Bài 2: Lâm Đồng - cực tăng trưởng của Tây Nguyên
“Lâm Đồng phải là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên, tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, văn hóa. Lâm Đồng không thể phát triển sau các tỉnh của Tây Nguyên”, đó là lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Lâm Đồng gần đây. Điều gì đã khiến cho mảnh đất Nam Tây Nguyên tươi đẹp hoàn toàn có được niềm tin từ những người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ về sự phát triển trong tương lai? Đó là tiềm năng, sức hút, dư địa, môi trường đầu tư và đặc biệt là yếu tố con người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty TNHH Dalat Hasfarm - một doanh nghiệp FDI trên địa bàn Lâm Đồng mỗi năm xuất khẩu hoa đi các nước đạt doanh thu 60 triệu USD |
Với vị trí thuận lợi, kết cấu hạ tầng tương đối vững chắc, là địa phương dẫn đầu Tây Nguyên trong rất nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng hoàn toàn có khả năng tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế của cả vùng Tây Nguyên.
• TỈNH ĐẦU TIÊN CỦA TÂY NGUYÊN BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23
Chỉ sau chưa đầy hai tháng, Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 30/12, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành chương trình hành động của tỉnh với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cao.
Đây là hành động thể hiện ý chí và quyết tâm cao độ, có sự thống nhất cao về nhận thức, đồng thuận của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, qua đó sớm tạo ra sự đổi mới, phát triển nhanh, bền vững cho cả vùng Tây Nguyên nói chung cũng như Lâm Đồng nói riêng.
Đích đến cụ thể của chương trình hành động trong thời gian đến năm 2030 là đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tự cân đối ngân sách và có điều tiết nộp về ngân sách Trung ương; là khu vực kinh tế động lực của Tiểu vùng Nam Tây Nguyên trên cơ sở liên kết vùng, nội vùng.
Không hướng tới đích đến bằng những chương trình hành động theo giai đoạn. Lâm Đồng chọn cách đưa ra những giải pháp ngắn hạn, linh động phù hợp với tình hình thực tế trong từng mục tiêu ngắn hạn, qua đó giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế sớm bộc lộ trong quá trình triển khai. Điều này có thể được minh chứng thông qua chủ đề năm 2023 của Lâm Đồng là: “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá, hiệu quả; kỷ cương, nêu gương, bản lĩnh, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”.
Đây không phải là những câu khẩu hiệu suông, nếu biết năm 2023 được Lâm Đồng xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đây cũng là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đẩy nhanh việc thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Để có thể cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Lâm Đồng chọn mục tiêu theo từng năm để có thể hành động quyết liệt, đạt được hiệu quả trong từng chương trình hành động.
Người dân Lâm Đồng vẫn có cách so sánh ví von: Nhiệm kỳ 2020-2025 là “Nhiệm kỳ của những con đường”. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế, bởi bên cạnh ngành công nghiệp không khói - du lịch, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh đã trở thành thương hiệu của Lâm Đồng thì việc kết nối giao thông luôn là chìa khóa tạo ra sự thông thương. Không tính các tuyến đường liên vùng, quốc lộ cần nguồn vốn đầu tư lớn và sự phê duyệt của cấp bộ, của Chính phủ. Thông qua nhiều chương trình đầu tư, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, hệ thống giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn đã được tỉnh Lâm Đồng đầu tư phủ kín đến những nơi xa xôi nhất. Hàng hóa nông sản của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thu mua đưa đến những điểm tập kết dễ dàng, đồng thời, cung ứng cho các thị trường lớn như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung Bộ một cách thuận lợi. Điều này không đơn thuần là bữa cơm đủ đầy của người dân nông thôn, đó còn là cách nhanh nhất để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, giúp Lâm Đồng sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030.
Nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh đã trở thành thương hiệu của Lâm Đồng |
• “QUẢ NGỌT” TỪ SỰ QUYẾT TÂM
Sự chủ động và linh hoạt để đối phó với từng vấn đề nảy sinh, kiên trì các mục tiêu dù bị tác động, ảnh hưởng không nhỏ của các điều kiện khách quan là nguyên nhân đã làm nên những thay đổi mang tầm chiến lược của Lâm Đồng trong những năm gần đây.
Có thể thấy rõ điều này sau khi cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng trở lại với trạng thái hoàn toàn mới sau đại dịch COVID-19. Năm 2022, chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của Lâm Đồng với 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành, trong đó có 6 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 của tỉnh có sự tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nếu như từ năm 2011 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ dao động từ 6-8%, nhưng năm 2022, GRDP của địa phương này đã tăng lên 2 con số. Theo ước tính, tổng sản phẩm trên địa bàn Lâm Đồng năm 2022 theo giá so sánh năm 2010 tăng lên mức kỷ lục với 12,09% so với cùng kỳ, xếp thứ 9 cả nước và đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Năm 2022, tổng sản phẩm theo giá hiện hành tại Lâm Đồng đạt hơn 103 ngàn tỷ đồng, tăng 17,54% so với năm 2021. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 27,3%; năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành khoảng trên 130 triệu đồng/lao động/năm. Cũng theo khảo sát sơ bộ về mức sống dân cư, Lâm Đồng đạt thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 75 triệu đồng, tăng 8,6 triệu đồng so với năm 2021; thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,87%, giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ; tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 0,6% (4.814 người/1.321.800 dân số toàn tỉnh).
Năm 2023, bên cạnh chủ đề đã được xác định, Lâm Đồng cũng tập trung vào phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường với đặc thù vốn có về cảnh quan khí hậu. Các nhiệm vụ trọng tâm được Lâm Đồng tiếp tục thực hiện đó là phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng địa phương để tạo ra sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu tăng trưởng GRDP theo giá so sánh 2010 từ 7,5 đến 8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 83,4 đến 84,5 triệu đồng.
Những số liệu nêu trên thể hiện những đổi thay, sự phát triển theo đúng với lộ trình của Lâm Đồng và với những quan điểm mà Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị yêu cầu.
• ĐỂ LÂM ĐỒNG THỰC SỰ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CỦA TÂY NGUYÊN
Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Lâm Đồng vào cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Lâm Đồng có vị trí chiến lược của khu vực Tây Nguyên, tỉnh có lợi thế về diện tích, điều kiện tự nhiên tốt, khí hậu ôn hòa. Lâm Đồng cũng là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; sở hữu nhiều văn hóa phi vật thể quý giá (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Mộc bản Triều Nguyễn; Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang và các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa); trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh là “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt với điểm đến không chỉ của du khách trong nước; hệ thống giao thông thuận lợi, khá đồng bộ; hệ thống giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có quy mô với 3 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp chuyên nghiệp và hơn 60 cơ sở đào tạo nghề cùng 3 viện nghiên cứu...
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ rõ những mặt hạn chế của Lâm Đồng như kết nối vùng, công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên; chuyển đổi giống cây trồng có xu hướng chậm lại; các sản phẩm du lịch còn yếu.
Phân tích của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy một Lâm Đồng đang bị cản trở bởi chính những thế mạnh để có thể tạo ra một cuộc “lột xác” ngoạn mục. Vấn đề này, thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng soi chiếu ở góc độ toàn cảnh mới thấy rõ được nguyên nhân.
Trong những nhiệm kỳ gần đây, dù đã tập trung, nhưng công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa tạo được sự thống nhất và chốt được phương án khả thi mang tính vĩ mô. Chính điều này đã phần nào kìm hãm sự phát triển nhanh của Lâm Đồng không được như mong đợi. Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Công tác quy hoạch là nhiệm vụ khó, phức tạp, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Lâm Đồng. Việc lập quy hoạch phải làm sao khai thác được hết các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của mình, nhận định rõ các điểm nghẽn, từ đó đưa ra tầm nhìn, phân bổ các nguồn lực, sắp xếp không gian, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng quy hoạch cần theo hướng tư duy mới, kiến tạo phát triển chứ không chỉ đối phó với thực trạng”. Chính Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã từng nêu vấn đề với Lâm Đồng: “Mong muốn thì nhiều, khát vọng thì lớn, thời gian thì có hạn, sức lực chưa nhiều, cho nên phải cân nhắc chọn cái nào làm trước, cái nào làm sau, ví dụ như quy hoạch phải đi trước một bước”.
Vấn đề này cũng là trăn trở của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua. Theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận: “Lâm Đồng nhận thức được sự quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự phát triển. Coi quy hoạch là kim chỉ nam cho việc hoạch định các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới”. “Chỉ có một đồ án quy hoạch tốt mới giúp cho tỉnh khơi thông các điểm nghẽn, phát triển tương xứng với tiềm năng và thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và tỉnh Đảng bộ”, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận nhấn mạnh.
Lâm Đồng được coi là cửa ngõ thông ra biển của khu vực Trung và Nam Tây Nguyên, điểm kết nối của 3 vùng kinh tế: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Với vị trí quan trọng đó, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã xác định đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện của cả nước, trở thành khu vực kinh tế động lực của Nam Tây Nguyên và xa hơn nữa như mong muốn của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “Động lực và cực tăng trưởng của Tây Nguyên”. Để đạt được mục tiêu đó trong tương lai gần không có con đường nào khác, Đảng bộ và Nhân dân Lâm Đồng hơn lúc nào hết cần khơi dậy tinh thần tự lực, tự vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, bằng tình yêu với mảnh đất Nam Tây Nguyên, bằng trí tuệ và bản lĩnh của người dân Lâm Đồng. Đó là những điều đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin