Các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá

AN NHIÊN 04:39, 29/11/2023

Đánh giá kết quả 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) tại Lâm Đồng, tỷ lệ hút thuốc trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng chưa nhiều. Tỷ lệ hút thuốc tại nơi công cộng, nơi làm việc, nơi có quy định cấm hút thuốc vẫn còn. Một số thủ trưởng đơn vị chưa tích cực, nghiêm túc thực hiện Luật PCTHTL, số người hút thuốc vẫn coi hút thuốc là hành vi bình thường và chưa tuân thủ nghiêm các quy định về môi trường không khói thuốc lá.

Tiểu phẩm “Làn khói ma” do các tuyên truyền viên thuộc Hội LHPN Đà Lạt diễn 
trong Hội thi Sáng kiến truyền thông “Gia đình có sức khỏe - Không khói thuốc”
Tiểu phẩm “Làn khói ma” do các tuyên truyền viên thuộc Hội LHPN Đà Lạt diễn trong Hội thi Sáng kiến truyền thông “Gia đình có sức khỏe - Không khói thuốc”

10 NĂM THỰC THI LUẬT PCTHTL 

Hàng năm, để tổ chức thực hiện các nội dung của chiến lược và Luật PCTHTL chủ yếu là nguồn kinh phí từ Quỹ PCTHTL. Tổng kinh phí giai đoạn 2015-2022 cho hoạt động PCTHTL tại Lâm Đồng là 7 tỷ đồng. Quỹ PCTHTL hỗ trợ chủ yếu cho các hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, Quỹ PCTHTL đã hỗ trợ tích cực địa phương trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện Luật PCTHTL, tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông PCTHTL cũng như nâng cao năng lực triển khai các hoạt động điều tra khảo sát, nâng cao năng lực giám sát…

Để triển khai Luật PCTHTL, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1788 ngày 24/8/2015 thành lập Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể từng thành viên là lãnh đạo của các sở, ban, ngành, cơ quan và kiện toàn Ban Chỉ đạo khi có sự thay đổi về nhân sự nhằm thực hiện tốt công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh, chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức, đoàn thể liên quan tổ chức triển khai việc thực hiện Luật; tổ chức, chỉ đạo, điều phối thực hiện các chương trình, kế hoạch liên ngành PCTHTL trên phạm vi toàn tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện các nội dung về PCTHTL của ngành Y tế. 

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tốt trong công tác tăng cường thực thi Luật PCTHTL, xây dựng môi trường không khói thuốc lá và tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5 và Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 hằng năm. 

Kết quả trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 2 buổi mittinh cấp tỉnh, 42 buổi mittinh cấp huyện, thành phố hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá; tổ chức 1 hội thảo với sự tham gia của 50 cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Y tế; tổ chức 1 hội thi tìm hiểu về PCTHTL tỉnh Lâm Đồng; tổ chức 2 lớp tập huấn cho 54 cán bộ thanh tra các ngành, công an về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn; tập huấn 9 lớp cho 270 giáo viên, cán bộ công tác trong trường học trên toàn tỉnh về PCTHTL để giảng dạy tại trường học.

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát thực hiện Luật tại một số Trung tâm Y tế huyện, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, trường học, UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh.

• TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN LUẬT PCTHTL 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh, trong 10 năm qua, công tác thanh tra, xử phạt vi phạm liên quan đến việc thi hành Luật PCTHTL của các cơ quan, địa phương chưa được thực hiện do nhân lực hạn chế, hành vi vi phạm thường tức thời, nhỏ lẻ, hành vi hút thuốc lá khu vực cấm thường diễn ra trong thời gian ngắn và bất chợt.

Hằng năm, Sở Y tế tổ chức nhiều đợt giám sát, kiểm tra hoạt động PCTHTL tại các đơn vị. Đến nay, đã tổ chức 6 đợt giám sát tại 61 cơ quan công sở, bệnh viện, trường học, khách sạn, xưởng sản xuất trên địa bàn tỉnh. Nội dung giám sát việc xây dựng kế hoạch hoạt động PCTHTL của các đơn vị hằng năm, việc thực thi Luật PCTHTL, việc thực hiện các quy định về xây dựng môi trường không khói thuốc lá. Tổ chức ký cam kết thực hiện không hút thuốc lá tại nơi làm việc giữa chính quyền và công đoàn cơ sở, giữa cán bộ, người lao động với lãnh đạo... đưa nội dung về quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc đối với cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào nghị quyết hội nghị cán bộ, viên chức của đơn vị; vận động bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám bệnh và điều trị tại đơn vị thực hiện các quy định của pháp luật về PCTHTL trong cuộc họp hội đồng người bệnh cấp bệnh viện và cấp khoa, phòng.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa với nội dung tuyên truyền, phổ biến chuyên đề về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử; tình hình thực thi môi trường không khói thuốc tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh với hơn 1.000 buổi.

 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cho các cán bộ, công chức, viên chức của ngành tham gia Cuộc thi Tìm hiểu quy định của pháp luật về PCTHTL, cấm quảng cáo thuốc lá và hạn chế sử dụng hình ảnh thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Lâm Đồng lồng ghép tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trong các buổi biểu diễn và chiếu phim lưu động ở các vùng sâu, vùng xa phục vụ hơn 250.000 lượt người xem.

Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền, phổ biến về PCTHTL; hoạt động phổ biến, tuyên truyền ở một số các cơ quan, đơn vị chưa được thường xuyên liên tục, hiệu quả chưa cao. Công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật PCTHTL đã được triển khai, cập nhật thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tỷ lệ hút thuốc lá vẫn còn cao... Cơ sở y tế là nơi cấm hút thuốc hoàn toàn nhưng thực tế tại một số bệnh viện, trung tâm y tế vẫn xảy ra tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hút thuốc. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc còn gặp khó khăn do việc mua bán thuốc lá diễn ra khá dễ dàng, phổ biến, các địa điểm cấm hút thuốc lá thường không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở cũng như không có thẩm quyền xử phạt. Một số cơ quan, đơn vị, địa điểm mặc dù có quy định cấm hút thuốc nhưng còn mang tính hình thức, tình trạng hút thuốc vẫn còn diễn ra phổ biến, khó kiểm soát như tại các địa điểm nhà hàng, quán ăn, bến xe… Chưa tổ chức được cơ sở cai nghiện thuốc lá, hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá chủ yếu được tổ chức lồng nghép tại các cơ sở khám, chữa bệnh, chưa có nhân lực chuyên trách tư vấn, hiệu quả chưa cao.