TÁC PHẨM DỰ THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG:
Đường lớn đã mở cho Tây Nguyên phát triển (Bài cuối)

TUẤN LINH - NGỌC NGÀ - DIỄM THƯƠNG  06:32, 18/10/2023
Tây Nguyên chỉ thực sự đột phá khi có đường lớn để liên kết vùng
Tây Nguyên chỉ thực sự đột phá khi có đường lớn để liên kết vùng

Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển vùng Tây Nguyên phải theo hướng liên kết vùng, nội vùng, liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Duyên hải Trung Bộ; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng; lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực cho phát triển vùng. Đồng thời, xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng. Và đặc biệt, Tây Nguyên phải tận dụng lợi thế để biến đó thành cơ hội phát triển; chủ động thu hút đầu tư, không trông chờ, ỷ lại Trung ương, tự lực phấn đấu vươn lên.

PHẢI “MỞ ĐƯỜNG” LỚN CHO TÂY NGUYÊN

Để phát triển Tây Nguyên, Nghị quyết 23 cũng đã xác định rõ quan điểm “Lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng” và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng với cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế”. Một trong những vấn đề lớn nhất với Tây Nguyên trong suốt thời gian vừa qua chưa tạo được sự đột phá, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thu hút đầu tư hạn chế, chính là vì Tây Nguyên vẫn chưa có đường lớn để liên kết vùng.

Hạ tầng giao thông giữa các địa phương chất lượng kém, thiếu tính đồng bộ, ít trục liên kết đã kìm hãm quá trình lưu thông, giao thương. Ở tầm quản lý vĩ mô, các tỉnh Tây Nguyên cũng thiếu các chính sách, cơ chế đột phá trong việc huy động và nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông; việc kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP các dự án giao thông vận tải cũng chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến suốt một thời gian dài, Tây Nguyên không có không gian mở, thiếu tính kết nối.

Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên khai trương Trung tâm Điều hành thông minh UBND tỉnh, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh
Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên khai trương Trung tâm Điều hành thông minh UBND tỉnh, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh

Do đặc điểm về địa hình, nên Tây Nguyên không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt (đặc biệt là đường sắt vận tải hàng hóa), chỉ có hàng không và đường bộ là phương thức vận tải phù hợp. Toàn vùng Tây Nguyên hiện mới chỉ có 19 km đường cao tốc và hơn 3.100 km quốc lộ nối liền với các tỉnh Duyên hải miền Trung, các cảng biển, Đông Nam Bộ, cũng như hai tuyến QL18B, 78 để thông thương với Đông bắc Campuchia và Nam Lào.

Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù đã được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư khoảng 95.655 tỷ đồng giúp cho hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên có sự cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu thông. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, bởi các trục ngang kết nối có mật độ thấp, quy mô nhỏ, đèo dốc, xuống cấp nên tốc độ khai thác chỉ đạt từ 40-50km/h, mới chỉ đáp ứng được yêu cầu vận tải thông thường. Việc kết nối với các vùng lân cận, đến sân bay, cảng biển chưa có cao tốc (chỉ có cao tốc nội vùng Liên Khương - Prenn (Lâm Đồng) khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19 km), do vậy hệ thống giao thông chưa trở thành tiền đề, động lực để khai thác đặc điểm, tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên. 

Phát triển Tây Nguyên, đánh thức vùng đất đai trù phú này trở thành một vùng kinh tế phát triển, tạo được sự đột phá bắt buộc hệ thống giao thông của vùng đất này phải được khai mở, phải có sự kết nối theo đúng với tư duy “Muốn làm giàu thì phải làm đường”.

Tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển, thoát khỏi vị thế vùng chậm phát triển, nhất thiết phải triển khai các tuyến cao tốc đường bộ, nhằm kết nối Tây Nguyên với các vùng lân cận, cảng biển, sân bay, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết số 23 Bộ Chính trị đề ra. Bởi thực tế đã chứng minh, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, tạo nguồn thu lớn cũng như tạo thế và lực mới cho các địa phương. 

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng nhu cầu đầu tư vốn cho các tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên dự kiến vào khoảng 156.000 tỷ đồng. Trước mắt, đến năm 2030 sẽ hoàn thành 5 tuyến cao tốc, bao gồm: Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương. Những tuyến đường này sẽ mang lại tín hiệu tích cực và lạc quan cho tương lai của Tây Nguyên.

Nghị quyết 23 được ban hành là tình yêu của cả nước dành cho Tây Nguyên. Đó là yếu tố “cần”. Nhưng việc Tây Nguyên chủ động chuyển động thực hiện có hiệu quả Nghị quyết mới chính là yếu tố “đủ”. Cán bộ, đảng viên và 6 triệu người dân của 47 dân tộc anh em đang chung sống nơi mảnh đất Tây Nguyên phải từng ngày, từng giờ đi lên bằng nội lực, tự mở “đường lớn” cho mình bằng yếu tố nội sinh, tạo ra sinh kế bền vững để bảo đảm thế trận lòng dân, đó mới là con đường gần nhất để Tây Nguyên phát triển.

• BẢO ĐẢM VỮNG CHẮC THẾ TRẬN LÒNG DÂN VÀ TẠO SINH KẾ BỀN VỮNG

“Để Tây Nguyên bình yên, phát triển” luôn là mong muốn lớn nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước. Quan điểm trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị cũng đã xác định rõ vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và văn hóa.

Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, nhắc lại câu chuyện xảy ra vụ việc bất ổn ở Tây Nguyên 20 năm trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Chúng ta phải ổn định tình hình chính trị trên cơ sở đó phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Hiện nay, tình hình thay đổi, chúng ta chuyển trạng thái, phát triển kinh tế - xã hội để ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội Tây Nguyên.

“Làm tốt kinh tế - xã hội thì góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội và ngược lại, tình hình ổn định tốt thì mới yên tâm phát triển kinh tế - xã hội. Đây là hai mặt song song của quá trình nhưng tùy tình hình mà thay đổi thứ tự ưu tiên”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm.

Việc phát triển Tây Nguyên
phải luôn lấy con người làm trung tâm chủ thể, lấy văn hóa làm nền tảng
Việc phát triển Tây Nguyên phải luôn lấy con người làm trung tâm chủ thể, lấy văn hóa làm nền tảng

Gần đây nhất, vụ khủng bố diễn ra tại Đắk Lắk ngày 11/6 vừa qua với sự liều lĩnh, manh động, các đối tượng đã giết hại nhiều cán bộ và người dân, gây ra sự bất ổn trong xã hội, làm phức tạp tình hình Tây Nguyên. Cùng với vụ tấn công, những đối tượng phản động, các thế lực thù địch liên tiếp tung những luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất vụ việc, kích động để hướng tới mục tiêu chia rẽ dân tộc, tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân. Sự việc đau lòng này lại một lần nữa khẳng định việc đảm bảo vững chắc thế trận lòng dân luôn rất quan trọng dù ở bất cứ thời điểm, giai đoạn nào.

Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị sau 20 năm thực hiện đã đem đến sự đổi thay to lớn cho Tây Nguyên (như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu trong loạt bài viết này). Thành tựu ấy, là minh chứng rõ nét nhất cho sự chung tay, đồng lòng của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Tây Nguyên trong suốt một chặng đường dài phải đánh đổi bằng cả nước mắt, mồ hôi và máu xương.

Tuy nhiên, trước vận hội mới của đất nước, Tây Nguyên lại chưa có được sự đột phá đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại. Các tỉnh Tây Nguyên hiện chưa tự cân đối ngân sách địa phương; GRDP bình quân thấp nhất trong các vùng kinh tế. Tây Nguyên vẫn là “tâm nghèo” của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 8%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; chỉ số phát triển con người (HDI) thấp nhất cả nước. Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp. Công tác chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình cả nước. Tình trạng di dân tự do ngày càng phức tạp, đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Tình trạng đất canh tác bị thu hẹp đang có xu hướng tăng do suy thoái chất lượng đất; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa được sử dụng hiệu quả, tranh chấp đất xảy ra liên miên...

Tây Nguyên cũng là trọng điểm của Việt Nam dễ bị tổn thương nhất bởi rủi ro khí hậu, nông nghiệp và tài nguyên nước là nền tảng sinh kế của khoảng 64% người dân Tây Nguyên, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số chiếm khoảng 36,5% đến hơn 39% dân số của vùng. Hiện tại, chỉ có 27,8% diện tích đất nông nghiệp của khu vực được tưới tiêu và nông dân buộc phải khai thác nước ngầm để tưới.

Chính những lực cản này đã khiến Tây Nguyên đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong lộ trình phát triển để thoát ra khỏi vị thế vùng chậm phát triển nhất cả nước. Để xây dựng gốc rễ bền cho những hoạch định mang tầm vĩ mô trong tương lai, trước hết việc cần làm của các tỉnh Tây Nguyên phải có được sự thống nhất trong quy hoạch tích hợp. Đây là quá trình quan trọng giúp chuyển tầm nhìn chính trị mạnh mẽ của các cấp cao thành các hành động thông qua quy hoạch tổng thể của vùng cũng như cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất các cấp. Với lợi thế nông nghiệp, việc xây dựng năng lực thích ứng và cải thiện sinh kế của người dân địa phương cần tăng cường tập trung vào các hành động nhằm chuyển đổi ngành Nông nghiệp sang thích ứng và chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu. Những điều này sẽ giúp cho các tỉnh Tây Nguyên đạt được nhiều mục tiêu như: cải thiện sinh kế, thông qua việc xây dựng và đưa các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp, trồng rừng và du lịch sinh thái; duy trì và nâng cao chất lượng sản xuất hàng hóa nông nghiệp thông qua cải tiến phương thức canh tác, tổ chức sản xuất và chuỗi cung ứng; tăng cường chất lượng các hệ sinh thái bao gồm giảm mất mát và suy thoái rừng tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái ưu tiên. Không những thế, với tỷ lệ nghèo cao ở Tây Nguyên, việc tăng tỷ lệ bảo trợ xã hội và tiếp cận dịch vụ y tế là rất quan trọng. Để đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững cần phát triển hệ thống bảo trợ xã hội tốt hơn bao gồm mạng lưới an sinh xã hội phối hợp với các chương trình xã hội, tăng mức hưởng lợi và cơ hội việc làm cho người dân tại chỗ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và người cao tuổi. 

Hơn thế nữa, việc phát triển Tây Nguyên phải luôn lấy con người làm trung tâm chủ thể, lấy văn hóa làm nền tảng, các chính sách phải luôn hướng về người dân để người dân cùng tham gia xây dưng chính sách. Nói theo quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Phát triển đột phá nhưng phải bao trùm, toàn diện, bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau...”, đó mới là cách tốt nhất để đảm bảo vững chắc thế trận lòng dân, tập trung toàn lực cho sự phát triển và ngược lại.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị như chiếc “chìa khóa” mở ra “kho báu” tiềm năng của Tây Nguyên. Không thể “Cầm vàng lại để vàng rơi”, cán bộ, đảng viên và 6 triệu người dân Tây Nguyên cần phải biết chắt chiu từng cơ hội, chớp lấy thời cơ, vận hội để sớm đưa Tây Nguyên trở thành vùng Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững trong sự kỳ vọng của cả nước.