Bảo tồn văn hóa truyền thống ngay tại gia đình và cộng đồng ở Lâm Hà

LÊ TRỌNG 06:31, 23/11/2023

Những đóng góp thầm lặng của các nghệ nhân trên lĩnh vực bảo tồn văn hóa truyền thống ngay tại gia đình và cộng đồng là rất đáng trân quý. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để ngành Văn hóa nhân rộng các mô hình điểm nhằm bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống lấp lánh bản sắc trên mảnh đất Nam Tây Nguyên. 

 Tác giả và Đội chiêng nhí ở tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà
Tác giả và Đội chiêng nhí ở tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà

Nơi tôi tìm đến là một ngôi nhà sàn mang phiên bản đồng bào dân tộc K’Ho Srê tại tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà của gia đình Nghệ nhân Ưu tú K’Bes - con trai của già làng, cố nghệ nhân Duôm Dzai Bát nổi tiếng một thời. Ngôi nhà sàn nhỏ xinh đã được dựng lên cách đây 7 năm nay bằng tâm huyết và niềm tự hào của gia đình. Đây không chỉ là nơi ở, chốn đi về, nơi lưu giữ những hiện vật cổ xưa - vốn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc K’Ho Srê, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của các thế hệ trong cùng một gia đình với những dấu ấn đáng nhớ.

Tại không gian văn hóa của gia đình Nghệ nhân Ưu tú K’Bes, công việc truyền dạy những bài chiêng cổ, những bài dân ca thấm đẫm tình đất, tình người, thấm đẫm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc K’Ho Srê cho các thế hệ vẫn cứ thế âm thầm diễn ra. Nó được ví như những dòng nước mát, như những mạch nguồn nối tiếp nhau chảy mãi, tạo nên dòng hợp lưu bất tận bên lưu vực sông Đạ Đờn huyền thoại. Những buổi truyền dạy các điệu thức chiêng cổ, hay như bài đấu chiêng đôi “Ching Yoo” đặc sắc của đồng bào dân tộc K’Ho Srê cho các thành viên thuộc Đội cồng chiêng nữ, hay như buổi truyền dạy “bài chiêng vở lòng” cho Đội chiêng nhí ở tổ dân phố Bồ Liêng của Nghệ nhân Ưu tú K’Bes đã phần nào minh chứng cho nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và trao truyền vốn văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một trong thời đại phát triển như vũ bão của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. “Gia đình chúng tôi rất tự hào vì các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của gia đình mình, của buôn làng mình để vốn quý đó không bị mai một theo thời gian”, nghệ nhân ưu tú K’Bes chia sẻ.

Biết đánh cồng, đánh chiêng; biết đấu chiêng đôi; biết hát những bài dân ca cổ xưa; biết tung hứng những vòng xoang đong đưa gọi mời... Có thể nói, 3 - 4 thế hệ trong cùng một gia đình của Nghệ nhân Ưu tú K’Bes đã làm nên một không gian văn hóa truyền thống thật gần gũi và thật ấn tượng. 

Mô hình thứ hai là mô hình bảo tồn nghề thủ công truyền thống - nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc K’Ho Cil ngay tại cộng đồng ở thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà. Hình ảnh cụ bà - nghệ nhân Long Dinh K’Niêr năm nay đã “92 mùa rẫy” đang miệt mài bên khung cửi được xem là một biểu tượng sinh động minh chứng sự tồn tại của làng nghề này suốt nhiều thập kỷ qua. Được biết, thôn Đam Pao hiện có đến 125 hộ gia đình đã và đang gắn bó với nghề dệt thổ cẩm như một lẽ sống còn trong cuộc mưu sinh đầy cơ cực nhưng cũng rất đỗi tự hào. Bà Chế Phương Nam - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Hà khẳng định: Những đóng góp thầm lặng của các nghệ nhân trên lĩnh vực bảo tồn văn hóa thời gian qua là rất đáng trân quý, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để ngành Văn hóa triển khai thực hiện các mô hình điểm nhằm bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống lấp lánh bản sắc tại địa phương. 

Hiện nay, vấn đề gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống, nghề thủ công truyền thống tại gia đình và cộng đồng ở huyện Lâm Hà thông qua các mô hình điểm là một trong những động thái tích cực, một bước đi đúng của ngành Văn hóa trong lộ trình phát huy “sức mạnh mềm” tại địa phương. Thực tế này cần được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và nhân ra diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh để những giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một, rơi vào lãng quên và bám rễ sâu trên mảnh đất đầy nắng và gió Nam Tây Nguyên.