(LĐ online) - Ngày 5/10, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chủ rừng Nhà nước làm chủ đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế khẩn trương, nghiêm túc tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ diện tích trồng rừng thay thế còn lại chưa kiểm tra từ năm 2014 đến nay và thống kê, báo cáo nguyên nhân các diện tích trồng rừng chưa đạt yêu cầu, không thành rừng và bị lấn chiếm.
Cán bộ, công nhân làm công tác quản lý bảo vệ rừng ở Đơn Dương trồng lại rừng trên diện tích đất rừng bị xâm hại sau khi phát hiện, xử lý |
Đối với các đơn vị chưa được quyết toán, căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát diện tích trồng rừng thay thế của từng đơn vị, cập nhật điều chỉnh và hoàn thiện hồ sơ quyết toán trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt quyết toán hoàn thành đối với các dự án trồng rừng thay thế đã kết thúc giai đoạn kiến thiết cơ bản theo quy định.
Đối với diện tích trồng rừng thay thế đã được kiểm tra không có rừng, mật độ không đảm bảo, chưa quyết toán hoàn thành, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức trồng lại, trồng bổ sung và tiến hành chăm sóc cho đến khi kết thúc giai đoạn kiến thiết cơ bản và được nghiệm thu đạt tiêu chí thành rừng theo quy định. Trường hợp không thực hiện thì phải hoàn trả lại kinh phí đối với những diện tích này.
Đối với những diện tích trồng rừng thay thế đã được quyết toán, quá trình kiểm tra, rà soát bị mất rừng không rõ nguyên nhân, chưa làm thủ tục thanh lý, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị chủ rừng phải tự bỏ vốn trồng bù theo quy định.
UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chủ rừng trên địa bàn thực hiện công tác rà soát, báo cáo hiện trạng trồng rừng thay thế trên địa bàn; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể đối với diện tích trồng rừng thay thế không đảm bảo mật độ, không thành rừng và để lấn chiếm đất rừng. Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức trồng lại rừng trên diện tích không đảm bảo về mật độ, không có rừng; đề xuất giải pháp xử lý đối với diện tích thực hiện phương án trồng rừng thay thế nhưng để mất rừng. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra các vấn đề tồn tại nêu trên.
UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm các huyện và thành phố lập kế hoạch phúc tra kết quả kiểm tra, rà soát các dự án trồng rừng thay thế của các đơn vị chủ dự án trên địa bàn tỉnh; cập nhật diện tích trồng rừng thay thế đã thành rừng vào diễn biến tài nguyên rừng. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng rừng thay thế của đơn vị, tổ chức được trồng rừng thay thế.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đối chiếu diện tích nghiệm thu, thanh toán có trách nhiệm thu hồi lại số tiền đã cấp cho các đơn vị chủ rừng được giao kế hoạch trồng rừng thay thế nhưng thực hiện không đạt kế hoạch; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Được biết, từ năm 2012 đến nay, tổng số tiền các chủ dự án nộp để trồng rừng thay thế là trên 258,2 tỷ đồng để thực hiện trồng 2.974,04 ha rừng. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt các kế hoạch và phân bổ kinh phí cho các dự án trồng rừng thay thế cho các chủ đầu tư là các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, Ban QLRPH, Vườn Quốc gia,… thực hiện với tổng kinh phí là trên 182,2 tỷ đồng/2.652,33 ha.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin