Bài 2: Số hóa ở huyện nông thôn mới kiểu mẫu
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đồng bộ từ tỉnh, huyện đến xã; tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (mạng internet không dây - wifi) miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn… Đó là bức tranh số hóa mà huyện Đơn Dương đã và đang xây dựng trong tiến trình về đích NTM kiểu mẫu.
Trung tâm Điều hành thông minh - IOC huyện Đơn Dương |
• “NÃO BỘ SỐ” CỦA NÔNG THÔN MỚI THÔNG MINH
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Đơn Dương chính thức đi vào hoạt động là tiền đề quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, tiến tới xây dựng nền kinh tế số, xã hội số của địa phương nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Trung tâm Điều hành thông minh Đơn Dương gồm 2 phân hệ chính: Phân tích và khai thác dữ liệu tập trung; theo dõi và giám sát các hoạt động của toàn huyện. Sau khi đi vào vận hành, dữ liệu Trung tâm Điều hành thông minh IOC đã tích hợp, kết nối được 9 lĩnh vực cụ thể về: Kinh tế - xã hội, giám sát thủ tục hành chính công, kết nối người dân, chính quyền, quản lý du lịch - lưu trú, giáo dục, y tế, quản lý hộ kinh doanh, kết nối hệ thống quy hoạch và kết nối hệ thống quản lý thu ngân sách. Dữ liệu của 9 lĩnh vực này được cập nhật liên tục về trung tâm. Thông qua công nghệ hiện đại như phân tích dữ liệu thông minh, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu IOC được thể hiện thành các dạng biểu đồ, thống kê, báo cáo… giúp cho lãnh đạo và chuyên viên có thể khai thác dễ dàng, nhanh chóng và có hiệu quả.
Dữ liệu của các lĩnh vực này được cập nhật liên tục về trung tâm qua 2 hình thức: Tự động kết nối dữ liệu với các phần mềm trong hệ sinh thái đô thị thông minh mà huyện đã triển khai trong suốt thời gian vừa qua, gồm: Phần mềm một cửa điện tử, quản lý văn bản, phần mềm quản lý giáo dục, quản lý y tế, quản lý thuế… Được cập nhật định kỳ và thường xuyên bởi chuyên viên các phòng, ban và các xã, thị trấn thông qua hệ thống báo cáo tập trung.
Việc cập nhật dữ liệu tự động thể hiện tính ưu việt của Trung tâm IOC, đó là khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu đa dạng, chính xác và theo thời gian thực. Từ đó, Trung tâm Điều hành thông minh IOC đã trở thành kho dữ liệu dùng chung của toàn huyện, có nhiệm vụ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, phòng, ban và các ngành khác nhau. Ngoài ra, thông qua công nghệ hiện đại như phân tích dữ liệu thông minh, trí tuệ nhân tạo dữ liệu IOC được thể hiện thành các dạng biểu đồ, thống kê, báo cáo… giúp cho lãnh đạo và chuyên viên có thể khai thác dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả. Trong giai đoạn tới, Trung tâm Điều hành thông minh IOC sẽ tiếp tục triển khai đào sâu khai thác dữ liệu sẵn có, mở rộng việc tích hợp dữ liệu với các hệ thống khác như môi trường, đất đai, nông nghiệp, du lịch…
Thông tin từ Công ty VNPT Lâm Đồng, Đơn Dương là địa phương thứ 8 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh IOC nhưng Trung tâm IOC của huyện Đơn Dương lại có một nét khác biệt so với các trung tâm ra mắt trước, đó là có riêng 1 module để theo dõi, điều hành về tiến trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Tại “não bộ số” các tiêu chí, chỉ số trong xây dựng nông thôn mới cũng được phân tích, cập nhật liên tục.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số trong xây dựng NTM góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nội dung chuyển đổi số nông thôn tập trung trên ba phương diện gồm: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. |
Trung tâm Hành chính công huyện Đơn Dương “số hóa” phục vụ người dân |
• ĐỘT PHÁ “SỐ HÓA” TRONG XÂY DỰNG NTM KIỂU MẪU
Trong công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các UBND huyện, thành phố trên toàn tỉnh, huyện Đơn Dương đã vươn lên từ vị trí thứ tư lên hạng nhất, với tổng điểm 68,32, chỉ số thành phần đạt 97,6%. Đây là dấu ấn “số hóa” trong điều hành, xây dựng huyện NTM kiểu mẫu mà Đơn Dương đã kiến tạo, người dân là chủ thể hưởng thụ các tiện ích của chuyển đổi số trong các thủ tục hành chính.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương - Dương Đức Đại: Để có được kết quả này, UBND huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, trong đó chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết, xử lý hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn đều ban hành kế hoạch cải cách hành chính để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ để không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác cải cách hành chính.
Đến nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện tại cấp huyện là 296 thủ tục, thực hiện tại Bộ phận Một cửa là 296 thủ tục. Tổng số TTHC thực hiện tại cấp xã là 165 thủ tục, thực hiện tại Bộ phận Một cửa là 165 thủ tục. Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND huyện đã giải quyết 1.499 hồ sơ TTHC (trong đó giải quyết đúng và trước hạn là 1.484 hồ sơ, giải quyết trễ hạn 15 hồ sơ), đạt tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước và đúng hạn là 98,7%. Tương tự, giải quyết TTHC ở cấp xã được 11.340 hồ sơ, đạt tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước và đúng hạn là 100%.
Huyện cũng đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện tích hợp TTHC thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, trong 6 tháng năm 2023 có 7.387 hồ sơ thanh toán trực tuyến thành công, đạt khoảng 63,21% thanh toán trực tuyến trong tổng hồ sơ phát sinh phí, lệ phí có cung cấp thanh toán trực tuyến. Triển khai rà soát các mức phí, lệ phí giải quyết TTHC theo nghị quyết của HĐND tỉnh để đề xuất miễn, giảm đối với hình thức thanh toán trực tuyến. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đến nay, đã sử dụng hiệu quả 2 hệ thống họp trực tuyến được UBND tỉnh đầu tư trước đây vào các cuộc họp trực tuyến, 10/10 xã, thị trấn có hệ thống họp trực tuyến liên thông đến cấp tỉnh.
Chuyển đổi số, số hóa cũng đang hiện hữu trong từng diện tích sản xuất, tới đời sống của người dân huyện NTM kiểu mẫu. Đơn cử tại xã Lạc Xuân là xã thứ 2 được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đơn Dương, trước đó là xã Lạc Lâm với 120 ha. Việc hoàn thành mục tiêu quy hoạch nông nghiệp của tỉnh, sớm đưa 2 xã này hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 300 ha là nỗ lực của vựa rau lớn nhất tỉnh này. Ở đó, không chỉ bức tranh kinh tế nông nghiệp phát triển mà đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân cũng phát triển vượt bậc từ những lợi ích mà nông nghiệp công nghệ cao đem lại. Xu hướng sản xuất mới không chỉ hình thành nên hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng, mà vấn đề cốt lõi là phải chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp. Đó là những gì mà huyện Đơn Dương đã và đang định hình cho nền nông nghiệp địa phương với 3 vùng sản xuất nông nghiệp và 1 vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao bởi 3 yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông thôn thông minh.
Theo UBND xã Lạc Xuân: Toàn bộ 100% diện tích sản xuất của xã đã thực hiện cơ giới hóa trong các khâu làm đất, lên luống; trên 65% rau, hoa được sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; 100% diện tích sản xuất ứng dụng các hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương và tưới thấm có thiết bị điều khiển tự động; 80% diện tích ứng dụng hệ thống cung cấp dinh dưỡng tự động hoặc bán tự động; 100% diện tích sử dụng hệ thống phòng trừ sâu bệnh tự động và bán tự động... Song song đó, các vấn đề về thu gom rác thải nông nghiệp được triển khai đúng quy định, các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông, hệ thống điện và hệ thống cấp thoát nước đều đảm bảo các tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy Đơn Dương chia sẻ: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai ứng dựng các nền tảng, giải pháp công nghệ số quốc gia như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; nền tảng định danh người dân; nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới, nền tảng dạy học trực tuyến... Đồng thời, sử dụng hiệu quả ứng dụng Đơn Dương trực tuyến - đây là ứng dụng có chức năng quản lý phản ánh, góp phần đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trên địa bàn huyện, là kênh giao tiếp giữa người dân và chính quyền, giúp cho các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn huyện thực hiện tốt và hiệu quả hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý và kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm.
Cùng với đó là đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số. Hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn. Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số. Nâng cao năng lực sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin của người dân, hình thành đội ngũ nông dân số gắn liền với quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn mới thông minh.
Nỗ lực trong xây dựng NTM kiểu mẫu thông minh là quyết tâm cao của huyện Đơn Dương, để chuyển đổi số trong xây dựng NTM, xây dựng NTM thông minh sớm thực sự phát huy hiệu quả “dân hưởng thụ”, cần tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin