Vững vàng thôn buôn (bài cuối)

VIỆT QUỲNH - NHẬT QUỲNH 04:36, 25/10/2023

ĐỘNG LỰC TỪ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Với đặc thù của một địa phương có đồng bào DTTS khoảng 338.318 người, chiếm khoảng 25,72% dân số toàn tỉnh, Lâm Đồng xác định việc triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 gồm xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với Nhân dân trong tỉnh. 

Giai đoạn 2021-2023, tổng vốn bố trí cho các chương trình MTQG là trên 1.627 tỷ đồng. Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau gần 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo... đã có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 77,67 triệu đồng (tăng 14,77 triệu đồng so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%; riêng hộ nghèo là người đồng bào DTTS giảm 2%; tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 92% (tăng 2% so với năm 2020); tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 91%, tăng 0,5%; toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Với sự lồng ghép, huy động nguồn lực thực hiện, các chương trình đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Kết quả thực hiện các chương trình đã tạo động lực phát triển, giúp các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi thay đổi diện mạo. Cuộc sống của đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc. 

Tại huyện Di Linh, nơi có số lượng đồng bào DTTS nhiều nhất tỉnh với trên 66.800 người thuộc 20 dân tộc, chiếm 41,5% dân số toàn huyện. Năm 2023, huyện được phân bổ trên 72 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, trên 7 tỷ đồng thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững, trên 35 tỷ đồng thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào DTTS luôn được quan tâm, ưu tiên đầu tư; phân bổ các nguồn vốn kịp thời, đúng nội dung, đối tượng...

Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh

 

Qua đó, các chương trình đã tạo được sự đồng thuận trong việc thực hiện, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Thu nhập bình quân đầu người của huyện Di Linh năm 2022 đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối 2022 còn dưới 3,82%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS còn 6,7% (theo tiêu chí mới). Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, qua đó củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

KHỞI SẮC DƯỚI NGÀN THÔNG XANH

Đam Rông mùa này nắng mưa bất chợt, nhưng niềm vui của bà con nơi đây vẫn rạng ngời. Là huyện vùng DTTS và miền núi của tỉnh, Đam Rông có 65% dân số là đồng bào DTTS. Những người gốc Tây Nguyên, cùng với đồng bào DTTS từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Thái, Dao, H’Mông... đã tạo nên cộng đồng với 22 thành phần dân tộc cùng sinh sống.

27/53 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 của huyện là 19,3% với 2.845 hộ. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 92,58% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Những con số sơ bộ đó, đã đủ nói lên nỗi nhọc nhằn cùng thách thức của công cuộc giảm nghèo nơi đây. 

Từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (6,92%), song, Đam Rông cũng là nơi có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh trong năm 2022, với 7,84%, tương ứng 1.111 hộ. Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện nói rằng, kết quả đó không chỉ dựa vào nỗ lực của chính quyền địa phương, từ sự hỗ trợ của các chương trình MTQG, mà còn dựa vào sự chủ động trong chính tư duy, nhận thức của bà con Nhân dân. Đó cũng chính là nền tảng cho sự phát triển lâu dài, bền vững.

Chính quyền chủ trương “trao cần câu thay vì cho con cá”, người dân dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Hiện, Đam Rông đã chính thức thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước. Ngoài cà phê, lúa, ngô,... là những loại cây trồng truyền thống, nay, 3 xã Đầm Ròn đã xanh mướt những nương dâu; Đạ R’sal ngập tràn sầu riêng, bưởi da xanh; Đạ K’nàng có chuối laba; Phi Liêng có thêm rau, hoa trồng trong nhà kính,... Một Đam Rông đang thật sự thay da đổi thịt từng ngày.

Những rộn ràng của sự đổi mới, đủ đầy đó cũng được cảm nhận rõ trên mỗi nẻo đường, ngõ xóm của huyện Đơn Dương - nơi có hơn 31% dân số là người đồng bào DTTS. Chúng tôi ghé thăm xã Ka Đô một sáng Chủ nhật đầu tháng. Sau buổi lễ nhà thờ, bà con tập hợp cùng chính quyền, và các đoàn thể ra quân Ngày Chủ nhật xanh, dọn dẹp môi trường. Ông Touneh Đông - Trưởng thôn Ka Đô cũ chia sẻ, công việc này đã trở thành thói quen hàng tháng của 224 hộ dân trong thôn. Không chỉ tích cực tham gia bảo vệ môi trường, người dân còn chủ động học hỏi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập... 

Đã không còn ảm đảm với bức tranh đói nghèo, nay, đi dọc vùng đất Nam Tây Nguyên, mỗi thôn buôn đều đã rộn ràng những câu chuyện của vụ mùa bội thu, hoa thơm trái ngọt, nhà cửa khang trang với đầy đủ điện, đường, trường, trạm... Một Nam Tây Nguyên từ giàu tiềm năng đã trở thành giàu sức sống với những kỳ vọng phát triển. Để đạt được thành quả đó, là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự sâu sát cơ sở của chính quyền từ tỉnh đến mỗi thôn, buôn. Và lớn hơn cả, là niềm tự hào của những người con K’Ho, Churu, Mạ... với khát vọng giữ gìn văn hóa; hội nhập và phát triển... 

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, Lâm Đồng đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng thực hiện công tác dân tộc. Song song với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là những chủ trương, chính sách riêng để phát triển vùng DTTS. Thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai toàn diện các giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030; đồng thời, lồng ghép thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, huy động nguồn lực xã hội hóa, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường của đồng bào các DTTS. Đặc biệt, phát huy vai trò dẫn dắt của tầng lớp ưu tú, xây dựng các mô hình khởi nghiệp mà đối tượng nhắm đến là tầng lớp thanh niên sáng tạo, dám mạo hiểm, dám nghĩ, dám làm...

Thiếu thốn, khó khăn vẫn còn, và sẽ còn cả một quãng đường dài cùng rất nhiều thách thức cần đến sự cố gắng, nỗ lực to lớn để đưa vùng đồng bào DTTS phát triển đồng đều. Thế nhưng, những khi ngắm nhìn những khuôn mặt già, trẻ hồn hậu rạng ngời bên ánh lửa bập bùng ở huyện Đam Rông; hay chuếnh choáng bên ché rượu cần trong gian nhà ở thị trấn Lạc Dương nghe già làng kể chuyện;... trong chúng tôi cứ vang lên những giai điệu bài hát “Nồng nàn cao nguyên” của nhạc sĩ Krajan Dick cùng niềm tin to lớn, rằng: “Trời cao nguyên đêm sao lấp lánh soi mặt em thơ rạng ngời và thấp thoáng tia sáng nhà sàn, lửa sáng lung linh. Ngàn thông xanh vi vu reo vui đón những người con về đây, rộng vòng tay rộn ràng lời ca tình anh em”...