Số ca sốt xuất huyết tăng cao, Lâm Đồng triển khai nhiều nhiệm vụ cấp bách để phòng chống

AN NHIÊN 16:18, 05/10/2023

(LĐ online) - Ngày 5/10, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức hội nghị trực tuyến (qua cầu Telehealth) tại các đơn vị về nội dung tăng cường công tác giám sát phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue tại Lâm Đồng, do lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng phát biểu khai mạc hội nghị
Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng phát biểu khai mạc hội nghị

Trước đó, ngày 3 - 4/10, đoàn công tác của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã có đợt giám sát hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương.

Tại hội nghị này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đã báo cáo  công tác phòng chống SXH trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 2/10, tổng số ca SXH ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng là  3.312 ca, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Số mắc SXH của tỉnh chiếm 6,7% số mắc toàn khu vực phía Nam, đứng thứ 4 trong 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tình hình mắc bệnh SXH tăng cao tại các huyện Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lâm, Lâm Hà.

Lãnh đạo đoàn công tác của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị
Lãnh đạo đoàn công tác của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị

Ngành Y tế đã tập trung xử lý 899 ổ dịch, đạt tỷ lệ 100%. Trong số đó có 627 ổ dịch xử lý bằng phương pháp diệt lăng quăng (chiếm 69,7%). Tổ chức dập dịch diện rộng tại Di Linh, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đơn Dương và tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống SXH vào tháng 6 và tháng 8 trên toàn tỉnh. Tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh SXH Dengue do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tổ chức tại Lâm Đồng cho đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng.

Triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống SXH trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp tại các trường học, khu dân cư, hộ gia đình nơi có ca bệnh SXH. Tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi lăng quăng, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để phòng, chống SXH.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng báo cáo tình hình phòng chống SXH tại địa phương
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng báo cáo tình hình phòng chống SXH tại địa phương

Duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát dịch tễ, phát hiện sớm các trường hợp bệnh SXH, giám sát véc tơ truyền bệnh, khoanh vùng xử lý các ổ dịch kịp thời, triệt để theo đúng theo quy định của Bộ Y tế. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư hoá chất, máy phun hóa chất để phục vụ cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH. Các cơ sở điều trị đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc điều trị; sẵn sàng tiếp nhận và điều trị kịp thời cho các bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo và các trường hợp SXH nặng.

Nhận định tình hình bệnh SXH tại Lâm Đồng đang có diễn biến bất thường: số mắc vẫn tăng cao sau mùa dịch năm 2022, cao ngay trong những tháng mùa khô và tiếp tục tăng trong những tháng mùa mưa. Số ca mắc tăng do hoạt động củng cố của hệ thống báo cáo bệnh SXH, các ca bệnh ngoại trú được báo cáo đầy đủ, các hệ thống phòng khám tư nhân được tập huấn và báo cáo trực tiếp vào phần mềm theo quy định của Bộ Y tế. Các vùng trồng dâu nuôi tằm không thể xử lý bằng hình thức phun hóa chất.

Chuyên gia Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá công tác giám sát dịch tễ và xử lý ổ dịch SXH tại Lâm Đồng
Chuyên gia Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá công tác giám sát dịch tễ và xử lý ổ dịch SXH tại Lâm Đồng

Một số huyện thiếu kinh phí thực hiện xử lý ổ dịch do chưa có định mức chi từ UBND tỉnh. Hoạt động diệt lăng quăng trong chiến dịch chưa được thực hiện triệt để và không duy trì được hoạt động diệt lăng quăng tại nhà sau can thiệp.

Để hạn chế tử vong do SXH tại địa phương, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là Ban Chỉ đạo các cấp tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên tổ chức kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp. Những địa phương có thay đổi nhân sự Ban Chỉ đạo cần có quyết định phân công nhiệm vụ song song việc kiện toàn nhân sự. Công tác quan trọng nhất là phối hợp liên ngành, tất cả các ban ngành, tất cả mọi người dân cùng tham gia và huy động mọi nguồn lực xã hội cho phòng chống SXH tại địa phương. Khi thực hiện can thiệp phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không phát động hoặc làm phong trào không thực chất. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng can thiệp các điểm nóng, nguy cơ cao trên địa bàn.

Tiếp tục tổ chức Chiến dịch diệt lăng quăng, thực hiện chiến dịch chuyên biệt cho diệt lăng quăng phòng bệnh SXH, không lồng ghép với chiến dịch vệ sinh môi trường... Đảm bảo xử lý triệt để lăng quăng tại các khu nhà trọ, nơi công cộng tập trung đông người và nơi có nhiều ổ lăng quăng. Phun hóa chất xử lý ổ dịch đúng chỉ định, đúng thời điểm, kịp thời. Các cơ sở điều trị đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc điều trị; sẵn sàng tiếp nhận, theo dõi phát hiện kịp thời và điều trị cho các bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo và các trường hợp SXH nặng.