TÁC PHẨM DỰ THI VIẾT VỀ ĐỀ TÀI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH LÂM ĐỒNG:
Nông thôn mới thông minh - bước tiến mới ở nông thôn (Bài 1)

DIỄM THƯƠNG 02:45, 02/10/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% số xã trong cả nước đạt chuẩn NTM, trong đó khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, có tiêu chí về xây dựng ít nhất một mô hình thôn (xóm) NTM thông minh. Là 1 trong 4 huyện trong cả nước được chọn xây dựng NTM kiểu mẫu, Đơn Dương đang đẩy mạnh xây dựng các thôn, xã hiện đại, thông minh.

 

Bài 1: Hình hài những thôn thông minh

 

Để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã phải hoàn thiện 3 nhóm tiêu chí bao gồm: Thu nhập bình quân đầu người, có ít nhất 1 "thôn thông minh" và lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu. Trong đó, "thôn thông minh" phải hội đủ các điều kiện: Có hạ tầng mạng internet băng rộng, cáp quang phủ sóng trên 80% hộ gia đình phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G đạt 100%; có mạng wifi miễn phí tại Nhà Văn hóa thôn hơn 90%; người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt hơn 70%; người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử. Và, hình hài những thôn thông minh đã và đang dần hình thành ở các xã, thị trấn của huyện nông thôn mới Đơn Dương.

Đoàn viên, thanh niên huyện Đơn Dương hỗ trợ thực hiện việc đăng ký, kích hoạt và cài đặt tài khoản định danh điện tử cho người dân. Ảnh: Hương Ly
Đoàn viên, thanh niên huyện Đơn Dương hỗ trợ thực hiện việc đăng ký, kích hoạt và cài đặt tài khoản định danh điện tử cho người dân. Ảnh: Hương Ly

• THÔN, XÃ THỜI 4.0

Là địa bàn đầu tiên của huyện Đơn Dương được chọn xây dựng Mô hình “Thôn thông minh” - thôn Quảng Hòa, xã Quảng Lập và chỉ sau 6 tháng từ ngày chính thức phát động đã được “số hóa” thực tế. Trưởng thôn Văn Hữu Dự vừa thoăn thoắt mở chiếc điện thoại thông minh trên tay, vừa chỉ cho chúng tôi thấy thôn, xóm giờ đã “thông minh” ra sao. Theo ông Dự, Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn đã cập nhật các trang zalo, facebook… để kết nối người dân trong thôn, cũng là kênh giao tiếp giữa Ban điều hành thôn và người dân. “Bây giờ, trao đổi, phổ biến các chương trình mới chỉ cần vài thao tác trên máy là xong” - Trưởng thôn Văn Hữu Dự vui vẻ nói và cho biết thêm, “nhiều công việc liên quan đến quản lý địa bàn hiện nay được thực hiện qua điện thoại, như việc điều chỉnh hệ thống chiếu sáng, loa phát thanh”.

Toàn thôn Quảng Hòa hiện có 210 hộ với 938 khẩu, 70% người dân sản xuất nông nghiệp, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao. Hầu hết các gia đình trong thôn đều có ít nhất 1 điện thoại thông minh, các gia đình đều lắp đặt mạng internet tốc độ cao. Cách người dân ở Quảng Hòa tiếp cận công nghệ và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày cũng tự nhiên, gần gũi như cách mà Ban vận động xây dựng Mô hình Thôn thông minh của thôn tuyên truyền, dân vận đến từng nhà. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” trở nên rõ nét và thực chất ngay từ các thôn, xóm. 

Quyết định 319/QĐ-TTg của Chính phủ quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gồm các tiêu chuẩn: 

- Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020, phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

- Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm.

- Có ít nhất một mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.

- Đạt tiêu chí quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất (sản xuất, giáo dục, văn hóa, du lịch, môi trường an ninh trật tự, chuyển đổi số...) mang giá trị đặc trưng của địa phương, do UBND cấp tỉnh ban hành.

Bí thư Chi bộ thôn Quảng Hòa - Phan Tường Vĩ cũng cho biết: Hiện tại, Ban vận động xây dựng Mô hình thôn thông minh thôn Quảng Hòa cũng đang triển khai hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể đăng ký tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như postmart.vn, agri-postmart.vn... để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong năm 2023, thôn cũng lắp đặt thêm camera an ninh, phủ sóng hệ thống đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng tất cả các tuyến đường, điều khiển bằng điện thoại thông minh. 

Ông Trương Công Hiếu - Chủ tịch UBND xã Quảng Lập chia sẻ: Để bổ sung giữ vững tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025, từ tháng 3/2023, UBND xã Quảng Lập đã triển khai xây dựng Mô hình Thôn thông minh. Trong đó phân công thực hiện 6 tiêu chí Mô hình Thôn thông minh giai đoạn 2021-2025, gồm hạ tầng kết nối internet, sử dụng thiết bị thông minh, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường. 

Trên các con đường dẫn vào thôn Quảng Hòa, những mảnh vườn nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng viễn thông đầu tư bài bản, thanh toán hóa đơn qua mạng, kết nối thông tin thời sự qua các trang mạng dùng chung… mới thấy rõ con đường “số hóa” đã và đang đi vào trong đời sống hàng ngày của bà con nơi đây. 

Mô hình thôn thông minh là 1 trong 4 tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu. Để đạt tiêu chí này, thôn cần có ít nhất một mô hình ứng dụng chuyển đổi số để sản xuất hàng hóa, ứng dụng quản lý tự động hóa. Trong đó, thôn có tổ công nghệ số cộng đồng; đại diện thôn có ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh kiến nghị của người dân trong cộng đồng thôn; nhà văn hóa thôn được trang bị mạng wifi miễn phí; 100% trụ sở cơ quan, tổ chức và hộ dân trong thôn được gắn địa chỉ số trên nền tảng địa chỉ số Việt Nam (Vpostcode); 100% sản phẩm OCOP của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử; có ít nhất 1 mô hình ứng dụng chuyển đổi số vào một trong các lĩnh vực.

Nhiều địa phương trên cả nước gặp khó khăn trong xây dựng NTM thông minh, khi điều kiện cơ sở vật chất tại nhiều hộ gia đình chưa đồng đều, ý thức trách nhiệm trong sử dụng mạng internet, camera chưa cao và chưa khai thác được lợi thế của internet trong lao động sản xuất, thế nhưng về Quảng Hòa, Quảng Lập mới thấy hình hài những thôn thông minh đã dần được hình thành, phát huy hiệu quả của chuyển đổi số trong đời sống Nhân dân.

Hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt
Hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt

XÂY DỰNG THÔN THÔNG MINH TRÊN NỀN TẢNG SỐ

UBND huyện Đơn Dương đặt mục tiêu xây dựng và công nhận ít nhất mỗi xã 1 Mô hình Thôn thông minh trong quý IV/2023 đối với 3 xã Lạc Xuân, Tu Tra và Đạ Ròn; xây dựng và công nhận ít nhất mỗi xã 1 Mô hình Thôn thông minh giai đoạn 2023-2024 đối với 3 xã đã được công nhận xã NTM kiểu mẫu là xã Lạc Lâm, Quảng Lập và Ka Đô để bổ sung giữ vững tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đức Đại - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Huyện định hướng cho các địa phương ngay từ khi bắt đầu xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu đã xây dựng các tiêu chí của NTM thông minh. Các tiêu chí, chỉ tiêu mà gắn được với chuyển đổi số, hiện đại hóa, gắn với công nghệ thông tin huyện chủ trương phải bắt tay vào làm ngay, không để người dân nằm ngoài xu thế của cuộc Cách mạng 4.0. Chuyển đổi số được xem là giải pháp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, sinh thái, có hiệu quả cao, hướng đến nông thôn hiện đại, thông minh. Mô hình chuyển đổi số đang được triển khai, nhân rộng nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tiếp cận ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp theo đúng kiểu mẫu mà huyện đã chọn “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao”.

Hiện nay, hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh trên địa bàn huyện đều đã thành lập trang thông tin điện tử trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện. Cùng với sự hỗ trợ của xã, các thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính... Ngoài ra, các xã, thị trấn toàn huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân mở tài khoản, thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh quảng bá, mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Song song đó, tại các xã đang xây dựng Mô hình Thôn thông minh đều thực hiện công khai thông tin số điện thoại của cán bộ chính quyền xã cho người dân trên địa bàn. Các tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng địa chỉ số. Hiện nay, 100% cán bộ xã sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, sử dụng ứng dụng zalo, fanpage, facebook để chia sẻ thông tin, kết nối, tương tác và nhận phản hồi của người dân. 100% số thôn ở tất cả các xã đều đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số và giúp người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử. 

Hạ tầng bưu chính, viễn thông của huyện hiện nay đảm bảo được nền tảng phát triển số hóa, với 100% các xã có điểm bưu chính phục vụ người dân. 100% các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã thực hiện chuyển giao tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. 100% xã, thị trấn đã được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G.

Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất sử dụng chung; 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ huyện đến cơ sở có hạ tầng đảm bảo công tác quản lý và điều hành qua môi trường mạng.

Kinh tế số cũng có nhiều bước tiến, huyện đã đến các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số; hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (15/15 sản phẩm được đưa lên trang https://nongsandalatlamdong.vn/; sử dụng hóa đơn điện tử (304/304 doanh nghiệp); đẩy mạnh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và trong các bệnh viện, cơ sở y tế, chợ 4.0.

Trong xây dựng NTM thông minh, địa phương cũng đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, sinh thái, hiệu quả. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã ứng dụng cộng nghệ tự động hóa để theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. 

Thời đại công nghiệp 4.0 không chỉ được coi là một xu hướng hiện đại, mà còn được xem là cuộc cách mạng mang đến nhiều cơ hội phát triển một cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Tận dụng cơ hội đó trong xây dựng nông thôn mới hướng tới xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn một cách hiệu quả và bền vững là hướng đi mà huyện Đơn Dương đang chọn để phát triển bền vững, để ở đó, mọi tiện ích của chuyển đổi số đều là dân làm, dân hưởng thụ.    

(CÒN NỮA)