Cung bậc phố núi

MAI VĂN BẢO 06:48, 30/11/2023

Cấu trúc không gian đô thị Đà Lạt, cùng với những công trình kiến trúc trong tổng thể thiên nhiên, địa hình, cảnh quan, đã kiến tạo nên hệ giá trị đặc trưng của thành phố này. 

Cung bậc phố núi Đà Lạt
Cung bậc phố núi Đà Lạt

Lịch sử quy hoạch Đà Lạt tiếp cận rất sớm với phương pháp, tư duy quy hoạch hiện đại. Từ mục tiêu, ý tưởng quy hoạch đến giải pháp thực hiện đều chịu ảnh hưởng nhất định bởi văn hóa phương Tây, nên sản phẩm quy hoạch, kiến trúc Đà Lạt đã khắc họa rõ nét về không gian và thời gian của một giai đoạn lịch sử, làm nên sắc thái đô thị rất đặc trưng, khác biệt trong hệ thống đô thị Việt Nam và thế giới. Cùng với đó là các phong cách kiến trúc Á Đông, kiến trúc bản địa đã được áp dụng. 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, kiến trúc ở Đà Lạt là “nghệ thuật kiến trúc kết hợp cảnh quan”. Mỗi công trình, cụm công trình được sắp đặt khéo léo nhằm khai thác triệt để đặc điểm địa hình, cảnh quan thiên nhiên, tạo nên thành phố bản sắc. Nghệ thuật kiến trúc Âu - Á quyện hòa, đậm bản sắc khó nhầm lẫn với kiến trúc ở các đô thị khác trong nước và trên thế giới. Qua các thời kỳ lịch sử, với những kịch bản quy hoạch đô thị như được định sẵn, Đà Lạt dần hình thành và được trao cho những danh xưng lãng mạn và ấn tượng: Thành phố trong rừng, Thủ đô mùa hè, Patite Paris của châu Á, Thành phố ngàn hoa…

Biệt thự cổ Đà Lạt hấp dẫn du khách
Biệt thự cổ Đà Lạt hấp dẫn du khách

Sau 130 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã trở thành đô thị nghỉ dưỡng của cả nước và ngày càng thu hút mạnh du khách các nước trên thế giới. Có thể khẳng định, giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Đà Lạt là ở các đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và hệ thống di sản kiến trúc đô thị hiếm nơi nào có. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ từng nói, ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông… Di sản kiến trúc Âu - Việt phối cảnh giữa thiên nhiên Đà Lạt mang dáng nét quyến rũ. Địa hình, rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xinh đẹp là “linh hồn” của Đà Lạt, được cấu thành từ cuộc “hôn phối” giữa thiên nhiên và sự kiến tạo của con người. 

Đà Lạt được quy hoạch đô thị theo bố cục tự do, hạn chế can thiệp vào địa hình, các con phố uốn lượn theo đồi núi và thung lũng, những phân khu chức năng bố trí linh hoạt, mật độ cây xanh khá cao tạo nên sự độc đáo “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, ít có thể thấy ở những thành phố khác của Việt Nam. Tài nguyên thiên nhiên, với núi rừng hùng vĩ và hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, đã là điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của một cấu trúc đô thị du lịch và nghỉ dưỡng. Các công năng chủ đạo và xuyên suốt này quyết định hình thái cấu trúc không gian đô thị, thể loại và tính chất kiến trúc. Đà Lạt nổi trội với tư cách là một chốn đô thị phong cảnh, mà ngày nay ta có thể thêm vào đô thị sinh thái. Đà Lạt sở hữu một quỹ kiến trúc đặc biệt phong phú về các loại hình, về phong cách và về thẩm mỹ. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Chính những tài nguyên thiên nhiên và quỹ kiến trúc đô thị vô song đã thúc đẩy và gạn lọc ra một lối sống, có thể nói, một dạng văn hóa thị thành đặc trưng. Tôi cho rằng, những gì đã nêu sẽ là vốn liếng, quỹ gen để Đà Lạt tiếp tục mở mang vào hiện đại. Song, bắt buộc phải là mình, trong dòng chảy tự nhiên, không đứt đoạn”.

Quyết định số 704/QĐ-TTg, ngày 12/5/2014, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu xây dựng và phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Tuy nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toán cần cân nhắc thận trọng. Và Đà Lạt, để hướng tới phát triển bền vững, phải tính toán kỹ việc khai thác và bảo vệ cảnh quan đô thị, kiến trúc đặc trưng; nâng cao sự cảm nhận về bản sắc đô thị thông qua bảo tồn văn hóa, công trình di sản, các không gian mở và môi trường.

Để Đà Lạt hấp dẫn hơn, cần bảo tồn di sản đô thị, bao gồm cả di sản thiên nhiên và lịch sử trong quá trình phát triển. Một đô thị giống như một cơ thể sống, nó luôn thay đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Đà Lạt cũng vậy, không chỉ ôm quá khứ mà phải có nhu cầu phát triển hiện đại, nâng cấp cả về quy mô và chất lượng đô thị. Vấn đề là phải giữ vững nguyên tắc bảo tồn để phát triển, nhưng cần tìm ra “một ngưỡng, một giới hạn cần bảo tồn” để gìn giữ bản sắc Đà Lạt. 

Bản sắc Đà Lạt hình thành từ mối quan hệ hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp và tinh hoa văn hóa nguyên quán của cư dân. Giữ được những nét đặc thù mà thiên nhiên, lịch sử đã để lại và làm cho các di sản hòa nhập vào cuộc sống, phát triển bền vững trong đô thị hiện đại, sẽ tạo nên sự độc đáo vô giá cho Đà Lạt.