Ước mơ học trung học phổ thông của trẻ em khiếm thính

CHÍNH PHONG 00:19, 17/10/2023

Trong chuyến thăm và tặng quà các em học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng nhân dịp Tết Trung thu 2023, lãnh đạo nhà trường đã đề xuất Đoàn công tác của UBND tỉnh về việc tạo điều kiện, mở lớp dạy cấp trung học phổ thông đầu tiên cho các em tại địa phương. 

Một giờ học cấp trung học cơ sở của Trường Khiếm thính Lâm Đồng
Một giờ học cấp trung học cơ sở của Trường Khiếm thính Lâm Đồng

Hiện nay mỗi năm, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, nhiều em học sinh ra trường phải ngậm ngùi quay trở lại gia đình với rất nhiều khó khăn, thử thách. Mong mỏi tiếp tục được học lên cao hơn không chỉ là ước muốn của các em mà của cả tập thể thầy cô nhà trường cũng như các bậc phụ huynh lâu nay. Trước đề nghị tha thiết của các thầy cô Trường Khiếm thính Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cho biết, đây là nhu cầu hoàn toàn chính đáng, đặc biệt là học sinh khuyết tật với nhiều thiệt thòi, gặp khó khăn lớn trong đời sống, hoà nhập cộng đồng.

Ngay sau chuyến thăm, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức dạy và học cho học sinh khiếm thính sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/10/2023.

Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Lợi- Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính tỉnh cho biết, các thầy cô trong trường cũng như các em học sinh không dấu được xúc động và hào hứng trước thông tin các em có hy vọng sẽ được tiếp tục học cấp trung học phổ thông tại trường. Cô Lợi thông tin, hiện nay, nhà trường có 25 cán bộ, giáo viên và 125 em học sinh học ở 3 cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Nhiều năm qua, sau khi học hết lớp 9, mỗi năm, trung bình có từ 7 tới 8 em phải quay trở về lại gia đình vì nhà trường không có đủ cơ sở vật chất, kinh phí chăm sóc để giữ các em ở lại theo nguyện vọng tha thiết của gia đình và chính các em.

Cô Lợi chia sẻ, sau khi phải trở về, gia đình và các em gặp rất nhiều vất vả. Thứ nhất là do hầu hết gia đình các em đều là hộ nghèo, gia cảnh khó khăn. Thứ hai là do đã quen với giao tiếp ngôn ngữ ký hiệu, môi trường sinh hoạt với các thầy cô, bạn bè trong trường nhiều năm nên khi về với gia đình, các em gặp khó trong tương tác giao tiếp, dễ rơi vào tâm trạng bơ vơ, lạc lõng, tâm lý khủng hoảng trở lại. Do đó, việc được học tiếp 3 năm cấp trung học phổ thông tại trường sẽ giúp các em thêm hoàn thiện, khi ra trường sẽ hòa nhập với xã hội tốt hơn.

Em Nguyễn Lương Quang (22 tuổi) làm việc tại quán cà phê Lặng Art (đường Pasteur, Phường 4, TP Đà Lạt) là học sinh Trường Khiếm thính tỉnh vừa tốt nghiệp lớp 9 được 1 năm cho biết, em là một trong số ít học sinh may mắn sau khi tốt nghiệp được thầy cô giới thiệu có một công việc. “Khi quay trở về sống với gia đình, không còn được học tiếp, em rất hoang mang chưa biết làm gì để tạo ra thu nhập, tự nuôi sống bản thân. Giờ nếu trường mở lớp học cấp 3 em sẽ tạm nghỉ việc để nuôi tiếp ước mơ học lên bậc đại học tại một trường khiếm thính ở Đồng Nai hay TP Hồ Chí Minh - Quang ra dấu ký hiệu khi trao đổi với cô Nguyễn Thị Lợi. Tương tự em Quang, em Trần Nguyễn Thảo Hiền (thường trú tại huyện Cát Tiên) cũng ra trường và làm tại quán Lặng Art thổ lộ, về quê chỉ thời gian ngắn, em bắt đầu thấy hụt hẫng, sống thu mình trở lại vì giao tiếp với ngay cả bố mẹ và người nhà đều rất hạn chế. Bởi vậy, niềm mong mỏi của Thảo Hiền và những học sinh khiếm thính tại đây là được tiếp tục học chữ và học nghề tại trường để các em có thêm thời gian chuẩn bị, tiếp thu đủ kiến thức trước khi bước ra xã hội.

Cô Nguyễn Thị Lợi phấn khởi chia sẻ, hiện nay, tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng có 5 giáo viên khiếm thính trong đó có 4 giáo viên tốt nghiệp đại học và 1 giáo viên tốt nghiệp cao đẳng. Đây cũng là những tấm gương cho các học sinh của trường sau này cố gắng học tập, noi theo các anh chị đi trước. Và việc dự kiến nếu được học ngay tại địa phương, không phải đi các tỉnh, thành xa xôi để theo đuổi việc học đối với các em thực sự là một niềm vui, động lực lớn trên con đường tìm tri thức.

Được biết, theo kế hoạch, đầu năm 2024, toàn bộ 25 cán bộ, giáo viên và 125 em học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng và Trường Trẻ em thiểu năng Hoa Phong Lan sẽ được chuyển tới cơ sở mới là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Lâm Đồng (đường Nguyễn Khuyến, Phường 5, TP Đà Lạt). Trung tâm mới này gồm nhiều khối phòng học cho trẻ tự kỷ, thiểu năng và trẻ khiếm thính. Đồng thời, có 2 khối nhà 3 tầng dành nội trú cho các em cùng các khối nhà dùng làm phòng chức năng, khối hành chính quản trị, nhà ăn, hội trường,... Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt, quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Trường Khiếm thính Lâm Đồng với 43 năm hình thành và phát triển, sẽ là một trong số ít trường trên cả nước mở được lớp học chuyên biệt cấp trung học phổ thông cho các em học sinh câm điếc.