Vững vàng thôn buôn (bài 2)

VIỆT QUỲNH - NHẬT QUỲNH 05:37, 23/10/2023
 

XÃ NGHÈO XANH NGÁT NƯƠNG DÂU

Nằm cách trung tâm huyện Di Linh - địa phương hiện có đông đồng bào DTTS nhất tỉnh Lâm Đồng gần 30 km, xã Đinh Trang Thượng là nơi sinh sống của 996 hộ, với 12 dân tộc anh em; trong đó, đồng bào DTTS chiếm 83%. Chúng tôi đến với Đinh Trang Thượng qua lời giới thiệu đầy phấn khởi của Bí thư Huyện ủy Di Linh Đinh Văn Tuấn, rằng: “Các bạn cứ lên đấy mà xem, sẽ cảm nhận được rõ nhất không khí sôi nổi, khí thế trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”. Từ một cái tên chỉ thường được biết đến là xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, nay, Đinh Trang Thượng đã trở thành địa phương tiêu biểu cho tinh thần chủ động, dám đổi mới để phát triển kinh tế của bà con Nhân dân.

Con đường dẫn lên xã mát mắt bởi những bóng thông, và cả những ngọn đồi được phủ màu xanh. Trước khi cơn mưa chiều tới, anh Anh Ksor Huân - Phó Chủ tịch xã Đinh Trang Thượng tranh thủ dẫn khách ghé thăm một số hộ dân làm kinh tế giỏi của địa phương. Đầy hứng khởi, anh cho hay, từ năm 2020, Đảng ủy xã đã lần lượt ban hành Nghị quyết về phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm giai đoạn 2020-2025 và phát triển diện tích trồng cây rau màu giai đoạn 2021-2026. Đến nay, cả 2 mô hình đều đang mang lại hiệu quả tích cực, tạo “làn gió mới” cho đời sống kinh tế của bà con nơi đây.

Tại Thôn 5, ngôi nhà của anh K’Bress (44 tuổi) từ mấy năm nay đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con nông dân ở thôn, xã để học hỏi kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm. Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Thôn 5, anh là một trong những người đầu tiên đưa cây dâu, con tằm về xã Đinh Trang Thượng. Anh K’Bress chia sẻ, ban đầu, anh gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại do chưa có kinh nghiệm. Song, với tinh thần học hỏi, tìm tòi, đến nay, anh K’Bress đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây dâu, con tằm. Với gần 6 sào dâu, năm 2022, gia đình anh đã thu được hơn 200 triệu đồng từ nuôi tằm.

Bà con Thôn 5, xã Đinh Trang Thượng thoát nghèo nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm
Bà con Thôn 5, xã Đinh Trang Thượng thoát nghèo nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng, so sánh trên cùng 1 đơn vị diện tích, trồng dâu nuôi tằm và trồng rau thương phẩm mang lại giá trị kinh tế gấp 4-5 lần so với trồng cà phê. Nếu như năm 2021, toàn xã Đinh Trang Thượng chỉ có 3 hộ trồng dâu, nuôi tằm, thì chỉ sau hơn 2 năm, mô hình này đã phát triển nhanh chóng với 56 hộ dân tham gia; trong đó, có 50 hộ là người đồng bào DTTS. Mô hình kinh tế này được đánh giá là phù hợp với bà con vùng đồng bào DTTS, với nhiều ưu điểm như vốn đầu tư ít, cho thu nhập ổn định, liên tục. Từ việc tích cực chuyển đổi cây trồng, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Đinh Trang Thượng đạt 42 triệu đồng/người/năm. 

Tại Đam Rông - địa phương trước đây vẫn được mặc định là huyện nghèo, từ năm 2022, UBND huyện đã triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo tại các xã Đạ M’rông, Đạ Long, Đạ Tông, và Liêng S’rônh, với kinh phí 4 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Trong đó, trồng dâu, nuôi tằm là một trong những mô hình được lựa chọn để triển khai. Với hơn 700 ha dâu tằm hiện tại, mô hình này được Đam Rông xác định là ngành nghề có tiềm năng giúp bà con thoát nghèo bền vững. 

Đề án đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện từ 2-2,3%; đồng thời, giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS trên 3%/năm (theo chuẩn nghèo đa chiều). Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống dưới 6,5% và dưới 2% vào cuối năm 2030. Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển huyện Đam Rông giai đoạn 2021-2025 cũng đặt mục tiêu cho Đam Rông thoát nghèo bền vững vào năm 2025. 

Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Quốc Hương - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đam Rông, không có biện pháp nào hiệu quả và bền vững hơn việc tạo ra sự chủ động trong ý thức của người dân. Việc loại bỏ tâm lý chờ đợi và sự ỷ lại, kết hợp với hỗ trợ về nguồn vốn và kỹ thuật từ Nhà nước sẽ khích lệ bà con vùng đồng bào DTTS tiến bộ mạnh mẽ và tự tin phát triển kinh tế gia đình. 

 

LÀM GIÀU TỪ RAU, HOA, CÂY TRÁI

Những ngày đầu mùa khô cao nguyên, bà con nông dân xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương - huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vẫn tất bật trên những vườn rau, củ. Trong khu nhà kính rộng hơn 7 sào, anh Tou Neh Thức (38 tuổi, thôn Diom A) cũng bận rộn chuẩn bị đất để trồng lứa cúc trắng đầu tiên. Người thanh niên Churu vững vàng tự lái máy cày làm đất, bởi anh từng học ngành Bảo trì và sửa chữa ô tô ở TP Hồ Chí Minh cũng như làm việc tại TP Đà Lạt trước khi quyết định quay về Lạc Xuân để lập nghiệp với nông nghiệp. 

Không cam chịu cái nghèo với cách làm truyền thống, từ năm 2015, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 50 triệu đồng để làm nhà lưới và trồng rau hoa. Tháng 5 năm nay, anh tiếp tục đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng chuyển đổi từ nhà lưới sang nhà kính. Khi được hỏi “thay đổi thói quen trồng ớt, cà chua sang trồng hoa cúc, anh có lo ngại không?”, người nông dân trẻ khẳng định: “Tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, học hỏi từ các chuyên gia về kỹ thuật trồng, chăm sóc, và phòng, chống sâu bệnh. Đồng thời, tôi đã ký hợp đồng với công ty, được hỗ trợ từ giống cây đến tiêu thụ, nên khá yên tâm”.

Ở thôn Diom A, anh Thức là một trong số rất ít người trẻ được ăn học đến nơi đến chốn. Anh chia sẻ: “Mặc dù không làm đúng nghề đã học, nhưng tôi luôn thấy may mắn vì những kiến thức từ nhà trường đã giúp tôi thay đổi nhiều trong tư duy làm kinh tế lẫn trong cuộc sống”. Mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tại hầu hết các vườn của gia đình, anh đều sử dụng hệ thống điều khiển tưới nước, bón phân tự động qua điện thoại. Hiện tại, với 2,3 ha đất trồng rau, hoa, và cửa hàng kinh doanh phân bón, gia đình anh có thu nhập trung bình hơn 1 tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Xã Lạc Xuân có 15 thôn, trong đó có 7 thôn đồng bào DTTS với 2 dân dộc chính là Churu và K’Ho, chiếm 27% dân số toàn xã. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Xuân tự hào cho biết, hiện tại, toàn xã không còn hộ nghèo. Nông nghiệp công nghệ cao không còn xa lạ với nông dân DTTS. Bà con mạnh dạn học hỏi từ người Kinh, chủ động vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất.

Ông K’Bỏh (59 tuổi, Thôn 3, xã Đinh Trang Hòa) mời chúng tôi tham quan khu vườn rộng 2 ha trồng sầu riêng xen cà phê. Ông cho biết, 17 cây sầu riêng giống Mongthong và Dona của gia đình đang phát triển tốt, mỗi vụ có thể đạt 5 tấn quả. Ngoài ra, với việc cải tạo vườn cà phê, gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Đây cũng là con số mà nhiều hộ gia đình ở địa phương có đến 62% dân số là đồng bào các DTTS K’Ho, Mông, Ê Đê,... đạt được trong những năm gần đây. “Thu nhập bình quân đầu người 42 triệu đồng/người/năm. Các hủ tục được xóa bỏ. Cuộc sống ấm no giúp bà con tin tưởng hơn vào Đảng, Nhà nước và tích cực tham gia hiến đất, góp công vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương” - Bí thư Đảng ủy xã Đinh Trang Hòa, ông K’Gẹo chia sẻ.

Nghị quyết Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 xác định rõ một trong những mục tiêu là khai thác tiềm năng, lợi thế các địa phương trong vùng DTTS; đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân vùng DTTS so với bình quân chung của tỉnh; không còn xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, giảm 60% số thôn đặc biệt khó khăn.

Cùng với anh Tou Neh Thức và ông K’ Bỏh, đến nay, trong danh sách Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, những cái tên người đồng bào DTTS ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Không cam chịu đói nghèo, họ là những người tiên phong đổi mới, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều hộ nông dân khác xóa đói, giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là nhiều mô hình kinh tế tập thể đã được triển khai thực hiện và khẳng định hiệu quả, như mô hình liên kết trồng Atiso tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; mô hình trồng cây cao su ở thôn Đạ Nhar, buôn Con Ó, huyện Đạ Tẻh...

Với bà con đồng bào DTTS, mắt phải thấy, tai phải nghe thì niềm tin mới được tạo dựng vững vàng. Thế nên, những cái tên cùng mô hình và những con số cụ thể chính là minh chứng sống động nhất, động lực mạnh mẽ nhất, giúp bà con khắp các thôn, buôn trên vùng đất Nam Tây Nguyên có thêm niềm tin cùng ý chí quyết tâm, cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế, dựng xây cuộc sống ấm no.

(CÒN NỮA)