Vững vàng thôn buôn (bài 3)

VIỆT QUỲNH - NHẬT QUỲNH 06:08, 24/10/2023
 

 

NGƯỜI ĐI TÌM NAU M’PRING

“Chi machep puôl mê takdack
Rac ma sềm puôl mê tơ klăng
Brah mơ yàng puôl mê pơnơm các”

Trong tiếng M’nông, Nau M’Pring có nghĩa là “dân ca”. Từ nhiều năm nay, những âm điệu này vẫn luôn vang vọng trong ngôi nhà gỗ cũ ở thôn Đa Nhinh I, xã Đạ Tông (huyện Đam Rông) - nơi già Đa Cát Tư say sưa kể, giảng cho lũ trẻ ở thôn. Ông Tư nói, những âm điệu trên có nghĩa là “cây nhỏ bám vào cây lớn sẽ thành cây to, con chim nhỏ bay cùng đại bàng sẽ thành chim lớn, thần thánh thì dựa vào núi cao”, ngụ ý khuyên con người đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. 

Ông Đa Cát Tư (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) đã dành cả cuộc đời để sưu tầm những câu dân ca của dân tộc M’nông
Ông Đa Cát Tư (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) đã dành cả cuộc đời để sưu tầm những câu dân ca của dân tộc M’nông

Nau M’pring có từ khi nào? Những câu ca, điệu giao duyên, tục ngữ của người M’nông là do ai viết nên? Không ai biết. Già Đa Cát Tư cũng không biết. Ông chỉ biết rằng, từ khi còn nhỏ, trong những đêm bên bếp lửa ấm nồng, ông đã được nghe các già kể lại bao câu truyện cổ tích và câu hát dân ca. Để đến bây giờ, ở tuổi 71, những câu chuyện, vần điệu ca từ ấy vẫn luôn vang vọng trong tiềm thức của già Đa Cát Tư. Nhớ được gì, ông lại vội vàng lấy giấy bút ra viết lại. Đi đến đâu, nghe được gì hay, biết được gì mới, ông cũng đều ghi ghép cẩn thận.

Cứ thế, từ năm 1972 đến nay, già Đa Cát Tư đã dành hơn 50 năm cuộc đời mình để sưu tầm dân ca của người M’nông. Những trang giấy đầu tiên, nay đã úa vàng, vẫn được ông cất giữ cẩn thận như báu vật. Ông chia sẻ: “Ban đầu, tôi làm việc này bắt nguồn từ sự yêu thích, đam mê với văn hóa, dân ca của người M’nông, nhưng càng về sau, tôi càng nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy kho tàng dân ca”. Lớp già ngày một mất đi, trong khi lớp trẻ không biết nhiều về nét đẹp văn hóa của ông cha mình. “Chính vì vậy, tôi càng quyết tâm gắn bó, duy trì và tâm huyết với việc sưu tầm Nau M’pring cũng như truyền dạy lại cho lớp trẻ”, ông Tư nói. 

Nhiều tháng nay, già Đa Cát Tư cố gắng đánh máy các câu Nau M’pring rồi in đóng thành tập để nhiều người dễ dàng tiếp cận hơn. Với những giá trị tốt đẹp, năm 2020, dân ca (Nau M’pring) của người M’nông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Nghệ nhân Tou Neh MaBio (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc Churu
Nghệ nhân Tou Neh MaBio (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc Churu

Nếu ông Đa Cát Tư tâm huyết lưu giữ Nau M’pring thì ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, nghệ nhân Tou Neh MaBio lại say mê phục hồi, bảo tồn vũ điệu cổ Tamya Ariya của người Churu. Với người Churu, Arya là vũ điệu không thể thiếu trong các sự kiện trọng đại trong đời sống và sinh hoạt cộng đồng. 

Lớn lên cùng tiếng chiêng và những điệu múa Tamya Amiya, tình yêu âm nhạc, văn hóa người Churu cứ thế mà không ngừng tuôn chảy trong huyết quản của bà Ma Bio. Năm nay 65 tuổi, ánh mắt bà vẫn rạng ngời khi nhắc đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bởi bà đã dành gần như cả cuộc đời để sưu tầm, biểu diễn, quảng bá những nét đẹp văn hóa của người Churu đến bạn bè gần xa. Sân nhà bà bao năm đã trở thành lớp học, dạy cho những cô bé, cậu bé trong thôn biết đánh chiêng, biết múa điệu múa của dân tộc mình.

Niềm đam mê và tự hào đó của ông Đa Cát Tư hay bà Ma Bio, có lẽ cũng là cảm xúc chung của biết bao nhiêu con người nặng lòng với văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Từ văn hóa cồng chiêng của người K’Ho, người Mạ; những điệu múa của người Churu; đàn tính, hát then của người Tày, Nùng; đến nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nghề làm gốm... Tất cả cùng tạo nên một bức tranh đa sắc về văn hóa cho mảnh đất Nam Tây Nguyên. 

KHƠI MẠCH NGUỒN VĂN HÓA ĐẾN MUÔN SAU

Khác với tâm tư lo lắng về sự mai một của văn hóa truyền thống như những năm trước, ngày nay, tại hầu hết các cộng đồng DTTS mà chúng tôi đã gặp, câu chuyện đã tươi sáng và phấn khởi hơn rất nhiều. Tiếp nối truyền thống ông cha, nhiều người trẻ ở khắp các buôn, làng đang tích cực lưu giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, theo một cách riêng và thực tế. Trên bàn làm việc của chị Điểu Thị Prợt - Phó Chủ tịch xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, chúng tôi bắt gặp những món đồ lưu niệm nhỏ xinh được làm từ vải thổ cẩm - được dệt nên từ những người phụ nữ ở các thôn Đạ Cọ, Bù Sa, Bi Nao, Bê Đê, Bù Gia Rá. Với mong muốn giúp bà con có thêm động lực duy trì nghề truyền thống, nhiều năm qua, chị nỗ lực cùng lớp trẻ đa dạng hóa sản phẩm; phối hợp liên kết với các khu du lịch, khu khảo cổ trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm mà bà con làm ra. 

Hay như ở xã Bảo Thuận (huyện Di Linh), thế hệ thanh niên ở đây vẫn luôn tự hào về trang phục, chữ viết đến cồng chiêng và những điệu múa xoang của người K’Ho Srê. Nhiều năm nay, Bí thư Đoàn xã Ka Hành vẫn luôn duy trì Câu lạc bộ Tri thức trẻ nhằm lưu giữ văn hóa và đưa đội cồng chiêng, múa xoang của xã biểu diễn tại các khu du lịch của địa phương. Đây cũng là cách mà chị Ka Hành và thế hệ thanh niên Bảo Thuận nỗ lực giữ gìn và quảng bá nét đẹp văn hóa của mình đến với khách du lịch trong và ngoài tỉnh. 

Được xem như “cái nôi” của người K’Ho với 45.000 người, chiếm khoảng 37% dân số toàn huyện, huyện Di Linh luôn chú trọng công bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của bà con đồng bào DTTS, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã mở được 19 lớp dạy cồng chiêng với hơn 430 học viên tham gia. Cùng với đó là rất nhiều lớp cộng đồng do các nghệ nhân truyền dạy. Hiện, 3 Câu lạc bộ Cồng chiêng và 39 đội cồng chiêng của địa phương cũng đang duy trì hoạt động hiệu quả. 

 

Tỉnh Lâm Đồng - với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống đã xác định rõ: Văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho địa phương phát triển kinh tế, xã hội.

 

Do đó, nhiều năm qua, Lâm Đồng đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Theo đó, ngoài thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện các Đề án “Bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”; “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030”.

Mặt khác, Lâm Đồng ưu tiên nguồn lực cho việc nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê các di sản đang có nguy cơ bị mai một và chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với đó, các lễ hội dân gian, nghi lễ truyền thống như Lễ Pơthi (của người Churu và nhóm K’Ho ở K’Long, Đức Trọng), Lễ Nhô Wèr (của cộng đồng K’Ho Srê ở huyện Di Linh), Lễ Bok Chu-bur (của cộng đồng Churu ở huyện Đức Trọng), các nghi thức cúng lúa rẫy (của người Mạ ở Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm),... cũng được tỉnh đầu tư phục dựng. 

Cuộc sống no đủ, êm ấm hơn cũng là lúc đời sống tinh thần được bà con đồng bào DTTS chú trọng. Gìn giữ văn hóa dân gian Tây Nguyên, giờ đây đã không còn là chuyện của riêng ai. Nhờ những nỗ lực chứa đầy đam mê và tâm huyết đó mà tiếng chiêng vẫn được ngân dài qua bao thế hệ trong ngày vui của thôn buôn; hay len giữa vườn cà phê nơi Tây Nguyên nắng gió, lại bất chợt bắt gặp một làn điệu hát Then, đàn tính...

(CÒN NỮA)