Trẻ em thôn Hang Hớt, xã Mê Linh được đến trường với cơ sở vật chất trang bị đầy đủ |
Trẻ em thôn Hang Hớt, xã Mê Linh được đến trường với cơ sở vật chất trang bị đầy đủ |
Bài 1: “Nhịp cầu” vững chắc nối ý Đảng - lòng dânAn ninh chính trị được giữ vững chính là điều kiện tiên quyết để bà con Nhân dân yên tâm dựng xây cuộc sống. Ở 478 thôn, tổ dân phố vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những đảng viên, già làng, người có uy tín được ví như những ngọn lửa không tắt, soi sáng chủ trương, đường lối của Đảng và gương mẫu thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước để Nhân dân yên tâm, vững vàng bước đi trên con đường đổi mới. |
• NGỌN LỬA SÁNG CỦA THÔN BUÔN
Thôn Hang Hớt, xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) mùa này, 180 nóc nhà nằm yên bình giữa màu xanh mướt của những vườn dâu tằm, cà phê, bơ, rau củ,... Trong những ngôi nhà khang trang, bà con chăm chút cho đám tằm nhả tơ, đợi ngày kết kén. Bên kia lớp học, rộn ràng tiếng đám trẻ ê a đánh vần, đùa vui. Niềm hạnh phúc lấp lánh trong ánh mắt người dân khi những ngày thiếu đói đã lùi vào dĩ vãng.
Đứng giữa khung cảnh yên bình này, ông Ha Pol - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xã Mê Linh nhớ lại hình ảnh trái ngược với cảnh hỗn loạn một ngày tháng 8 cách đây 7 năm, khi Hang Hớt trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong lẫn ngoài tỉnh vì xảy ra vụ chống đối, hành hung có tính chất phức tạp. Gần 100 người dân đã bao vây, chặn đường, sử dụng hung khí hành hung lực lượng cán bộ công an, kiểm lâm địa phương đang đưa nhóm người chặt thông, lấn chiếm đất rừng làm rẫy ở Tiểu khu 243A (xã Phi Tô) về UBND xã lập biên bản; vụ việc khiến một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Sau sự vụ đó, chính quyền địa phương đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp ổn định tư tưởng bà con, đảm bảo an ninh chính trị trong khu vực vùng đồng bào DTTS.
Thời điểm xảy ra vụ việc, ông Ha Pol, khi đó là Bí thư Chi bộ thôn Hang Hớt, đang dự cuộc họp của UBND xã. Nghe thông tin, ông vội xin phép về thôn, nhưng đến nơi thì sự đã rồi. Là đảng viên và là người có uy tín ở địa phương, ông nhận phần trách nhiệm về mình khi để xảy ra sự mất ổn định này. Mười mấy ngày sau đó, tại buổi tọa đàm Phát huy vai trò người tiêu biểu uy tín các DTTS Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk, trước toàn thể đại biểu là hàng trăm già làng, trưởng bản, người có uy tín đến từ các tỉnh, thành, ông Ha Pol nghiêm túc khẳng định: “Bản thân tôi xin hứa sẽ không bao giờ để xảy ra sự vụ như vậy lần thứ hai”.
Như lời hứa, nhiều tháng ròng rã, ông Ha Pol cùng cán bộ thôn, xã lặn lội đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, gần gũi, nhẹ nhàng, khéo léo tuyên truyền, giúp bà con nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông tự mình đặt ra chỉ tiêu mỗi ngày Chủ nhật sẽ đến thăm từ 2 đến 3 hộ. Những vấn đề bức xúc trong dân, ông nắm bắt và kịp thời đề xuất xã, huyện hướng giải quyết. Mưa dầm thấm lâu, chỉ sau một thời gian ngắn, tư tưởng của người dân thôn Hang Hớt cũng như các thôn đồng bào DTTS ở xã Mê Linh đã ổn định trở lại, cuộc sống ngày càng ấm no, phát triển...
Còn khi về với huyện Lạc Dương - địa phương có ngọn LangBiang hùng vĩ, hầu hết bà con đều biết đến cái tên Păng Ting Uôk, không chỉ bởi ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng từ huyện tới tỉnh, mà còn vì sau khi về hưu, ông tiếp tục tích cực tham gia công tác ở địa phương, nhận được sự tin yêu của bà con người K’Ho nơi đây. Đã đi qua 73 mùa trăng, ông vẫn đang hằng ngày áp dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để tuyên truyền, giúp bà con nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là các chính sách dân tộc. Ông chia sẻ: “Để bà con dễ hiểu, tôi chủ động chắt lọc nội dung thông tin ngắn gọn, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của bà con như giải tỏa nhà ở, hiến đất mở đường. Việc tuyên truyền, vận động cần phải nhẹ nhàng, nhẫn nại phân tích để bà con hiểu; không nôn nóng, áp đặt mà cần vận động trên tinh thần vừa thuyết phục vừa động viên”. Nhờ vậy, mà nhiều năm nay, bà con ở tổ dân phố Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương đều đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, không phân biệt dân tộc, tôn giáo.
Cũng giống như ông Ha Pol hay ông Păng Ting Uôk, trên khắp các địa phương ở vùng đất Lâm Đồng, nhất là ở 78 xã và 478 thôn, tổ dân phố có trên 15% đồng bào DTTS sinh sống, những người có uy tín đã góp sức lớn trong việc ổn định, phát triển đời sống vùng đồng bào DTTS.
• CÁNH TAY NỐI DÀI CỦA ĐẢNG
Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có 451 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Với 25,72% dân số là đồng bào DTTS, những năm qua, để ổn định tình hình chính trị, đời sống vùng đồng bào DTTS cũng như củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, các huyện, thành trên toàn tỉnh đã luôn quan tâm, chú trọng đến việc phát huy vai trò của lớp già làng, trưởng bản, người có uy tín.
Ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng nói rằng, trong suốt dặm dài năm tháng dựng xây và phát triển tỉnh Lâm Đồng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã luôn là đội ngũ gương mẫu đi đầu trong các phong trào của vùng đất Nam Tây Nguyên; là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương tới các thành viên trong gia đình, dòng họ, thôn bản.
Nhiều người có uy tín đã tham gia ý kiến thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể, cộng đồng. Những con đường bê tông sạch đẹp, nhà văn hóa khang trang, môi trường nông thôn xanh, mát… trong thành tích về đích nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh không thể không nhắc đến những đóng góp của người có uy tín.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền của người có uy tín nên Nhân dân các dân tộc luôn tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những tập tục không còn phù hợp dần dần được xóa bỏ. Cùng với đó là phát huy những giá trị tốt đẹp trong ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư... Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường. Công tác an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được duy trì ổn định.
Khẳng định vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Những năm qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã hỗ trợ chính quyền địa phương rất nhiều trong việc phối hợp tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với bà con. Đặc biệt, thông qua đội ngũ này, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ cấp cở sở đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng chính đáng của bà con vùng đồng bào DTTS. Từ đó, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh từ cơ sở”.
Để phát huy vai trò của người có uy tín tại các địa phương, ông Ya Gương cho biết, cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách như thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết, ốm đau; cấp ấn phẩm báo, tạp chí; tuyên dương, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu, các địa phương còn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người có uy tín, chức sắc tôn giáo, từ đó có hướng quan tâm, hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra, hằng năm, cấp tỉnh và huyện đều tổ chức cho người có uy tín tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh, tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc, kỹ năng hòa giải. Các ban, ngành, địa phương cũng lồng ghép phổ biến, giúp người có uy tín nắm bắt kịp thời những thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện các Chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện tại địa phương.
Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà từ xứ lúa Cát Tiên đến vùng rau Đơn Dương, từ mảnh đất Di Linh anh hùng đến phía Đông Bắc Lâm Đồng, nơi giàu bản sắc văn hóa và đang đón nhận những dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao - Lạc Dương,... mỗi thôn, buôn đều có những cái tên uy tín do chính bà con Nhân dân bầu ra, tin yêu và tự hào. Họ như minh chứng đại diện rõ ràng nhất cho tấm lòng sắt son của người K’Ho, Mạ, Churu, Tày, Nùng,... với Đảng, với Bác Hồ.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin