Những thách thức trong chuyển đổi số

DIỄM THƯƠNG 06:14, 20/10/2023

Nhìn vào kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022 vừa được UBND tỉnh công bố cho thấy, để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh, bền vững, hiệu quả đòi hỏi các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các cấp, các ngành nhận diện được thách thức, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. 

Các ngành, địa phương tích cực chuyển đổi số
Các ngành, địa phương tích cực chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước là quá trình áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ mới trong thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước được tỉnh Lâm Đồng chú trọng triển khai đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cấp tỉnh bao gồm 2 nhóm với 6 chỉ số đánh giá chính. Thang điểm đánh giá đối với bộ chỉ số chuyển đổi số cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh là 1.000 điểm.

Trên cơ sở đó, 5 đơn vị cấp sở, ban, ngành xếp đầu cấp sở về Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 là: Bảo hiểm Xã hội tỉnh (848,47 điểm), Sở Tài chính (797,45 điểm), Sở Giáo dục và Đào tạo (782,50 điểm), Sở Thông tin và Truyền thông (775,58 điểm), Sở Y tế (764,58 điểm). 3 đơn vị có số điểm thấp nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư (379,54 điểm), Sở Tài nguyên và Môi trường (490,82 điểm), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (340,86 điểm). Xếp hạng chỉ số các sở, ngành không có thủ tục hành chính: Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng đứng vị trí số 1. 

Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cấp huyện bao gồm 2 nhóm với 8 chỉ số đánh giá chính. Theo đó có 5 đơn vị cấp huyện xếp đầu chỉ số DTI năm 2022 là: Huyện Đạ Tẻh xếp thứ nhất với 698,91 điểm, tiếp đó theo thứ tự là TP Đà Lạt (692,94 điểm), huyện Đạ Huoai (664,41 điểm), huyện Di Linh (637,36 điểm), huyện Đức Trọng (598,58 điểm). 3 huyện, thành phố có số điểm thấp nhất là Đam Rông, TP Bảo Lộc và Lạc Dương.

Kết quả đánh giá, xếp hạng là cơ sở để các ngành, đơn vị, địa phương theo dõi lộ trình thực hiện chuyển đổi số hằng năm của đơn vị, phản ánh rõ nét, chính xác hơn về tình hình ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số, từ đó các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp thúc đẩy hoạt động CNTT nói chung và chuyển đổi số nói riêng phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực.

Hạ tầng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp sở, cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công tác, cấp xã là 100%, 100% các cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ kết nối internet cáp quang tốc độ cao, được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, đáp ứng được nhu cầu khai thác và sử dụng trong hoạt động cơ quan nhà nước. Trong đó, 100% các cơ quan, đơn vị đã quan tâm trang bị thiết bị sao lưu dự phòng nội bộ ở các mức độ khác nhau như: NAS, SAN, USB và các trang, thiết bị phòng, chống cháy, nổ mạng nội bộ. Hiện nay, khoảng 82% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, đây là một trong những điều kiện quan trọng giúp người dân có thể tạo lập tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tra cứu BHXH, tạo lập tài khoản thanh toán các khoản phí, lệ phí trực tuyến, giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng, thay đổi thói quen thanh toán truyền thống, từng bước gửi hồ sơ qua mạng, thanh toán lệ phí không dùng tiền mặt... góp phần đưa chuyển đổi số đi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ cơ quan nhà nước tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế - xã hội phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở dễ truy cập, sử dụng. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Căn cứ thang điểm chuẩn của từng chỉ số, các cơ quan, đơn vị đánh giá kết quả thực hiện để tự chấm điểm theo mức độ hoàn thành công việc. Mức điểm cho mỗi chỉ số là điểm tối đa khi đáp ứng toàn bộ yêu cầu của chỉ số đó và giảm trừ tương ứng theo mức độ thực hiện công việc, nhiệm vụ.

 Việc tự đánh giá, chấm điểm của cơ quan, đơn vị bắt buộc phải có các tài liệu kiểm chứng kèm theo để xác định mức độ tin cậy của việc đánh giá, chấm điểm. Đối với các chỉ số, chỉ số thành phần không có tài liệu kiểm chứng hoặc tài liệu kiểm chứng chưa thể hiện hết nội dung đánh giá, chấm điểm, cơ quan, đơn vị phải có giải thích cụ thể bằng văn bản về cách thức đánh giá, tính điểm. Trường hợp có nội dung, chỉ số chuyển đổi số chưa được cấp trên quy định, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoặc do đặc thù mà không triển khai thì không đánh giá, chấm điểm nội dung, chỉ số đó. Số điểm của các chỉ số không đánh giá, chấm điểm sẽ được giảm trừ hoặc được bổ sung chỉ số khác thay thế các chỉ số không thực hiện.

Hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên địa bàn nói chung và trong các cơ quan nhà nước nói riêng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ công được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông ba cấp từ tỉnh đến xã, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi phương thức làm việc, rút ngắn thời gian xử lý công việc, công khai, minh bạch thông tin, đưa chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.