt như ung thư, chấn thương hàm mặt, dị dạng bẩm sinh vùng hàm mặt, tạo hình và thẩm mỹ vùng hàm mặt, bệnh lý khớp thái dương hàm, các biến dạng xương hàm… cũng gặp khó khăn do thiếu nhân lực và trang thiết bị phục vụ điều trị. Bên cạnh đó, sự thiếu gắn kết giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và với các cơ sở ngoài công lập trong điều trị và CSSKRM cộng đồng đã làm giảm hiệu quả hoạt động.

Nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, hành vi của người dân trong chăm sóc sức khỏe răng miệng, từ đó nâng cao sức khỏe răng miệng cộng đồng góp phần nâng cao sức khỏe và thể trạng người dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng tại cộng đồng giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chung phát triển chuyên khoa răng hàm mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, dự phòng sức khỏe răng miệng cho người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đề án tập trung kiện toàn, phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe răng hàm mặt, gắn kết các cơ sở khám, chữa bệnh với nhà trường và các tổ chức xã hội. Nâng cao hoạt động chăm sóc và dự phòng các bệnh răng miệng. Xây dựng và chuẩn hóa quy trình chuyên môn kỹ thuật răng hàm mặt. Phát triển năng lực khám, chữa bệnh, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị các bệnh răng hàm mặt. Áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống quản lý thông tin về sức khỏe răng miệng.

Đề án được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, theo lộ trình đó là: Giai đoạn 2023 - 2025, triển khai các hoạt động đề án, ưu tiên kiện toàn hệ thống, chuẩn hóa các quy trình chuyên môn kỹ thuật, xây dựng hệ thống quản lý và cơ sở dữ liệu, huy động sự tham gia và đầu tư của xã hội. Giai đoạn 2026 - 2030, sơ kết đánh giá việc triển khai đề án, tiếp tục duy trì mặt tích cực và các kết quả tốt của đề án giai đoạn 2023 - 2025, tiếp tục huy động sự tham gia và đầu tư của xã hội.

Các nội dung hoạt động bao gồm: Kiện toàn, phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe răng miệng. Nâng cao hoạt động chăm sóc và dự phòng các bệnh răng miệng: Truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân; khám sàng lọc và tư vấn chăm sóc; duy trì, phát triển chương trình nha học đường và chăm sóc sức khỏe răng miệng trẻ em; triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng người cao tuổi. Xây dựng và chuẩn hóa các quy trình chuyên môn. Phát triển năng lực khám, chữa bệnh, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị các bệnh răng hàm mặt. Đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất. Áp dụng giải pháp công nghệ thông tin cập nhật, triển khai hệ thống phần mềm thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu cho các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế.