(LĐ online) - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ trong ngày 14/11. Phiên họp được trực tuyến đến các bộ ban ngành và 63 tỉnh thành trong cả nước.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chủ trì. Cùng tham dự có các thành viên trong Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Phiên họp được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC trong cả nước từ đầu năm đến nay, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, bàn phương hướng, nhiệm vụ CCHC những tháng cuối năm và đưa ra những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai các nhiệm vụ CCHC.
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong 10 tháng năm 2023, công tác CCHC trong cả nước đã đạt được những kết quả tích cực. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo,chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đẩy mạnh CCHC.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn đối với CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác CCHC cải cách TTHC để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đến nay, các bộ ngành đã tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa nhiều quy định kinh doanh. Trong 10 tháng đầu năm nay đã có trên 341 quy đinh kinh doanh được đơn giản hóa; đồng thời đơn giản hóa 437 TTHC/1.086 TTHC (đạt 40%) các thủ tục giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân. Các địa phương cũng tích cực cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 10 năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt gần 27% (tăng trên 16% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt gần 41% (tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2022); việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt trên 82% (tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt trên 70% (tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Về vị trí việc làm, đến nay đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viênchức nghiệp vụ chuyên ngành. Đây là những kết quả bước đầu, giúp cho các bộ,ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức. Trong xây dựng chính quyền địa phương, Chính phủ đã đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Trong cải cách chế độ công vụ, Bộ Nội vụ đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đáng chú ý Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đến nay việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước cũng được đẩy mạnh trong nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/10/2023 đạt 401.836,4 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch (đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 46.44% kế hoạch và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), theo đó đã bổ sung, hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số. Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết có liên quan đến thúc đẩy, phát triểnChính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, đã có khoảng 6,2 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả. Bộ Nội vụ đã ban hành hướng dẫn lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử.
Đến nay, 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh; 40/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Theo thống kê của Bộ Công an, đến 10/10/2023 đã cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt trên 379,3 triệu tài khoản (chiếm 69,4% tổng tài khoản phê duyệt, tăng 17,2 triệu tài khoản so với thời điểm sơ kết 6 tháng). Có 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao. Toàn quốc đã có 12.597 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 98,2% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc, tăng 142 cơ sở so với thời điểm sơ kết 6 tháng); có 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư.
Phiên họp đã lắng nghe nhiều tham luận, ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương trong nước trong đó có tỉnh Lâm Đồng.
Thay mặt UBND tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Trần Văn Hiệp đã báo cáo tóm tắt công tác CCHC của Lâm Đồng trong 10 tháng đầu năm 2023.
Lâm Đồng trong năm 2023 đã có các chỉ thị, công văn về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh; về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp CCHC, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong công tác kiểm tra: UBND tỉnh đã giao Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công) phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với việc giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai UBND tại nhiều huyện, thành phố và ở nhiều xã phường trong tỉnh.
Trong thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tính đến nay Lâm Đồng được Chính phủ giao 169 nhiệm vụ; trong đó, 77 nhiệm vụ đã hoàn thành đúng và trước hạn, 92 nhiệm vụ còn lại đang trong thời hạn thực hiện, không có nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa hoàn thành.
Để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên địa bàn tỉnh, ngày 12/10/2023, UBND tỉnh đã đưa Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh (IOC) vào vận hành hoạt động.
Trong cải cách thể chế, tính đến cuối tháng 10/2023, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 27 nghị quyết qui phạm pháp luật, tham mưu UBND tỉnh ban hành 59 quyết định qui phạm pháp luật. Tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra văn bản, cho rà soát hệ thống hóa văn bản qui phạm pháp luật.
Trong cải cách TTHC, căn cứ các quyết định công bố TTHC của bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh công bố 28 Quyết định danh mục TTHC. Tất cả các TTHC đều được công bố kịp thời, đúng quy định. Đến nay, tổng số lượng TTHC thuộc phạm vi quản lý đã được công bố là: 1.860 thủ tục, trong đó cấp tỉnh 1.404 thủ tục, cấp huyện 291 thủ tục, cấp xã 165 thủ tục. Tỉnh đã đăng tải công khai kịp thời 100% TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt cho việc theo dõi, tra cứu của tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. Nội dung các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều được công khai đầy đủ, đúng quy định trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành; Trang thông tin điện tử các huyện, thành phố và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cấp.
Trong giải quyết TTHC, đến cuối tháng 10 trên toàn tỉnh tiếp nhận 635.033 hồ sơ, đã giải quyết 625.723, đúng và trước 620.104 (đạt tỷ lệ 99,01%); quá hạn 5.619 (chiếm tỷ lệ 1,1%); hồ sơ đang giải quyết 9.310 hồ sơ. Tỉnh cũng đã tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định TTHC: tiếp nhận và xử lý 143/143 phản ánh kiến nghị, đã xử lý 143 phản ánh kiến nghị; kết quả xử lý được đăng tải trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia kịp thời và đúng quy định.
Toàn tỉnh tính đến cuối tháng 10/2023 đã cung cấp được 702 dịch vụ công một phần, 473 dịch vụ công toàn trình trên môi trường điện tử. Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 430.732 hồ sơ theo hình thức trực tuyến, đạt tỷ lệ giải quyết trực tuyến 72,4% và hiện tỉnh đang đứng thứ 11/63 tỉnh thành phố trong nước (đánh giá, chấm điểm của Văn phòng Chính phủ theo Quyết định số 766/QĐ-TTg, ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức, tính đến ngày 9/11/2023, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện được 58/54 lớp bồi dưỡng (vượt 7,41% so với kế hoạch đề ra) với 5.165 học viên.
Tính đến ngày 31/10/2023, thu ngân sách nhà nước đạt 10.366 tỷ đồng, đạt 82% dự toán Trung ương và đạt 71% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 86% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 22.855 tỷ đồng, đạt 133% so với dự toán Trung ương giao và đạt 117% so với dự toán của địa phương; đảm bảo cân đối ngân sách chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển.
Trong giải ngân vốn đầu tư công, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 và năm 2022 kéo dài sang năm 2023 do HĐND tỉnh giao là 9.102,941 tỷ đồng; đến ngày 31/10/2023, đã giải ngân 3.897,21 tỷ đồng, đạt 42,81% kế hoạch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp |
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo CCHC thời gian qua; có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước.Đồng thời Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, các thành viên của Ban Chỉ đạo phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các nhiệm vụ CCHC năm 2023, tuyệt đối không đùn đẩy, phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, không gây lãng phí nguồn lực.
Thủ tướng nêu rõ phải đẩy mạnh đồng bộ toàn diện 6 nội dung của CCHC, trước nhất là tăng cường cải cách thể chế làm nền tảng; thứ hai là cải cách TTHC coi đây là trọng tâm; thứ ba là cải cách về chế độ công vụ làm động lực; thứ tư về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; thứ năm là cải cách tài chính công; thứ sáu là xây dựng Chính quyền điện tử Chính phủ số.
“Cần đẩy mạnh một cách toàn diện, đồng bộ, để tạo ra đột phá và nhất là việc cải cách TTHC đối với người dân doanh nghiệp tại cơ sở, để người dân không phải đi lại nhiều, không phải tốn kém thời gian và không còn bức xúc. Vấn đề này rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC được giao. Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương tăng cường đối thoại để trực tiếp nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin