(LĐ online) - Ngày 27/10, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành tiếp tục tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất và tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc khắc phục sự cố tại khu du lịch Làng Cù Lần theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị các đơn vị y tế trong toàn ngành triển khai thực hiện tốt việc chủ động ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất và tăng cường phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Giám đốc các đơn vị y tế trong toàn ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, không được chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc trách nhiệm được giao; chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Y tế trong thời gian vừa qua.
Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nguy hiểm, thiên tai để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”; rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất.
Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực cấp cứu ngoại viện, trực hậu cần; duy trì nhiều hình thức thông tin liên lạc không để xảy ra mất liên lạc trong thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão. Ban Chỉ huy và lực lượng thường trực tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị tổ chức thường trực 24/24 giờ, bổ sung dự trữ vật chất (thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế) sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống; tu sửa kho tàng bảo đảm an toàn trong thiên tai.
Triển khai các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế; đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế.
Tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, quản lý các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trong mùa bão lũ.
Tổ chức các đoàn công tác của đơn vị thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân. Chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.
Rà roát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của tất cả các công trình, dự án, nhà, đất do đơn vị quản lý để thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện, tài sản và ổn định công trình. Đối với các công trình đang thi công, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu khẩn trương thi công hoàn thành công trình, dự án. Đối với các hạng mục, phần việc có nguy cơ mất an toàn, yêu cầu nhà thầu thi công phải lập hàng rào che chắn, có biện pháp neo giữ, gia cố dàn giáo thi công, máy móc và các thiết bị thi công trước khi có gió bão. Đối với nhà tạm, lán trại trên công trường kiểm tra việc đảm bảo an toàn đối với nhà tạm, lán trại trên công trường trong quá trình thi công.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin