Gửi tới Đại hội niềm tin và kỳ vọng

DIỆP QUỲNH (thực hiện) 06:47, 30/11/2023

Từ ngày 1-3/12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đoàn đại biểu Lâm Đồng tham dự Đại hội với 10 đại biểu và mang đến những niềm tin, tâm tư, kỳ vọng của người lao động. Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với một số đại biểu trước thềm Đại hội.

Ông Hoàng Liên - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng
Ông Hoàng Liên - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng

• Ông Hoàng Liên - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng
Tổ chức Công đoàn cần thể hiện mạnh mẽ vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động

Người lao động Lâm Đồng gửi gắm nhiều tình cảm, tâm tư đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Đây là đại hội thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về Đổi mới tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, là sự kiện vô cùng quan trọng với đội ngũ công nhân lao động cả nước. 

Người lao động rất kỳ vọng Đại hội sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề thiết thực với người lao động như vấn đề nhà ở, việc làm, thu nhập hay vấn đề chăm sóc sức khỏe, học tập của con em người lao động... Trong đó, chú trọng tới vấn đề tiền lương, tiền thưởng, chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác liên quan đến người lao động. Với Lâm Đồng, có nhiều khó khăn từ thu nhập, việc làm cho tới điều kiện học tập nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động, rất cần được hỗ trợ để người lao động vươn lên, thích ứng với nhu cầu của giai đoạn mới. Người lao động kỳ vọng vào tổ chức Công đoàn thể hiện mạnh mẽ vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Ông K’Dung - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Lâm Hà
Ông K’Dung - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Lâm Hà

• Ông K’Dung - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Lâm Hà
Chú trọng tới sự chuyển dịch việc làm của người lao động dân tộc thiểu số

Người lao động một huyện vùng sâu như Lâm Hà mang tới Đại hội 2 nguyện vọng chính. Thứ nhất, trong vai trò của một cán bộ công đoàn, tôi trông đợi nhiệm kì mới, những nghị quyết, chính sách của tổ chức Công đoàn phù hợp hơn, thiết thực hơn với người lao động, nhất là người lao động trong khối doanh nghiệp. Cần xây dựng được một đội ngũ cán bộ công đoàn phát triển từ cơ sở, hiểu được thực tế, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nhu cầu của người lao động.

Những chính sách cần tác động thiết thực tới đời sống của người lao động, đặc biệt, người lao động dân tộc thiểu số (DTTS). Sự chuyển dịch trong cơ cấu việc làm của người DTTS trong thời gian vừa qua diễn ra khá rõ nét với số lượng lớn người lao động thiểu số tìm việc làm trong các doanh nghiệp thay vì gắn với nông nghiệp như truyền thống. Cần có những chính sách phù hợp với người lao động DTTS như tạo việc làm, nâng cao thu nhập, dạy nghề... để người lao động có cơ hội làm việc, phát triển kinh tế cho bản thân và xây dựng gia đình, xây dựng cộng đồng. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Lam - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Quảng Thái Đà Lạt
Bà Nguyễn Thị Thanh Lam - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Quảng Thái Đà Lạt

• Bà Nguyễn Thị Thanh Lam - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Quảng Thái Đà Lạt
Người lao động khối dịch vụ cần ổn định việc làm

Là người lao động tại một doanh nghiệp tư nhân làm việc trong khu vực dịch vụ du lịch, tôi rất mong mỏi Đại hội thứ XIII Công đoàn Việt Nam chú trọng tới việc ổn định đời sống của người lao động trong ngành dịch vụ. Sau đại dịch COVID-19, sự sụt giảm trong khu vực du lịch, dịch vụ đã ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của người lao động trong ngành, giảm thu nhập, giảm việc làm khiến người lao động chịu áp lực rất lớn.

Rất mong tổ chức Công đoàn phối hợp, đề xuất với Chính phủ những chính sách hợp lý, tác động để ngành dịch vụ du lịch có thể hồi phục, người lao động được đảm bảo việc làm, thu nhập. Ngoài ra, việc đào tạo nhân lực cho khối dịch vụ du lịch cũng cần được chú trọng để nâng cao chất lượng người lao động, đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng dịch vụ. Việc làm ổn định đi đôi với chất lượng phục vụ sẽ giúp khối dịch vụ du lịch phát triển bền vững.

Bà Hà Kim Loan - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Merkava Việt Nam
Bà Hà Kim Loan - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Merkava Việt Nam

Bà Hà Kim Loan - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Merkava Việt Nam
Chú trọng tới hiệu quả thực tiễn tại các công đoàn cơ sở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Là cán bộ công đoàn tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thực sự để nói có rất nhiều vấn đề cần giải quyết nhằm xây dựng quan hệ hài hoà giữa người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức Công đoàn. Chúng tôi rất mong Đại hội lần này có những chính sách đi vào thực tiễn trong hoạt động công đoàn để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Đặc biệt, người làm công đoàn tại các doanh nghiệp nước ngoài như bản thân tôi đề xuất, Công đoàn Việt Nam cần nghiên cứu sửa đổi quy định về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động bị xâm phạm theo hướng trao quyền cho công đoàn cấp trên thay vì trao cho công đoàn cơ sở; đồng thời, bỏ điều kiện phải có yêu cầu của người lao động như hiện nay. Vì thực tế cán bộ công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp cũng là người lao động kiêm nhiệm công tác công đoàn, đang hưởng lương từ doanh nghiệp nên khả năng để đứng ra khởi kiện là rất khó khăn. Nếu công đoàn cấp trên chủ động tham gia giải quyết vụ việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều đồng thời, tiếng nói cũng mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.